Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã được thực hiện để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cho vay các DNNVV ở nhiều quốc gia trên thế giới.
“Determinants Predicting Credit Accessibility within Small and Medium- Sized Enterprises in the South African Construction Industry” của Olanrewaju Abdul Balogun, Ansary Nazeemvà Justus Ngala Agumba (2016) đăng trên Procedia Engineering. Nghiên cứu này xem xét tác động các đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ Nam Phi trong ngành xây dựng trong tiếp cận tín dụng. Hồi quy Binary Logistic được áp dụng để xác định ảnh hưởng của các biến số đến khả năng tiếp cận tín dụng. Các kết quả cho thấy số liệu về doanh nghiệp và tài sản thế chấp, năng lực quản lý, kế hoạch kinh doanh và giá trị dự án, mối quan hệ với ngân hàng và vị trí của doanh nghiệp là những yếu tố quyết định quan trọng dự đoán khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Theo nghiên cứu “The Impact of Firm Characteristics in Access of
Financing by Small and Medium-sized Enterprises in Tanzania”của Alex Reuben Kira1 & Zhongzhi Hel (2012) trên International Journal of Business and Management đưa ra các nhân tố địa điểm, quy mô, thời gian hoạt động, tài sản thế chấp và thông tin ngành nghề kinh doanh) có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay.
Mahembe (2011) đã nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay và hỗ trợ của các DNNVV ở Nam Phi. Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy Logistic kiểm định các yếu tố bên trong như quy mô của DNNVV, nhu cầu vốn, tỷ lệ thành công/từ chối cho vay, quan điểm của chủ sở hữu doanh nghiệp, khả năng tiếp cận thông tin tín dụng, thủ tục pháp lý và kinh nghiệm của doanh nghiệp. Và các yếu tố bên ngoài như hệ thống pháp luật không hiệu quả, tội phạm và tham nhũng. Kết quả nghiên cứu cho thấy những biến quy mô DNNVV, khả năng tiếp cận thông tin tín dụng, kinh nghiệm của doanh nghiệp có tác động cùng chiều với khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của các DNNVV ở Nam Phi.
Samuel Sekyi, Paul Kwame Nkegbe và Nassegnible Kunnible (2013) ‘Participation in the credit market by small scale enterprises in Ghana: Evidence from Wa Municipality’ đề tài thực hiện khảo sát ngẫu nhiên 200 doanh nghiệp thông qua bảng câu hỏi khảo sát. Trong số 200 DN được khảo sát thì có 115 DN chiếm tỷ lệ 57.5% không vay vốn và 85 DN tương ứng với 42.5% có vay vốn (xác định trong vòng 12 tháng), trong số các DN vay vốn thì chỉ có 31 DN vay từ nguồn tín dụng chính thức còn lại 54 DN thì phải vay từ thị trường tín dụng không chính thức. Sau đó đề tài sử dụng mô hình ước lượng Bivariate probit với 2 biến phụ thuộc là tham gia thị trường tín dụng và nguồn tín dụng được lựa chọn, các biến độc lập gồm tuổi chủ doanh nghiệp, thời gian hoạt động của DN, giới tính chủ DN, Số nhân khẩu trong gia đình chủ DN, trình độ học vấn chủ DN, khoảng cách từ văn phòng của DN đến tổ chức điểm giao dịch của tổ chức tín dụng gần nhất, số lượng nhân viên của DN, thu nhập của DN, tài sản của DN. Kết
quả nghiên cứu cho thấy có bốn nhân tố có tương quan dương với khả năng tham gia thị trường tín dụng của DN đó là: kích cỡ hộ gia đình chủ DN, trình độ học vấn chủ DN, tuổi chủ doanh nghiệp và thu nhập của DN, trong đó trình độ học vấn của chủ DN ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng tham gia thị trường tín dụng, theo kết quả hồi quy thì cứ tăng thêm 1 năm tham gia học tập của chủ DN thì xác suất tham gia vào thị trường tín dụng của DN đó tăng xấp xỉ 16%. Tuy nhiên, tài sản của DN lại có tương quan ngược chiều với khả năng tham gia thị trường tín dụng của DN. Về việc lựa chọn nguồn tín dụng thì có hai nhân tố ảnh hưởng đó là tuổi chủ doanh nghiệp và học vấn của chủ doanh nghiệp, trong đó tuổi chủ doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn nguồn tín dụng có hình dạng hình chữ U, tức khả năng lựa chọn nguồn tín dụng chính thức sẽ tăng lên cùng với độ tuổi chủ doanh nghiệp nhưng đến độ tuổi nhất định thì khả năng này sẽ giảm xuống do các tổ chức tín dụng không sẵn lòng cho vay với những người có độ tuổi cao.
Selamawit Niguse Kebede, Aregawi Ghebremichael Tirfe và Nigus Abera (2014) ‘Determinants of Micro and Small Enterprises’ Access to Finance’. Nghiên cứu sử dụng hồi quy binary logistic với số lượng mẫu là 138 DNNVV được lựa chọn ngẫu nhiên từ tổng 538 DNNVV khảo sát. Nghiên cứu đưa ra mười giả thuyết về khả năng tiếp cận vốn của DNNVV tại Ethiopia trong đó có bảy giả thuyết được chấp nhận là: DN được điều hành bởi người chủ lớn tuổi có xu hướng dễ tiếp cận nguồn vốn hơn DN được điều hành bởi người chủ trẻ tuổi, chủ DN có trình độ học vấn cao hơn thì dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hơn, DN có tài sản đảm bảo dễ tiếp cận nguồn vốn hơn DN không có, DN có thời gian hoạt động lâu hơn dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, DN có quy mô về lao động lớn hơn thì dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, quy trình tín dụng ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vay vốn của DNNVV, kỳ hạn khoản vay ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vay vốn của DNNVV. Ba giả thuyết chưa đủ bằng chứng để kết luận là DN được điều hành bởi người chủ là nam dể tiếp cận vốn hơn là chủ nữ, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dễ tiếp cận vốn hơn, lãi suất khoản vay ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp cận vốn của DN; trong các nhân tố còn lại quy mô lao động
được xem là nhân tố có tác động mạnh nhất đến khả năng tiếp cận vốn.
Arlinda Mustafa (2015) ‘Access to bank loan of SMEs in Kosovo’ sử dụng hồi quy Logistic với số lượng mẫu là 486 DNNVV lấy ngẫu nhiên từ 44.302 DNNVV được khảo sát trong cuộc khảo sát năm 2012 tại bảy khu vực ở Kosovo, biến phụ thuộc đề xuất trong nghiên cứu này là giới tính chủ DN, thời gian hoạt động của DN, trình độ học vấn người quản lý, vị trí của DN, kinh nghiệm quản lý, loại hình DN, giá trị tài sản đảm bảo, kế hoạch kinh doanh của DN, quy mô doanh nghiệp. Trong các biến trên thì chỉ có các biến là vị trí DN, thời gian hoạt động của DN, kinh nghiệm quản lý, kế hoạch kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và giá trị tài sản đảm bảo là có ý nghĩa thống kê, trong đó kế hoạch kinh doanh của DN có tác động mạnh nhất đến khả năng vay vốn của DNNVV. Một điều đặc biệt là nghiên cứu này có so sánh với cuộc khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tác giả đã chỉ ra một khác biệt rất lớn giữa Kosovo và Việt Nam là trong khi giá trị tài sản đảm bảo đóng vai trò không đáng kể đối với khả năng tiếp cận vốn vay tại Kosovo, thì tại Việt Nam giá trị tài sản đảm bảo lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với các DN khi đi vay vốn.