THỰC TRẠNG BỆNH CẬN THỊ VÀ TÌNH HÌNH ĐIỀU TRỊ BỆNH CẬN THỊ Ở NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH
2.2.1. Thực trạng bệnh cận thị
Bệnh cận thị ở Việt Nam hiện nay có thống kê chính thức nào. So với tật khúc xạ nói chung, nó chiếm một tỉ lệ không lớn nhưng lại thường gây phiền toái cho bệnh nhân và các nhà nhãn khoa, vì thường gây ra các biến đổi trong nhãn cầu, đặc biệt ở hắc võng mạc. Theo thống kê ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh cận thị chiếm khoảng 2,1% [8]. Ở các nước Tây Âu, tỷ lệ này cũng xê dịch từ 1,6 đến 2,1% [8].
Trên mắt bị bệnh cận thị, do giãn lồi của vùng hậu cực ra phía sau, nên dễ gây ra biến chứng ở hắc võng mạc. Chính các biến đổi bất thường này của đáy mắt có thể gây mù loà. Ở Mỹ, cận thị bệnh lý là nguyên nhân thứ 7 gây mù loà, nguyên nhân thứ 2 ở Anh và xứ Gall, thứ 9 trong các nguyên nhân gây mù loà ở
người lớn ở một số nước khác [9]... Mù do cận thị thường xảy ra sớm, trung bình sớm hơn 10 năm so với mù do các bệnh khác như bệnh võng mạc do đái đường, glôcôm và các bệnh lý mạch máu.
Giãn lồi củng mạc gây teo hắc võng mạc này có thể lan ra phía ngoài của vùng giãn lồi củng mạc. Lúc đầu đó là những vùng teo nhỏ hình tròn bờ nét, theo thời gian những vùng này kết nhập với nhau tạo thành vùng có tổn thương lớn hơn, cũng có thể thấy các cục sắc tố ở vùng rìa hoặc ở bên trong vùng teo. Những vùng teo này thường mất tuần hoàn hắc mạc kèm theo hiện tượng hấp thụ và di cư tăng sinh sắc tố võng mạc và rối loạn cấu trúc lớp ngoài võng mạc cảm thụ. Các biến đổi này có nguyên nhân thường do tắc tiểu động mạch hắc mạc vì tuần hoàn hắc mạc không có tính chất tự điều chỉnh như tuần hoàn võng mạc, nó không có khả năng tăng máu để bù trừ, do đó có thể giảm tuần hoàn khi nhãn áp cao.
Sự xuất hiện màng tân mạch giữa biểu mô sắc tố võng mạc và màng Bruch là biến chứng nghiêm trọng trong cận thị nặng. Các tân mạch có thành mỏng đi cùng với tổ chức xơ xâm nhập vào khoang dưới võng mạc qua những lỗ thủng của màng Bruch khi soi đáy mắt thấy những vết màu xám bẩn ở vùng hậu cực. Các tân mạch này thường gây ra xuất tiết hoặc xuất huyết làm bệnh nhân nhìn hình biến dạng. Xuất huyết nhiều có thể gây ra ám điểm trung tâm và khởi đầu cho sự hình thành chấm Fuchs. Đó là những tổn thương màu đen hình tròn hoặc hình elip ở vùng hoàng điểm đôi khi nó có thể lệch về phía mũi, nó thường nhô cao và có bờ rõ có kích thước khoảng một đường kính gai thị. Theo thời gian sắc tố có thể bị hấp thụ và di cư đến gây xơ hoá màng tân mạch, có thể làm bong võng mạc cảm thụ và thay đổi thành dạng chấm Fuchs cũng như màu sắc chuyển sang màu vàng, đỏ hoặc xanh ngọc do biến đổi Hemoglobin, sau nhiều năm chấm Fuchs bị phá vỡ cấu trúc trở thành dẹt hơn, bờ không rõ ràng và mất sắc tố, xung quanh có quầng teo. Ở giai đoạn cuối có thể chỉ còn hình ảnh của một vài cục sắc tố ở vùng hoàng điểm, chấm Fuchs này ở người cận thị càng cao
thì tỷ lệ càng lớn, đa số các nghiên cứu thấy chấm Fuchs ở phụ nữ nhiều hơn nam giới với tỷ lệ 2/1 hoặc 3/2, gặp trong 5% - 10% trong các trường hợp cận thị nặng, thường xuất hiện cả hai mắt. Tuy nhiên có sự chênh lệch về thời gian từ vài tháng đến 15 năm (trung bình 2,4 năm) Trong trường hợp cận thị không đều nhau, mắt cận thị cao hơn thì có nguy cơ lớn hơn, tiên lượng thị lực ở mắt bị chấm Fuchs rất tồi, thường dẫn tới mù lòa[12], [43].
Thoái hoá hoàng điểm do cận thị xảy ra sớm hơn 16 năm so với thoái hoá hoàng điểm tuổi già, nó thường xảy ra cả hai mắt và gặp ở phụ nữ nhiều hơn. Khi cận thị từ - 20D trở lên thì mắt luôn có thoái hoá hoàng điểm.
Lỗ hoàng điểm cũng hay gặp trong cận thị cao, các lỗ lớp hoàng điểm hình tròn cũng có thể gặp ở mắt bình thường do hậu quả của thoái hoá, bệnh mạch máu võng mạc, viêm, chấn thương v.v..
Bong võng mạc cũng hay gặp do các vết rách cạnh gai, các vết rách này thường nhỏ, khu trú ở phía mũi dưới, gần với mạch máu hắc mạch do dịch kính co kéo vào chỗ dính với võng mạc. Loại bong võng mạc này thường bong thấp, tiến triển chậm. Đôi khi vết rách võng mạc có thể xảy ra vùng bờ giãn lồi ở củng mạc do co kéo dịch kính võng mạc [43] [109].