Đối với hệ thống BIDV

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam trên địa bàn tỉnh bình dương (Trang 84 - 87)

Cần có những hướng dẫn cụ thể đối với quy trình và đặc điểm cho vay DNNVV do đặc điểm về trình độ văn hóa, về vốn và môi trường kinh doanh vì vậy cần cử những cán bộ tín dụng có đủ kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm tiếp xúc với khách hàng. Thường xuyên có những buổi tiếp xúc trực tiếp để nắm bắt nhu cầu của khách hàng từ đó có thêm thông tin để đưa ra những giải pháp cụ thể.

Có thể vận dụng các giải pháp trong thực tiễn để mở rộng quan hệ tín dụng với các DNNVV, đặc biệt là có thể xem xét để phát triển hình thức cho vay tín chấp đối với các Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên và các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng dành cho khác hàng DNNVV: DNNVV ở tại từng địa bàn có những đặc điểm, tiềm năng khai thác khác nhau nên các hình thức tín dụng phải được thiết kế phù hợp với đối tượng DNNVV.

Có định hướng phát triển sản phẩm tín dụng cho khu vực DNNVV: Xây dựng các gói sản phẩm dịch vụ chuyên biệt theo đặc thù kinh doanh của từng nhóm khách hàng DNNVV: khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng hoạt động trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đầu ngành, khách hàng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Start up), khách hàng doanh nghiệp dịch vụ, khách hàng doanh nghiệp phát triển công nghệ 4.0…. Lựa chọn các sản phẩm và hình thức bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề kinh doanh của DNNVV. Xây dựng chính sách dành riêng cho đối tượng khách hàng DNNVV: ưu đãi mức lãi suất, linh hoạt phương thức cho vay, thời hạn vay, tạo điều kiện cho khách hàng được ân hạn, gia hạn nợ gốc và lãi, giúp doanh nghiệp không phải trả lãi phạt do trễ hạn, giảm áp lực các khoản nợ đến hạn, ưu tiên các khoản phí cho các DNNVV khi sử dụng các gói sản phẩm của BIDV.

Đối với các DNNVV mới quan hệ tín dụng lần đầu, nếu dự án, phương án khả thi thì ngân hàng có thể tạo điều kiện để việc giải ngân được nhanh chóng với những ưu đãi về lãi suất thấp hơn và số tiền vay được nhiều hơn các DNNVV thông thường khác.

Có các hoạt động Maketing: để DNNVV nắm được những chương trình, chính sách mà ngân hàng dành cho DNNVV nhằm nâng cao tính hợp tác trong quá trình quan hệ tín dụng.

Tăng cường hoạt động tư vấn cho khách hàng DNNVV: tư vấn không chỉ dừng lại ở mức độ giải thích các quy định và thể lệ cho khách hàng hoàn thiện hồ sơ tín dụng mà là cùng khách hàng xem xét tín hiệu quả của dự án trên cơ sở đó giúp khách hàng lập phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Thường xuyên cập nhật sự biến động của thị trường: nhằm có những cảnh báo sớm, những nhận định chính xác trong từng thời kỳ cho hoạt động tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và DNNVV Bình Dương nói riêng. Ngân hàng phải đánh giá đúng tình hình kinh tế, những biến động bất thường có thể xảy ra.

Qua đó, nhận định được ngành nghề kinh doanh nào, đối tượng DNNVV nào đang gặp phải rủi ro. Từ đó, giúp đánh giá được khách hàng có uy tín, giảm được nợ xấu, nợ quá hạn nâng cao được chất lượng tín dụng cho đối tượng DNNVV.

Hoàn thiện mô hình chấm điểm và xếp hạng tín dụng cho DNNVV: ngân hàng thường xuyên cập nhật thông tin về khách hàng, xếp hạng tín dụng cho khách hàng thường xuyên, định kỳ trước trong và sau khi cho vay.

