Môi trường tự nhiên biến đổi nhanh chóng: các yếu tố rủi ro do thiên nhiên gây ta như hạn hán, bão lụt, xâm nhập mặn, xói lở đất, nước biển dâng và dịch bệnh gây tổn thất cho khách hàng vay vốn làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến khả năng trả nợ cho ngân hàng. Từ đó, có thể làm cho ngân hàng không thu hồi được một phần hoặc toàn bộ vốn.Mặc dù những rủi ro này là khó lường trước được nhưng bù lại nó chiếm tỷ lệ không lớn.Mặt khác, khi gặp rủi ro này ngân hàng có thể sẽ được nhà nước hỗ trợ.Hoặc để giảm thiểu rủi ro, ngân hàng nên tư vấn cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm tín dụng vì nếu rủi ro xảy ra sẽ được chia sẻ với các công ty bảo hiểm.
Môi trường kinh tế và Chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia: sự ổn định của nền kinh tế ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường. Ví dụ như một sự thay đổi về lãi suất, tỷ giá hối đoái, lạm phát, chỉ số giá cả tăng, nguyên vật liệu đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của khách hàng, khó khăn tài chính dẫn đến không có khả năng trả nợ, gây tổn thất cho ngân hàng. Hiện nay, thị trường thế giới biến động quá nhanh và khó dự đoán chính xác được, là hậu quả tất yếu của quá trình tự do hóa tài chính, hội nhập quốc tế. Do vậy, chủ trương, chính sách của Nhà nước đúng đắn, hợp lý thì mới thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, là điều kiện cần để đạt được chất lượng và hiệu quả cho các khoản tín dụng ngân hàng. Vì vậy, hệ thống ngân hàng cần nghiên cứu kỹ càng thông tin kinh tế vĩ mô dựa trên chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, chính sách tài khóa trước khi ra quyết định tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động cấp tín dụng phụ thuộc rất nhiều thói quen, truyền
thống, tập quán của ngươi dân. Những yếu tố đó nhiều khi gây khó khăn và hạn chế mở rộng hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Tất cả những nguyên nhân khách quan đến từ môi trường kinh tế kể trên nếu không được dự báo chính xác và có biện pháp kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thu hồi các khoản cho vay của ngân hàng.
Môi trường pháp lý- xã hội-chính trị: chính sách, quy định, luật lệ là những công cụ không thể thiếu để điều hành nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển công bằng, hiệu quả và bền vững. Hệ thống pháp luật của các nước đang phát triển thường được xây dựng dựa trên nhu cầu điều chỉnh của thực tế, nhưng đôi khi lại đi sau và kìm hãm sự phát triển. Thực trạng hành lang pháp lý tại Việt Nam chưa đầy đủ và chồng chéo nhau, tách rời một cách thiếu khoa học của nhiều cơ quan quản lý khiến hệ thống các quy định nhiều khi mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình vận dụng. Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại liên quan đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, mang tính xã hội cao, khi hệ thống pháp luật ổn định và lành mạnh thì môi trường kinh doanh của ngân hàng thương mại sẽ có nhiều thuận lợi. Ngược lại, nếu môi trường pháp lý thiếu đồng bộ, có nhiều khe hở thì rất dễ bị lợi dụng gây ra tình trạng tham ô, chiếm đoạt tài sản… Kinh tế xã hội kém ổn định dẫn đến kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngân hàng gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ. Hơn hết thảy, tính ổn định về chính trị trong nước sẽ là một trong những nhân tố thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Nếu xảy ra các diễn biến bất ổn chính trị như: chiến tranh, xung đột đảng phái, bạo động, biểu tình…sẽ làm cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa bị ngừng trệ…Và như vậy, những món tiền khách hàng vay sẽ khó được hoàn trả đầy đủ cho ngân hàng.