Mức ngại rủi ro (ETA)
Mức ngại rủi ro (hay tỷ lệ an toàn vốn) không như kỳ vọng không có ý nghĩa thống kê trong tương quan với NIM. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Gouder & Sharma (2012), Hamadi & Awdeh (2012). Có thể lý giải cho kết quả này như sau: việc nâng cao tỷ lệ an toàn vốn có nhiều cái lợi như giúp ngân hàng tránh rủi ro thanh khoản hay nâng cao năng lực tài chính nhưng cũng kèm theo đồng thời với việc phải trả chi phí sử dụng cho nguồn vốn này. Chi phí này sẽ được chuyển cho người đi vay chịu thông qua việc tăng lãi suất cho vay, tuy nhiên điều này là khó khăn vì mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường tín dụng. Vì vậy, trước mắt các ngân hàng vẫn chỉ duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức hiện tại. Chỉ khi bị bắt buộc phải nâng mức an toàn vốn tối thiểu theo thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014, các ngân hàng mới thực hiện theo. Vì vậy, tỷ lệ an toàn vốn không có ý nghĩa thống kê với NIM của ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu 2008-2014.
Quy mô cho vay (LOANTA)
Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô hoạt động cho vay (LOANTA) có mối tương quan dương với thu nhập lãi cận biên (NIM), tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê trong mô hình. Kết quả nghiên cứu khác với các nghiên cứu trước đây và có thể giải thích như sau:
Ở Việt Nam hoạt động truyền thống và chủ yếu của các ngân hàng vẫn là cho vay (chiếm khoảng 70 – 80% hoạt động của ngân hàng). Chính vì vậy, kế hoạch kinh doanh hàng năm được các ngân hàng đưa ra đều có xu hướng tập trung vào tăng trưởng tín dụng, kênh chính để tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Các ngân hàng buộc phải tăng trưởng tín dụng từ 20% đến 30% để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, giai đoạn này, các ngân hàng đang trong cuộc đua lãi suất huy động (có lúc
nổi lãi suất cao như vậy vẫn phải vay để tồn tại và hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp phá sản những năm sau đó. Tình hình này làm gia tăng nợ xấu, buộc ngân hàng phải xử lý rất vất vả, từ đó làm giảm lợi nhuận ngân hàng. Do đó, kỳ vọng gia tăng quy mô cho vay để gia tăng lợi nhuận không đạt kết quả như mong muốn.
Chi phí hoạt động (OETA)
Đúng như kỳ vọng, chi phí hoạt động có mối tương quan dương mạnh nhất với NIM của các ngân hàng thương mại Việt Nam và có ý nghĩa thống kê tại mức ý nghĩa 1%. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây của Maudos & Solís (2009), Sharma & Gouder (2011), Ugur & Erkus (2010). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tại Việt Nam, chi phí hoạt động tăng cao tương ứng với tỷ lệ NIM cao, đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã chuyển phần chi phí hoạt động của mình vào lãi suất cho vay. Điều này tốt cho các ngân hàng thương mại trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam khi hội nhập quốc tế với các định chế tài chính có trình độ quản lý cao hơn.
Chất lượng quản lý (CTI)
Chất lượng quản lý tốt hay không phụ thuộc vào chỉ tiêu tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CTI). Chất lượng tốt hơn tương ứng với hệ số CTI thấp hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng quản lý có tương quan cùng chiều với thu nhập lãi cận biên và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Kết quả hệ số hồi quy bằng -0,0302 có ý nghĩa là khi CTI giảm xuống 1% (tức là chất lượng quản lý tăng lên) thì thu nhập lãi cận biên tăng lên 0,0302% trong điều kiện các biến khác không đổi. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Garza-García (2010), Gounder & Sharma (2012), Hamadi & Awdeh (2012), Maudos & Guevara (2004), Maudos & Solís (2009), Ugur & Erkus (2010).
nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, các ngân hàng đã phải tiến hành tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản trị, bộ máy điều hành và các phòng ban nhằm nâng cao chất lượng quản lý. Hoạt động quản trị, điều hành của các ngân hàng đã mang tính chuyên nghiệp hơn, tiếp cận với kiến thức quản trị ngân hàng tiên tiến từ hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác với các cổ đông chiến lược nước ngoài.
