Môi trườngPhát triển bền vững
4.2.1. Tài nguyên du lịch
Nhìn tổng thể, vườn quốc gia Ba Vì có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết để phát triển du lịch sinh thái mà trước hết là sự đa dạng sinh học. Hơn nữa, Vườn có một vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho du lịch. Tiếp giáp với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng rộng lớn, có sông Đà chảy bao quanh bên sườn tây chân núi Ba Vì, vườn quốc gia Ba Vì thật sự là địa điểm tham quan cho người dân Hà Nội và vùng đồng bằng rộng lớn. Vườn nằm trong chuỗi các khu du lịch nghỉ mát, thắng cảnh của tỉnh Hà Tây với nhiều hồ nước lớn dưới những chân núi, sơn thủy hữu tình, khí hậu mát mẻ, trong lành, đó là những phong cảnh tuyệt vời hấp dẫn du khách. Vườn quốc gia Ba Vì với khu vực núi Ba Vì, Viên Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, là vùng đất quần cư của người Việt, người Mường, người Dao. Nơi đây còn bảo tồn nhiều loại cây quí giá của nhiều kiểu khí hậu từ nắng ấm đến mát lạnh mây mù. Ba Vì có những di tích lịch sử, các huyền thoại kỳ thú về các di tích, các kỳ tích như đỉnh Vua, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Ngoài ra, Ba Vì còn có đền thờ chủ Tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Vua cao 1.296 m. Ba Vì có những cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục như: đỉnh và hang núi Tản Viên, đỉnh Chàng Rể, đỉnh Đế Vương, thác Cổng Trời, thác Ngà Voi, Thác Hương, Ao Vua, hồ Đồng Mô Ngải Sơn hồ, Hai Suối, Khoang Xanh, Thác Đa v.v. Người dân ở vùng đệm còn giữ nhiều phong tục tập quán lâu đời, có nhiều làng nghề truyền thống và các Đền, Chùa hành lễ theo phong tục xưa vì vậy có thể nói nơi đây có điều kiện để phát huy tiềm năng du lịch về văn hóa, tâm linh và sinh thái. Vùng núi Ba Vì còn gắn liền với truyền thuyết về Sơn Tinh, Thủy Tinh vô cùng hấp dẫn du khách.
Vườn quốc gia Ba Vì nằm trong hệ thống du lịch sinh thái, nghỉ mát của khu vực Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với quy mô dân số khoảng 16
đến 18 triệu dân, nhất là khi chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây phát triển với quy mô 1 triệu dân sẽ là thị trường tiềm năng về tham quan nghỉ ngơi du lịch của Vườn. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường Láng - Hoà Lạc nối liền Vườn với Hà Nội, đường 32 và đường 21A được hiện đại hoá sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch của Vườn phát triển. Ngoài ra, sông Đà chạy dưới chân núi Ba Vì sẽ đưa khách từ các tỉnh Tây Bắc về và từ Thái Bình, Hà Nội lên. Sân bay Hoà Lạc và sân bay Miếu Môn được xây dựng trong tương lai sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch đến với Vườn.
Trong những năm qua, vườn quốc gia Ba Vì được Nhà Nước đầu tư, về cơ bản đã hoàn thành cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho các hoạt động của Vườn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để du lịch ở Vườn phát triển.
Để xây dựng vườn quốc gia có quy mô lớn hơn nhằm góp phần bảo vệ các nguồn gen, hệ thống động thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, không những cho vùng núi Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây mà còn phát triển mở rộng cho vùng núi Viên Nam thuộc tỉnh Hoà Bình.
Vườn cũng như nhiều tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng môi trường rừng tự nhiên Ba Vì và Viên Nam để phát triển du lịch sinh thái. Nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch sinh thái, sử dụng môi trường rừng để kinh doanh nên nếu không có quy định cụ thể, sự phân công và phối hợp tốt giữa Vườn và các doanh nghiệp sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa quản lý bảo vệ rừng đặc dụng với nhu cầu phát triển - xã hội ở địa phương. Trên thực tế, từ năm 2002 mâu thuẫn này đã trở lên gay gắt.
Để giải quyết vấn đề này Vườn đã được chính phủ và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho phép thí điểm thực hiện đề án sử dụng môi trường rừng đặc dụng kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục hướng nghiệp ở Vườn.