Hợp tác với các tổ chức, các hiệp hội trong việc cho vay hỗ trợ DNNVV: Tiếp tục thực hiện mô hình liên kết Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm gắn kết cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, thực hiện cho vay tín chấp trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, ngân hàng sẽ không giải ngân trực tiếp cho DNNVV mà chỉ giải ngân cho đối tác theo từng hợp đồng thanh toán, theo tiến độ của dự án, với cách giải ngân này, dòng vốn được đảm bảo sử dụng đúng mục đích xin vay, đúng theo quy định tại Thông tư số 21/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 về sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân cho vay đối với khách hàng, giảm bớt rủi ro cho DNNVV và ngân hàng.

Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng đối với DNNVV: đào tạo cán bộ chuyên biệt về phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, thẩm định dự án đầu tư, để có đánh giá chính xác về tính khả thi của dự án. Điều này, giúp cho quá trình xét duyệt cho vay được chính xác hơn, tránh tình trạng cho vay các dự án, phương án không khả thi nhưng lại từ chối dự án tốt. Phân công các cán bộ theo năng lực và sở trường giúp phát huy hết khả năng của từng cán bộ nhằm đem lại hiệu quả cho công việc.

Cơ sở để đưa ra quyết định cho vay bao gồm nhiều nhân tố ảnh hưởng như uy tín, thái độ, năng lực, vốn tự có, tài sản thế chấp, các điều kiện khác, chính sách tín dụng của ngân hàng. Kết quả phân tích tại chương 4 cho thấy tài sản đảm bảo trở thành một điều kiện trong các quyết định cho vay. Điều này gây cản trở cho các DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, cần thay đổi nhận thức tài sản bảo đảm

trong hoạt động cho vay, xem tài sản bảo đảm chỉ là điều kiện bổ sung nhằm giảm thiểu các rủi ro tín dụng, đồng thời nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay hoặc áp dụng các biện pháp bảo đảm khác như cam kết trả nợ thay.

Thông tin mềm là những thông tin có tính nội bộ, ví dụ thông tin về uy tín của doanh nghiệp vay mà nhân viên tín dụng có được sau thời gian cho vay đối với khách hàng. Thông tin mềm có thể thu thập trong quá trình giao tiếp với khách hàng, thẩm định, kiểm tra giám sát món vay trước đó. Do đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa là thông tin cứng (báo cáo tài chính, phương án kinh doanh…) có thể tính tin cậy không cao nên thông tin mềm đóng vai trò quan trọng trong khi cấp tín dụng cho đối tượng khách hàng này. Các ngân hàng cần xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin mềm khách hàng suốt thời gian khách hàng quan hệ tín dụng trước đó, ngay cả những giao dịch phi tín dụng. Các thông tin mềm này là nguồn dữ liệu quan trọng bổ sung cho nguồn thông tin cứng, giúp ngân hàng đánh giá rõ hơn về khách hàng, mạnh dạng hơn khi cho vay và có thể giảm các điều kiện về tài sản bảo đảm.

Doanh nghiệp có quan hệ càng lâu với ngân hàng càng dễ được vay vốn. Do đó các doanh nghiệp sẽ tận dụng các mối quan hệ từ ngân hàng mà doanh nghiệp hay giao dịch về tài khoản, sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu vay vốn. Vì thế BIDV phải thường xuyên cập nhật đổi mới công nghệ, đưa ra các sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chú trọng tới cung ứng dịch vụ ngân hàng trọn gói, gắn việc cấp tín dụng với các dịch vụ tài chính khác như: tiền gởi, dịch vụ tài khoản, dịch vụ chi trả lương ……để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của khách hàng, có như vậy BIDV mới có thể giữ chân được khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới duy trì mối quan hệ lâu dài với BIDV. Đồng thời trong quá trình giao dịch, ngân hàng sẽ lưu trữ lịch sử giao dịch và đây sẽ là kho dữ liệu quan trọng để ngân hàng tham khảo khi thẩm định hồ sơ vay vốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam trên địa bàn tỉnh bình dương (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)