Mức độ tập trung thị trường (CONC)
Như kỳ vọng, mức độ tập trung thị trường (CONC) có tương quan âm với NIM và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Kết quả nghiên cứu cũng đồng quan điểm với Samy (2003) và De Haan & Poghosyan (2012). Tại Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường mức độ tập trung thị trường thông qua việc sáp nhập một số ngân hàng yếu kém với các ngân hàng lớn của nền kinh tế như Vietcombank, Vietinbank, BIDV. Khi số lượng ngân hàng giảm đi, thị phần sẽ chỉ còn nằm trong tay một số ngân hàng lớn, lúc này các chính sách của Ngân hàng Nhà nước sẽ dễ dàng được triển khai và kiểm soát (như đảm bảo một tỷ lệ NIM hợp lý cho phát triển kinh tế).
Tăng trưởng kinh tế (GDP)
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ GDP có tác động ngược chiều với thu nhập lãi cận biên và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%. Kết quả hệ số hồi quy bằng -0,2539 có ý nghĩa là khi tỷ lệ GDP tăng lên 1% thì thu nhập lãi cận biên giảm xuống 0,2539% trong điều kiện các biến khác không đổi. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Hamadi & Awdeh (2012), Garza-García (2010). Thực tế từ năm 2008-2014 cho thấy khi các hoạt động kinh tế tăng sẽ làm tăng giá trị vay của khách hàng (lãi suất huy động được điều chỉnh giảm liên tục từ 13,46% còn 7,1% kéo theo lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể để kích thích doanh nghiệp vay vốn), do đó làm giảm sự chênh lệch lãi suất và giảm thu nhập lãi cận biên.
Tỷ lệ lạm phát (INF)
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ lạm phát INF có tác động cùng chiều với thu nhập lãi cận biên và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Kết quả hệ số hồi quy bằng 0.0265 có ý nghĩa là khi tỷ lệ lạm phát tăng lên 1% thì thu nhập lãi cận biên tăng lên 0.0265% trong điều kiện các biến khác không đổi. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu của Claessens et al (2001) và Drakos (2002). Thực tế giai đoạn 2008-2014, nền kinh tế Việt Nam trải qua các đợt lạm phát cao như năm 2008 và 2011, tỷ lệ lạm phát đến gần 20%. Điều này bắt buộc các ngân hàng phải duy trì mức lãi suất huy động rất cao, và từ đó lãi suất cho vay cũng rất cao. Hệ lụy xảy ra là các doanh nghiệp cần vốn không kham nổi lãi suất cho vay quá cao dẫn đến thua lỗ, phá sản hàng loạt những năm sau đó làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Chương 4 đã trình bày kết quả phân tích hồi quy của mô hình và kết quả các kiểm định: (i) kiểm định sự lựa chọn mô hình; (ii) kiểm định các giả thuyết cơ bản của hàm hồi quy bao gồm kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, kiểm định phương sai của sai số không đổi và tự tương quan. Trong Chương này, tác giả cũng trình bày các kết quả kiểm định và phân tích đánh giá các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố: chi phí hoạt động, chất lượng quản lý và tỷ lệ lạm phát đều có mối tương quan dương với thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Riêng yếu tố mức độ tập trung thị trường và tăng trưởng kinh tế có tương quan âm với thu nhập lãi cận biên của ngân hàng. Cuối cùng không có kết luận về mối quan hệ giữa yếu tố quy mô cho vay và mức ngại rủi ro đến thu nhập lãi cận biên.
CHƯƠNG 5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Từ kết quả nghiên cứu đã được phân tích và trình bày trong Chương 4, tác giả sẽ đưa ra những kết luận chính của luận văn trong Chương 5. Cũng trong Chương này, tác giả sẽ nêu những hạn chế của đề tài, đồng thời đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.