Nhân tố xuất phát từ khách hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam chi nhánh bình thuận (Trang 30 - 33)

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau từ phía khách hàng gây ra tổn thất trong hoạt động tín dụng cho ngân hàng, có thể do khách hàng cố ý lừa đảo hay do họ gặp khó khăn khách quan trong quá trình sử dụng vốn vay.

Đạo đức, thiện chí của khách hàng: trong quan hệ tín dụng, khoản tín dụng có hiệu quả đòi hỏi phải có sự hợp tác từ hai phía. Sự thiếu đạo đức của khách hàng trong quá trình vay vốn tại ngân hàng được biểu hiện như cố tình sử dụng vốn sai mục đích, tìm cách lừa đảo ngân hàng, hoặc cũng có thể là các hành vi kinh doanh trái pháp luật, lừa đảo chiếm dụng vốn lẫn nhau. Tất cả các hành vi đó đều mang lại rủi ro cho ngân hàng. Trong thực tế cho thấy nhiều trường hợp khách hàng lập phương án kinh doanh rất có hiệu quả, ký kết hợp đồng kinh tế chứng minh đầu vào, đầu ra rất hợp lý nhưng khi vay được vốn ngân hàng lại không sử dụng đúng như phương án ban đầu đề ra. Đây là vấn đề liên quan đến đạo đức của người đi vay. Việc thẩm định một khách hàng cố tình lừa đảo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với một khách hàng tìm đến ngân hàng với nhu cầu sử dụng tiền vay thật sự, vì khách hàng đã chủ đích lừa đảo để chiếm dụng vốn của ngân hàng, họ sẽ rất tinh vi che đậy các chứng cứ và dấu hiệu lừa đảo, những trường hợp này thường sẽ dễ tạo được niềm tin nhiều nhất với ngân hàng. Để có thể nhận biết được âm mưu cố tình lừa đảo của khách hàng không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén của cán bộ tín dụng mà còn cần một quy trình tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng chặt chẽ, đồng thời với việc tuân thủ chặt chẽ các quy trình này của cán bộ tín dụng. Trong trường hợp khách hàng vay không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo yếu, khách hàng càng không có động lực trả nợ.

Uy tín, năng lực tài chính của khách hàng: đối với khách hàng cá nhân, năng lực tài chính của khách hàng được thể hiện thông qua tiền lương hàng tháng hay thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình. Đối với khách hàng là doanh nghiệp,

năng lực tài chính thể hiện ở tình hình cân đối tài chính và xem xét nguồn vốn tự có của doanh nghiệp tham gia vào phương án vay. Tỷ trọng vốn của doanh nghiệp tham gia vào phương án càng lớn càng nâng cao trách nhiệm của họ trong việc thực hiện phương án nhằm tránh những rủi ro cho chính họ cũng như cho ngân hàng. Tuy nhiên nhiều khách hàng hoạt động với quy mô vốn nhỏ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao. Độ rủi ro gia tăng do một số khách hàng ghi chép sổ sách kế toán không đầy đủ, chính xác, rõ ràng, khiến số liệu kế toán được cung cấp nhiều khi chỉ mang tính chất hình thức. Phân tích tín dụng của ngân hàng khi đó cũng thiếu tính thực tế và xác thực. Để đối phó với tình trạng này, nhiều ngân hàng chỉ coi tài sản thế chấp như chỗ dựa cơ bản để phòng chống rủi ro tín dụng, tuy nhiên điều này là một sai lầm cơ bản.

Việc sử dụng vốn: ngân hàng cấp tín dụng dựa vào việc thẩm định phương án vay vốn của khách hàng. Đa số các khách hàng khi vay vốn ngân hàng đều có các phương án sử dụng vốn cụ thể với mục đích nhất định. Cán bộ ngân hàng sẽ xem xét tính khả thi của các phương án đó và quyết định có cho khách hàng vay hay không, vay với số lượng bao nhiêu, thời hạn bao lâu. Tuy nhiên có những khách hàng cố ý sử dụng vốn vay được từ ngân hàng sai mục đích, không nằm trong phương án mà ngân hàng đã xét duyệt. Do đó, nguồn trả nợ của khách hàng không đến từ phương án đó mà được sinh ra từ dòng tiền khác. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng không thể kiểm soát được dòng tiền theo phương án vay và dòng tiền thực của khách hàng, vì thế xác suất xảy ra rủi ro tín dụng tăng cao, gây ra tổn thất lớn cho ngân hàng, mất uy tín của cán bộ tín dụng.

