Kiến nghị đối với các NHTM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 54 - 57)

Tăng vốn chủ sở hữu để nâng cao vị thế và uy tín của các ngân hàng thương mại

Trong tất cả các nguồn vốn thì vốn chủ sở hữu là nguồn có thể được sử dụng linh hoạt nhất và ngân hàng có tính tự chủ cao nhất khi sử dụng nguồn vốn này. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng có thể được sử dụng để bù đắp thiếu hụt thanh toán tạm thời, để đề phòng rủi ro trong hoạt động… Quy mô vốn chủ sở hữu được cải thiện sẽ là một điều kiện để các ngân hàng cải thiện năng lực quản lý thanh khoản: khi có một lượng vốn lớn hơn có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản khi có những phát sinh nhu cầu rút vốn đột ngột mà các nhà quản trị không lường tính trước được.

Có thể nói, quy mô của các NHTMCP Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Do đó, các ngân hàng Việt Nam đang chịu áp lực phải tăng cường qui mô nguồn vốn nhằm đảm bảo các chỉ số an toàn hoạt động. Có thể thấy rằng, việc tăng vốn là yếu tố cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường tài chính hiện nay.

Đa dạng hoá các nghiệp vụ huy động vốn và sử dụng vốn

Sự tập trung về nguồn vốn sẽ là nguyên nhân gây nên rủi ro thanh khoản cho ngân hàng. Trong những năm vừa qua các NHTM đã dần mở rộng các hình thức huy động vốn, thời hạn huy động vốn một cách chủ động và linh hoạt. Tuy nhiên, điều khiến khách hàng đến gửi tiền vào ngân hàng hay trở thành chủ nợ của NHTM bằng việc mua chứng chỉ nợ do ngân hàng phát hành ra không chỉ đơn thuần quan tâm tới mức lãi được nhận mà họ quan tâm rất nhiều tới những khía cạnh khác như uy tín của ngân hàng, tiện ích mang lại khi đến giao dịch…Vì vậy, để thu hút được nhiều khách hàng đến gửi tiền và huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, các NHTM cần:

- Đưa thêm những sản phẩm huy động vốn với kì hạn linh hoạt (như kì hạn 1, 2, 3 tuần, 1, 2 tháng, hay những kì hạn dài 5, 10 năm), đa dạng về loại tiền huy động (USD, EUR, AUD…) và đa dạng về cách thức huy động (huy động qua tiền gửi, tiết kiệm, phát hành kì phiếu, trái phiếu, huy động tại điểm cố định và tại gia…) Qua đó tạo thuận lợi cho người gửi tiền trong việc lựa chọn hình thức và cách thức gửi tiền.

- Tăng cường quan hệ quốc tế song phương, đa phương với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng đại lí để tranh thủ các nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là nguồn trung dài hạn và nguồn vốn tài trợ.

- Đối với dân cư, đây là nguồn cung vốn có tiềm năng lớn của ngân hàng, vì vậy, các NHTM cần thực hiện một số hình thức huy động vốn mới như: hình thức gửi hẹn rút (khách hàng không cần gửi kì hạn nhất định, chỉ cần gọi thông báo nhu cầu rút tiền của mình trước khi có nhu cầu rút một thời gian nhất định), huy động tiết kiệm dài hạn, ứng dụng kết hợp tiết kiệm với các sản phẩm bảo hiểm…để hấp dẫn khách hàng bằng các tiện ích mà ngân hàng mang lại cho khách hàng.

Việc đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, kì hạn và đối tượng huy động vốn sẽ đem lại sự chủ động trong việc sử dụng nguồn, không bị phụ thuộc sâu vào một nhóm khách hàng hay một loại kì hạn nào. Điều này sẽ làm giảm khả năng rủi ro thanh khoản có thể xảy ra khi có sự biến động tiền gửi của một nhóm khách hàng hay của kì hạn nào…

Sử dụng vốn kém hiệu quả cũng là một sức ép lớn đè nặng lên khả năng thanh khoản cho các ngân hàng. Hiện nay, các NHTM vẫn chủ yếu tập trung sử dụng vốn vào hoạt động tín dụng và phần lớn rủi ro ngân hàng đều tập trung trong hoạt động này. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn bằng việc đa dạng hoá các hình thức đầu tư vốn cũng là một biện pháp cải thiện và nâng cao năng lực quản lý thanh khoản của các NHTM, đặc biệt tập trung những nghiệp vụ làm tăng tính thanh khoản cho nghiệp vụ tài sản có như:

- Đối với nghiệp vụ tín dụng: Khai thông nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu và các chứng từ có giá: đây là một nghiệp vụ tín dụng gián tiếp, ít rủi ro và không làm “đóng băng” vốn, thời hạn cho vay ngắn, vì vậy, nâng cao tính thanh khoản trong nghiệp vụ tài sản có. Tuy đã có Pháp lệnh thương phiếu, Nghị định số 32/2001/NĐ- CP ban hành ngày 5/7/2001 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, nhưng đến nay nghiệp vụ này vẫn chưa thành một nghiệp vụ thông dụng.

Nghiệp vụ đầu tư tài chính: Với hình thức đầu tư chứng khoán đã được chuyên môn hoá cho công ty chứng khoán của các NHTM, tuy nhiên, nghiệp vụ vẫn chưa được thực hiện đa dạng mà vẫn tập trung chủ yếu ở nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Cần mở rộng các nghiệp vụ như tư vấn, bảo quản chứng khoán…Ngoài ra, có thể đẩy mạnh hợp tác với các công ty kinh doanh bất động sản, các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn để khai thác các tài sản thế chấp, cầm cố…

Nâng cao chất lượng khoản vay, xem xét tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng

Cùng với mục tiêu chung là phát triển hoạt động kinh doanh thì các NHTMCP cần xem xét tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tăng tỷ lệ cho vay có đảm bảo bằng tài sản.

Cải thiện danh mục đầu tư, ưu tiên mở rộng cho vay đối với nhóm khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ngoài quốc doanh; giảm dần tỷ trọng cho vay đối với những doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả.

Tiếp tục đa dạng hoá thành phần khách hàng theo hướng tăng tỷ trọng khách hàng có tài sản đảm bảo; thành lập các bộ phận/ phòng ban thực hiện nghiên cứu, đưa ra các chính sách sản phẩm nhằm sàng lọc và tiếp cận nhóm khách hàng tốt. Mở rộng cho vay đối với các khách hàng đang sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh doanh mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định; cho vay thận trọng đối với các mặt hàng có nhiều biến động về thị trường giá cả.

Tiếp cận kênh huy động vốn bằng cách niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán

Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được số lượng nhà đầu tư, không chỉ trong nước mà nhà đầu tư quốc tế để thu hút vốn. Khi tham gia niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng từ việc phát hành cổ phiếu dựa trên tính thanh khoản cao và uy tín của doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường. Huy động theo cách này, doanh nghiệp không phải thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình. Để được niêm yết chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức... Do đó, những công ty được niêm yết trên thị trường thường là những công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Thực tế đã chứng minh, niêm yết chứng khoán là một trong những cách thức quảng cáo tốt cho doanh nghiệp, từ đó thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)