Ngân hàng và DNNVV là những loại hình hoạt động kinh doanh khác nhau nhưng đều hoạt động trên cơ sở mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Việc mở rộng quy mô TDNH cho DNNVV không chỉ có lợi cho bản thân Doanh nghiệp mà còn có lợi cho cả ngân hàng và cho toàn nền kinh tế.
Hiện nay, việc tiếp cận vốn TDNH của DNNVV còn gặp nhiều khó khăn, theo khảo sát của Viện Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa công bố ngày 13/01/2016 hiện có đến 70% DNNVV phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn phi chính thức với chi phí rất cao4.
Việc mở rộng quy mô TDNH đối với DNNVV giúp cho Doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận với vốn ngân hàng. Được cấp vốn tín dụng, Doanh nghiệp này sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh, góp phần không nhỏ vào sự sinh tồn của Doanh nghiệp. Bên cạnh đó một mặt thúc đẩy cho sự phát triển của chính các Doanh nghiệp, mặt khác là một cách thức để nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận thu được lớn thì có khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô tín dụng cho DNNVV là do yêu cầu phát triển của nền kinh tế hiện đại, DNNVV ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế và nó được phát triển ngày càng nhiều hơn, nếu thiếu sự hỗ trợ về vốn tín dụng thì DNNVV khó có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó.
Việc mở rộng quy mô TDNH cho DNNVV cũng buộc ngân hàng phải phát huy tối đa năng lực của mình để có thể huy động, tập trung, tích tụ được những nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh của mình. Như vậy có nghĩa là mọi nguồn lực về vốn đã được khai thác một cách triệt để và tối đa nhằm phục vụ cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Khi nhu cầu về vốn đã được đáp ứng thì DNNVV sẽ phát huy mọi thế mạnh của mình để đóng góp vào sự phát triển đất nước. Như vậy, mở rộng TDNH gián tiếp góp phần vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội hiện nay.