Một số nghiên cứu thực nghiệm trước về lĩnh vực rủi ro tín dụng cá nhân thường tập trung vào rủi ro trả nợ đúng hạn hay là khả năng trả nợ vay. Có rất nhiều mô hình nghiên cứu khác nhau được các tác giả sử dụng như mô hình hồi quy bội, probit, tobit, hay mô hình sống sót.
Theo nghiên cứu của Maharjan và ctg (1983) về khả năng trả nợ của những người nông dân tại Nepal trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp trong một mẫu khảo sát điều tra gồm 150 nông dân trong năm 1982. Kết quả hồi quy cho thấy nếu như kích cỡ trang trại càng lớn hoặc tỷ lệ chi tiêu của hộ gia đình càng lớn tính theo tỷ lệ thu nhập thì tỷ lệ trả được nợ càng thấp, trong khi đó các biến số còn lại đều tác động thuận chiều và có ý nghĩa thống kê đối với khả năng trả nợ của nông dân. Các tác giả khi đưa ra các khuyến nghị đã tập trung vào khả năng kiểm soát khoản cho vay từ quá trình thẩm định đầu vào tới khi người vay tiến hành trả nợ để nâng cao hơn nữa khả năng trả nợ của người nông dân.
Kohansal và Mansoori (2009) sử dụng mô hình hồi quy logic khi tìm hiểu khả năng trả nợ của nông dân tại tỉnh Khorasan-Razavi của Iran. Hai tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên mẫu dữ liệu gồm 175 nông dân vào năm 2008. Các tác giả đã đưa ra kết luận rằng lãi suất của khoản vay là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay của người nông dân kế tiếp là biến số kinh nghiệm làm việc của người nông dân. Các tác giả đã đi tới kết luận rằng loại hình vay mượn và khoản vay được đảm bảo là hai biến số thực sự có ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của người vay và rằng các ngân hàng nên chú trọng tới khả năng đảm bảo khoản nợ vay bằng tài sản của người cho vay nợ để cải thiện rủi ro không trả được nợ của người vay.
Trong nghiên cứu của Wongnaa (2013) về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các hộ nông dân trồng khoai lang quận Sene – Ghana, tác giả lựa chọn 100 hộ nông dân bất kỳ để tiến hành khảo sát. Mô hình nghiên cứu được tác giả sử dụng là mô hình probit cho ra kết quả rằng giáo dục, kinh nghiệm, lợi nhuận, tuổi tác, giám sát và thu nhập phi nông nghiệp có tác động tích cực đến khả năng trả nợ. Ngược lại, giới tính và tình trạng hôn nhân có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của hộ.
Một nghiên cứu gần đây tại Việt Nam của Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ tỉnh Hậu Giang với 436 hộ nông dân đã được khảo sát trong năm 2011. Các tác giả đã sử dụng mô hình hồi quy Probit với 7 biến số được đưa vào mô hình là mục đích sử dụng vốn, thu nhập sau khi vay, lãi suất vay, tuổi người đi vay, ngành nghề chính tạo ra thu nhập của chủ hộ, số thành viên trong gia đình tạo ra thu nhập, trình độ học vấn của chủ hộ. Nghiên cứu đã kết luận rằng khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ có tương quan thuận với thu nhập sau khi vay, trình độ học vấn của chủ hộ và số thành viên trong gia đình có thu nhập. Trong khi đó biến số lãi suất đi vay có tương quan nghịch với khả năng trả nợ đúng hạn. Nghiên cứu cũng chỉ rằng những khoản vay được sử dụng đúng mục đích cũng sẽ cho xác suất trả nợ đúng hạn cao hơn.
Nghiên cứu của Vương Quốc Duy và Đặng Hoàng Trung (2015) sử dụng số liệu sơ cấp và mô hình Probit để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ chăn nuôi heo ở quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ sau khi thu thập số liệu từ phỏng vấn trực tiếp 223 nông hộ chăn nuôi heo trên địa bàn theo phương pháp chọn mẫu phân tầng kết hợp với ngẫu nhiên. Từ 11 chỉ tiêu đưa vào mô hình, nghiên cứu chỉ ra được có 05 nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của các nông hộ đó là giới tính, trình độ học vấn, độ tuổi, vị trí xã hội, thu nhập.