Mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro của NHTM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của đa dạng hóa thu nhập đến lợi nhuận và rủi ro của các ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 29 - 30)

Kết quả hoạt động của NHTM luôn gắn chặt với rủi ro. Theo Stiglitz và Weiss (1981) tác động qua lại giữa hai yếu tố lợi nhuận và rủi ro là do thông tin bất cân xứng và chi phí giao dịch. Chẳng hạn, xét đến hoạt động cho vay truyền thống của NHTM, thông tin bất cân xứng ở đây chính là ngân hàng không thể đánh giá chính xác mức độ rủi ro của người đi vay bằng chính người đi vay hay ngân hàng không bao giờ có được toàn bộ thông tin về người đi vay. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống về mức độ tín nhiệm, do đó các ngân hàng sẽ yêu cầu người vay trả lãi suất cao hơn có nghĩa mang lại lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho tổn thất khi có rủi ro mất vốn; đồng thời, ngân hàng còn có thể tăng thu nhập bằng các khoản phí dịch vụ khác.

Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất của ngân hàng cũng có thể mang lại một chiều hướng xấu, làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Cụ thể, khi ngân hàng tăng lãi suất, vì cạnh tranh giữa các NHTM các khách hàng thực sự tốt sẽ không chọn ngân hàng có lãi suất cao; hoặc vì phương án càng rủi ro khả năng sinh lợi càng cao, các phương án ít rủi ro có khả năng sinh lời thấp, không đủ bù đắp chi phí lãi vay sẽ không chọn ngân hàng có lãi suất cao hoặc có thể họ sẽ chuyển sang phương án kinh doanh có rủi ro hơn. Điều này cũng làm phát sinh rủi ro đối với ngân hàng, lãi suất tăng làm tăng lợi nhuận kỳ vọng, nhưng lợi nhuận có tốc độ tăng chậm hơn, đến một lúc nào đó lãi suất tăng lợi nhuận sẽ giảm.

Cơ sở lý thuyết của Stiglitz và Weiss (1981) đưa ra cho thấy sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa lợi nhuận và rủi ro của NHTM, cụ thể ở hoạt động cho vay. Thông tin bất cân xứng làm lãi suất tăng dẫn đến tăng lợi nhuận, nhưng vì lựa chọn không chuẩn xác của NHTM tăng lãi suất cũng dẫn đến tăng rủi ro. Có thể thấy, tăng lãi suất làm tăng lợi nhuận đồng thời làm tăng rủi ro của khoản vay, tức lợi nhuận và rủi ro có mối tương quan thuận. Tuy nhiên, nếu rủi ro tăng lên vượt quá ngưỡng thì sẽ tác động ngược chiều, làm giảm lợi nhuận của NHTM.

Đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro trong hoạt động kinh doanh của NHTM, nhưng phần lớn là đề cập đến lợi nhuận và rủi ro tín dụng, chưa có nhiều nghiên cứu phân tích về mối quan hệ qua lại giữa lợi nhuận và từng loại rủi ro hay rủi ro phá sản. Một số nghiên cứu nổi bật: Bukhari và Qudous (2012) chỉ ra rủi ro tín dụng có mối quan hệ thuận chiều với lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại ở Pakistan. Trong khi đó, Badola và Verma (2006) chứng minh rủi ro tín dụng tăng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận tại các TCTD ở Ấn Độ do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thanh Dương (2013) chỉ ra sự tác động ngược chiều của rủi ro tín dụng đến lợi nhuận tại các NHTM ở Việt Nam.

Như vậy, vấn đề mà các NHTM quan tâm trong hoạt động kinh doanh là làm sao có thể hài hòa được giữa mục tiêu lợi nhuận và kiểm soát rủi ro; và ở đây không phải kiểm soát rủi ro nào mà là kiểm soát rủi ro mức bao nhiêu, trong thời gian bao lâu thì phù hợp đối với từng NHTM.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của đa dạng hóa thu nhập đến lợi nhuận và rủi ro của các ngân hàng thương mại tại việt nam (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)