9. Về các vấn đề khác
9.1. Về lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
- Một số ý kiến đồng ý Phương án 1 như đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đổi mới về công tác lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đó là sau khi các dự án đã được Chính phủ, các cơ quan chuẩn bị có đầy đủ hồ sơ và gửi sang Quốc hội, được thẩm tra đủ điều kiện trình Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình cho từng kỳ họp theo nguyên tắc: các dự án trình trong 6 tháng đầu năm sẽ được xếp vào Chương trình kỳ họp cuối năm; các dự án trình trong 6 tháng cuối năm sẽ được xếp vào kỳ họp giữa năm sau. Cách làm này giúp cho đại biểu Quốc hội tiếp cận sớm hơn, cơ quan thẩm tra cũng tiếp cận sớm hơn hồ sơ về dự án luật; đồng thời, sẽ thuận lợi hơn cho công tác thẩm tra, góp ý đối với dự án luật.
- Nhiều ý kiến đồng ý Phương án 2 như đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đó là giữ quy trình lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải có dự thảo luật, pháp lệnh thể hiện đúng nội dung chính sách được đề xuất thay cho đề cương dự thảo văn bản như hiện nay.
- Có ý kiến đề nghị cần có chiến lược lập pháp cho cả nhiệm kỳ hoặc dài hơn; từ đó xây dựng thứ tự ưu tiên, tập trung vào một số nhóm, dự án luật cụ thể ví dụ như về đầu tư để phát triển kinh tế, củng cố các quan hệ đạo đức xã hội, văn hóa, giáo dục hoặc chuẩn bị đến Đại hội tới thì tập trung vào tổ chức, bộ máy.
- Có ý kiến cho rằng việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút và bổ sung dự án dẫn đến phải điều chỉnh chương trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng làm luật. Cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm thực hiện công tác xây dựng pháp luật theo nghị quyết của Quốc hội và có quy định để xử lý tình trạng nhiều dự án luật rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.