Quy mô vốn chủ sở hữu (ETA) có mối tương quan âm với khả năng sinh lời ROE của các Ngân hàng TMCPCP Việt Nam, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản càng cao thì khả năng sinh lời ROE càng sụt giảm, kết quả này phù hợp với giả thuyết ban đầu, có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% trong mô hình biến phụ thuộc ROE, không tìm thấy ý nghĩa thống kê trong mô hình biến phụ thuộc ROA. Với điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi biến EAT tăng 1% thì ROE giảm 0.163%. Các NHTMCP Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu sử dụng đòn bẩy tài chính cao đã gia tăng suất sinh lời trên VCSH của ngân hàng trong khi không ảnh hưởng đến suất sinh lời trên tài sản.
Kết quả này cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2015), Trịnh Quốc Trung, Nguyễn Văn Sang (2013) đã tìm ra mối tương quan âm giữa quy mô vốn chủ sở hữu và ROE. Ngân hàng có ETA cao tuy an toàn về khả năng thanh khoản hơn nhưng hiệu quả sử dụng vốn chưa cao dẫn đến khả năng sinh lời cũng bị giảm. Theo Tăng Thị Phúc (2016), mặc dù vốn chủ sở hữu trong giai đoạn năm 2010-2014 có xu hướng tăng nhưng do tín dụng tăng thấp, lãi suất cho vay giảm, chi phí huy động và chi phí trích lập dự
phòng rủi ro tín dụng tăng cao tạo áp lức lớn về sử dụng vốn đối với các NHTMCP, nên kết quả kinh doanh của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, làm suy giảm khả năng sinh lời của NHTMCP Việt Nam trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, một cấu trúc vốn mạnh rất cần thiết cho các ngân hàng trong nền kinh tế đang phát triển, vì nó cung cấp thêm sức mạnh cho cho các ngân hàng có thể đứng vũng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và tăng mức độ an toàn cho người gửi tiền khi phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định. Đồng thời nguồn vốn chủ sở hữu là tấm lá chắn an toàn cho các ngân hàng khi có khó khăn về tài chính. Như vậy rõ ràng, quy mô vốn chủ sở hữu đã cung cấp cho các ngân hàng một sức mạnh nội lực để có thể đứng vững trong thời kỳ kinh tế có nhiều bất ổn. Các sự kiện kinh tế diễn ra trên thế giới ít nhiều đều có ảnh hưởng đến Việt Nam, chỉ có nâng cao năng lực tài chính mới tạo nên một nội lực vững mạnh để các NHTMCP Việt Nam có thể chống chọi với rủi ro, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do vậy, việc yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng vốn chủ sở hữu để nâng cao năng lực tài chính là đúng đắn, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển bền vững, nhưng phải làm tốt công tác quản trị nguồn vốn nhằm trong dài hạn nâng cao khả năng sinh lời.