Các biện pháp xử lý được thực hiện khi khoản vay không thể phục hồi được, ngân hàng dùng các biện pháp mạnh để thu hồi tối đa số tiền khách hàng nợ ngân hàng. Các biện pháp xử lý bao gồm:
Thu hồi nợ: Ngân hàng quyết định thu hồi nợ với mong muốn chấm dứt hợp đồng cho vay để giảm các chi phí tiếp tục phát sinh do duy trì khoản vay. Ngân hàng thu hồi nợ bằng cách yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Nếu khách hàng đã hoàn trả đầy đủ số tiền nợ ngân hàng thì quan hệ cho vay giữa ngân hàng và khách hàng là chấm dứt. Nếu khách hàng hoàn trả không đầy đủ hoặc không trả toàn bộ số nợ ngân hàng thì ngân hàng tiếp tục áp dụng các biện pháp sau nhằm thu được tối đa số vốn bỏ ra: Như phát mại tài sản hoặc trả nợ thay, khởi kiện, bán nợ ….
Phát mại tài sản: Ngân hàng cố gắng thuyết phục khách hàng tự nguyện bán tài sản của mình. Nếu khách hàng không có thiện trí thì ngân hàng sẽ tiến hành bán tài sản cầm cố thế chấp theo sự giám sát và phán quyết của cơ quan pháp luật.
Trả nợ thay: Yêu cầu bên bảo lãnh trả nợ thay cho khách hàng vay vốn nếu khi cho vay khách hàng đảm bảo khoản vay bởi sự bảo lãnh của bên thứ ba. Bên bảo lãnh có nghĩa vụ trả nợ thay cho khách hàng về khoản tiền còn thiếu.
Khởi kiện: Trong trường hợp tài sản đảm bảo hoặc bên bảo lãnh không đáp ứng hết nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng, ngân hàng có thể dùng biện pháp khởi kiện để thu hồi hết số tiền. Ngân hàng phải làm thủ tục pháp lý cần thiết cho việc khởi kiện.
Bán nợ: Khi ngân hàng không thu hồi được nợ, ngân hàng có thể dùng biện pháp bán nợ, tức là bán khoản nợ cùng giá trị khoản nợ cho một tổ chức khác. Số tiền bán nợ thu được thường nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị khoản nợ nhưng đây cũng là biện pháp để thu hồi một phần khoản nợ. Bán nợ thường áp dụng với các doanh nghiệp có giá trị nợ lớn, bán toàn bộ doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp với mục đích sau khi bán doanh nghiệp có sự lãnh đạo mới, có thể cứu vớt tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các biện pháp khuyến khích trả nợ: Miễn giảm một phần lãi suất, tính lại lãi, không tính lãi phạt… áp dụng cho các khách hàng có thiện chí trả nợ gốc.
Xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro: Về nguyên tắc, biện pháp này chỉ được áp dụng đối với các khoản nợ xấu: Sau khi ngân hàng đã áp dụng hết các biện pháp khắc phục và xử lý mà vẫn không thu hồi được nợ hoặc các khoản nợ đã phát mại hết tài sản nhưng vẫn còn chênh lệch âm (cả gốc và lãi) hoặc các khoản vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan mà không thể khắc phục được.
Sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp cho những khoản rủi ro cho vay xảy ra làm lành mạnh hoá tài chính của ngân hàng chứ không có nghĩa là xoá hoàn toàn nợ vay cho khách hàng. Đối với các khoản nợ được xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro: Những khoản vay có rủi ro sau khi được bù đắp bằng quỹ dự phòng rủi ro sẽ được chuyển ra ngoại bảng để theo dõi tận thu, ngân hàng vẫn phải dùng các biện pháp khắc phục và xử lý để thu hồi nợ.
Biện pháp đối với cán bộ ngân hàng, các bộ phận liên quan trong ngân hàng.
Ngoài các biện pháp khắc phục và xử lý nêu trên, dựa trên mức độ rủi ro và thiếu sót từ phía cán bộ mà ngân hàng lựa chọn mức độ xử lý (việc này cũng cần phải dựa vào quy định về tổ chức cán bộ của ngân hàng) : Truy cứu trách nhiệm,Bồi thường vật chất, xử lý kiểm điểm cách chức hoặc chịu phạt theo quy định của ngân hàng.