Tài sản đảm bảo: TSBĐ là một trong những yêu cầu trong công tác quản lý RRTD, và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thu hồi nợ vay, xử lý các khoản nợ có vấn đề. Việc xác định giá trị TSBĐ ch o k h oản vay do các bên thỏa thuận, hoặc thuê tổ chức có chức năng tư vấn, định giá độc lập xác định trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm xác định, có tham khảo đến các loại giá như giá quy định của Nhà nước, giá chuyển nhượng thành công, giá trị còn lại trên sổ sách kế toán và các yếu tố khác về giá. Tuy nhiên, trên thực tế, trừ những tài sản có giá trị lớn hàng chục tỷ đồng, các NHTM

mới thuê hoặc yêu cầu khách hàng thuê tổ chức có chức năng tư vấn, định giá độc lập thực hiện định giá, còn lại đa số việc định giá đều do các bên thỏa thuận, thông thường là do cán bộ ngân hàng tự định giá và như vậy cho thấy giá trị định giá TSBĐ còn mang tính chủ quan và thiếu tính khoa học. Ngoài ra, về phương pháp định giá được bộ phận đề xuất tín dụng lựa chọn trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng, dẫn đến việc nếu TSBĐ được định giá thấp, khách hàng không hài lòng, nhưng nếu định giá cao, NHTM sẽ khó đảm bảo khả năng thu hồi nợ vay và lãi vay trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán, buộc NHTM phải xử lý tài sản bảo đảm.

Tâm lý có TSBĐ để xử lý khi khách hàng không còn khả năng trả nợ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định khoản vay nên sẽ không đánh giá chính xác được hiệu quả và sự an toàn của khoản vay, dễ dẫn đến việc chấp thuận cho vay những dự án / phương án nhiều rủi ro. Kinh tế tăng trưởng nóng trong vài năm trước làm cho giá bất động sản bị đẩy lên cao do đầu cơ và vượt xa giá trị thực đã làm nảy sinh tư tưởng lạm dụng vào TSBĐ. Sẽ rất rủi ro nếu cán bộ tín dụng quên rằng khoản vay cần phải được trả bằng chính dòng tiền tạo ra bởi dự án / phương án sản xuất kinh doanh chứ không phải bằng tiền bán TSBĐ. Xử lý TSBĐ chỉ là giải pháp sau cùng và bất khả kháng trong việc thu hồi nợ khi phương án kinh doanh của khách hàng gặp rủi ro ngoài dự kiến.

Vấn đề bảo hiểm tài sản cũng có ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ, các TSBĐ có được khách hàng mua bảo hiểm hay không và mua kịp thời hay không để đến khi phương tiện gặp sự cố như bị tai nạn, hỏa hoạn,…việc khắc phục, sửa chữa, trục vớt phải mất rất nhiều thời gian, tiền của gây thêm nhiều khó khăn cho khách hàng làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ vay cho ngân hàng.

Ngoài ra, thông tin bất cân xứng về giá trị thực của TSBĐ giữa khách hàng và ngân hàng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Khi thế chấp, cầm cố tài sản chỉ có khách hàng biết rõ về hiện trạng của tài sản như sự hỏng hóc trong các dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị, hoặc tài sản tọa lạc ở vị trí rất khó bán do một số đặc điểm đặc biệt hoặc phản phong thủy. Trong khi đó, trình độ của cán bộ khách hàng thường không đáp

ứng đầy đủ chuyên môn trong tất cả các lĩnh vực và nếu có cũng khó có thể loại trừ những hạn chế do không thể nào hiểu rõ hết về tài sản nên không thể đánh giá được chính xác hiện trạng và giá trị còn lại của TSBĐ đấy. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị mua bán xử lý của tài sản. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro, việc xử lý phát mãi tài sản để thu hồi nợ gặp không ít khó khăn do giá phát mãi thấp hơn nhiều so với giá trị định giá tài sản khi chấp thuận cho vay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP ngoại thương việt nam chi nhánh bình thuận (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)