Đây là nhân tố tác động mạnh thứ hai đến khả năng tiếp cận vốn của DNNVV, nhân tố này được đo lường thông qua các biến DN sử dụng vốn sai mục đích, thông tin DN cung cấp chưa chính xác, DN thiếu thiện chí trong việc thanh toán nợ cho TCTD, TCTD kiểm soát chặt dòng tiền của DN. Đây là nhân tố tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận vốn TDCT của DNNVV và có mức điểm trung bình là 3,08/5. Trong số các nhân tố về thông tin bất cân xứng giữa NH – DN thì 2 nhân tố thuộc về phía DN có điểm trung bình cao nhất là nhân tố DN sử dụng vốn sai mục đích với điểm trung bình là 3,12/5 và thông tin DN cung cấp không chính xác có điểm trung bình là 3,08. Thực tế, các DN khi vay vốn nhằm đạt được các thuận lợi trong việc xét duyệt hồ sơ họ thường tập trung vào những mục đích vay phổ biến, hoặc xin vay với nhiều mục đích sử dụng vốn khác nhau để có thể nhận khoản vay cao nhất có thể, bên cạnh đó, nhằm vay được vốn họ có thể cung cấp những thông tin thiếu chính xác cho TCTD. Sau khi được giải ngân, họ có thể chi cho những hoạt động khác với mục đích vay vốn đã cam kết, điều này sẽ dẫn đến hiệu quả nguồn TD không đảm bảo theo chính sách TD hoặc chương trình hỗ trợ. Xu hướng này khiến cho TCTD e ngại và kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong quá trình cung ứng TD cho các DNNVV. Do vậy, các DN cần phải cân nhắc các nhu cầu cũng như các mục đích cần thiết cho hoạt động của DN, hạn chế cung cấp những thông tin sai lệch để tạo dựng uy tín trong mối quan hệ giữa DN với các TCTD. Ngoài ra, bộ phận quản lý DN cần nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, dự án rõ ràng cụ thể theo mục tiêu của DA. Các DN vay vốn các TCTD phải đầu tư đúng mục đích đã cam kết, phối hợp chặt chẽ với TCTD tuân thủ nghiêm
ngặt các chế tài về TD trước, trong và sau khi vay vốn. Đồng thời các TCTD cần yêu cầu sự cam kết chặt chẽ hơn từ phía DN về việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích cũng như đúng với kế hoạch kinh doanh mà DN đã trình bày trong hồ sơ vay vốn.
Để hạn chế rủi ro về thông tin bất cân xứng, NH thường yêu cầu KH phải thực hiện thanh toán qua hệ thống NH để có thể kiểm soát tốt dòng tiền của DN, mặc dù vậy, hiện nay các DNNVV vẫn chưa có thói quen thực hiện các giao dịch của mình thông qua hệ thống NH, nên cảm thấy yêu cầu này rất bất tiện, theo một chủ DN thì nếu đem gửi tiết kiệm ngắn hạn thì mỗi khi cần tiền lại phải tính toán thời điểm rút cho đỡ mất lãi, trong khi các khoản phải chi thì phát sinh liên tục. Vì thế họ thích cho tiền vào két cho tiện. Còn nếu mở tài khoản thì mỗi khoản thanh toán lại mất phí, mỗi lần thì cũng chả nhiều nhưng nhiều lần gộp lại cũng thành một khoản kha khá. Cách suy nghĩ như trên là khá phổ biến trong giới DN nhỏ và siêu nhỏ, tuy nhiên nó lại gây thiệt hại đáng kể cho DN không chỉ ở góc độ tiếp cận vốn TD mà DN thực tế đã bỏ qua một công cụ quản lý tài chính hữu hiệu do NH cung cấp.Với khoảng 500 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng DN sẽ thu về hơn 7 triệu đồng lãi cuối kỳ (tương đương lãi suất khoảng 5,5%/năm), đủ để trả lương tháng cho từ 1-2 nhân viên. Việc chi tiêu được tính toán một cách tiết kiệm nhất. Thanh toán chi phí tiếp khách, mua thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm, quà tặng… đều bằng thẻ tín dụng để tận dụng triệt để 45 ngày miễn lãi. Giao thẻ phụ với hạn mức cụ thể cho những nhân sự được phân quyền chi tiêu vừa chủ động lại dễ kiểm soát chi phí và không cần tiền mặt khi thanh toán. Trả lương nhân viên theo hình thức payroll vừa giúp DN tiết kiệm thời gian lại giúp thoát khỏi những phiền toái hay gặp phải với tiền mặt như: thiếu tiền lẻ, thừa thiếu phát sinh khi kiểm đếm, mất vài ngày để chia và phát lương cho từng nhân viên… Tóm lại, DN nên tăng cường thực hiện các khoản giao dịch thông qua hệ thống NH, điều này vừa giúp cho DN tiếp cận được nguồn vốn TD dễ dàng hơn, vừa có thể tận dụng các tiện ích do ngân hàng cung cấp.