Lý thuyết phân bổ tín dụng (credit rationing) được đề xuất bởi Stiglitz & Weiss (1981) trong nghiên cứu “Credit rationing in markets with imperfect information” (Phân bổ tín dụng trong các thị trường có thông tin không hoàn hảo). Nghiên cứu cho thấy dòng chảy vốn tín dụng không chỉ tuân theo lý thuyết cung cầu, nó là một quá trình cân nhắc, trong đó DNNVV nộp hồ sơ vay vốn, sau đó NHTM xác định số tiền cho vay dựa trên cách đánh giá của NHTM đối với DNNVV: về tình hình tài chính, mục đích và quá trình sử dụng vốn vay của DNNVV. Ngoài ra NHTM đã thực hiện nghiệp vụ thu thập và xử lý thông tin về DNNVV và các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, tài sản thế chấp.
Nghiên cứu “Intuition in small business lending decisions” (Phán xét và cảm nhận trong việc ra quyết định cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ) của Jankowicz & Hisrich (1987). Jankowicz & Hisrich (1987) chỉ ra rằng khả năng tiếp cận vốn TDNH của doanh nghiệp phụ thuộc vào 5 nhân tố đó là Vốn của doanh nghiệp (Capital), Tài sản thế chấp (Collateral), Năng lực trả nợ (Capacity), Phẩm chất của chủ doanh nghiệp (Character) và Các điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng (Conditions).
Nghiên cứu “Institutions, Institutional Change and Economic Performance” (Các thể chế, sự thay đổi thể chế và hoạt động kinh tế) của North (1991). Lý thuyết này hàm ý rằng quan hệ tín dụng giữa NHTM và DNNVV chỉ diễn ra khi các bên tuân thủ các quy định trong hợp đồng tín dụng, các DNNVV sẽ gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nếu DNNVV chưa có thương hiệu, chưa tạo được lòng tin với NHTM hoặc thiếu các mối quan hệ cần thiết.
Nghiên cứu của Granovetter (1973) trong bài báo khoa học “The strength of Weak Ties” (Sức mạnh của các mối liên kết yếu). Nghiên cứu chỉ ra rằng mạng lưới quan hệ xã hội dùng để chỉ các mối quan hệ xã hội do con người xây dựng, duy trì và phát triển trong cuộc sống của họ với tư cách là thành viên của xã hội. Lý thuyết này gợi ý rằng với mạng lưới quan hệ xã hội rộng lớn có thể mang lại cho DNNVV các cơ hội tiếp cận với các nguồn lực, giảm các chi phí giao dịch, do mối quan hệ xã hội không những gắn kết các thành viên với nhau mà còn cung cấp thông tin chính xác, cần thiết cho các bên tham gia mạng lưới.
Lý thuyết “The General Theory of Employment, Interest and Money” (Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ) của Keynes (1936). Nghiên cứu đề cao vai trò của nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua các công cụ và chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó Keynes đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách tài chính, tín dụng. Keynes (1936) cho rằng Nhà nước cần can thiệp mạnh vào kinh tế bằng cách tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng, sử dụng ngân sách nhà nước để bảo đảm hiệu quả ở mức có lợi cho các doanh nghiệp, giúp
doanh nghiệp yên tâm đầu tư và áp dụng những biện pháp như giảm lãi suất, giảm thuế, thực hiện tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư,…
“The SME Banking Knowledge Guide” (Cẩm nang kiến thức dịch vụ ngân hàng cho DNNVV) của International Finance Corporation (2009). Nghiên cứu đã đánh giá các trở ngại, khó khăn khi NHTM cấp tín dụng cho DNNVV, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho các NHTM muốn mở rộng tín dụng DNNVV. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiếp cận tài chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự tăng trưởng và phát triển của DNNVV, tỷ lệ các DNNVV gặp trở ngại khi tiếp cận vốn TDNH cao hơn gần 1/3 so với các doanh nghiệp có quy mô lớn. International Finance Corporation (2009) đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy DNNVV vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ tài chính nói chung và về tiếp cận vốn TDNH nói riêng. Rào cản cơ bản khiến các NHTM khó mở rộng tín dụng DNNVV là do thiếu hụt thông tin, DNNVV không đủ tài sản thế chấp và chi phí phục vụ cao hơn các doanh nghiệp lớn do cần phải thực hiện các giao dịch có quy mô nhỏ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng DNNVV ở các quốc gia phát triển dễ dàng tiếp cận tài chính hơn ở các quốc gia đang phát triển, một mặt do ngành dịch vụ ngân hàng dành cho DNNVV ở các quốc gia đang phát triển còn non yếu, khi mà các NHTM thường cố gắng tránh rủi ro khi cấp tín dụng cho DNNVV; mặt khác, do NHTM ở các quốc gia đang phát triển có nhiều yêu cầu thế chấp hơn, quy mô tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay cao hơn ở các quốc gia phát triển.