9. Về các vấn đề khác
9.5. Một số vấn đề khác về xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh
a) Một số vấn đề chung
- Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có liên quan trong trường hợp xảy ra sai sót trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn gửi hồ sơ tài liệu đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bảo đảm tính khả thi hoặc nghiên cứu quy định chặt chẽ, có các biện pháp xử lý đối với những dự án vi phạm về thời hạn; đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định cho phép đại biểu Quốc hội không phát biểu ý kiến, không bỏ phiếu đối với những dự thảo gửi không đúng thời hạn.
- Một số ý kiến đề nghị quy định rõ ràng hơn và tinh giản về thủ tục, hồ sơ, tài liệu, nhân lực, con dấu trong trường hợp đại biểu Quốc hội trình dự án luật.
- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định hoạt động hoạch định, phân tích chính sách theo hai hướng: Thứ nhất là tách ra thành một quy trình độc lập và Quốc hội tham gia vào việc quyết định thông qua khung chính sách. Thứ hai là giữ như quy định hiện hành nhưng bổ sung vai trò tham gia của Quốc hội khi Chính phủ thông qua chính sách để đề nghị xây dựng luật; đồng thời quy định rõ hơn về quy trình, phương pháp, phạm vi, nội dung đánh giá tác động đối với đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh.
- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung thẩm quyền được rút dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp cơ quan trình có nhiều ý kiến không thống nhất với cơ quan thẩm tra; bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục rút dự thảo.
- Có ý kiến đề nghị đối với luật, pháp lệnh ban hành sau cần phải tham chiếu quy định tại luật chung và chỉ đưa ra quy định đối với các nội dung trong các trường hợp cụ thể, không nên quy định lại những nội dung đã được quy định.
9
- Có ý kiến đề nghị quy định rõ trong Luật trước mỗi kỳ họp Quốc hội nên tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để tiến hành góp ý trước đối với những dự án, dự thảo trình ra Quốc hội.
- Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn việc ban hành thông tư của các Bộ; trong quy trình ban hành thông tư phải thành lập Hội đồng thẩm định có sự tham gia bắt buộc của đại diện Bộ Tư pháp.
- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu trong trường hợp một văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại chứa đựng văn bản quy phạm pháp luật thì phải có biện pháp xử lý đối với văn bản và xử lý đối với hậu quả pháp lý của văn bản.
- Có ý kiến đề nghị nghiên cứu có một cơ quan chuyên trách về xây dựng pháp luật gồm các chuyên gia giỏi về các lĩnh vực để giúp cho Quốc hội có thể thiết kế, hoàn thiện các dự thảo luật, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp vừa bảo đảm hiệu quả trong công tác lập pháp hoặc nghiên cứu có một cơ quan, tổ chức không quá nhiều người nhưng chuyên sâu lo về kỹ thuật lập pháp để bảo đảm về kỹ thuật lập pháp đối với các dự án.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung căn cứ để xác định khi nào sửa đổi toàn diện, khi nào là sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, pháp lệnh.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với dự thảo thông tư với thành phần bắt buộc là Bộ Tư pháp.
- Có ý kiến đề nghị xem lại quy định của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về án lệ để từ đó quy định án lệ là một văn bản quy phạm pháp luật.
b) Về lấy ý kiến trong xây dựng văn bản
- Một số ý kiến đề nghị các cơ quan cần tuân thủ đầy đủ quy trình trong công tác lấy ý kiến; đồng thời nghiên cứu quy định hình thức, quy mô tổ chức lấy ý kiến, đối tượng, mức độ phù hợp đối với từng loại văn bản; trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan tổ chức tham gia góp ý; sửa đổi, bổ sung các quy định về lấy ý kiến theo các tiêu chí sát với thực tiễn và bằng những biện pháp phù hợp để khắc phục được những hạn chế như khi đăng trên cổng thông tin điện tử thì số lượng truy cập vào xem rất thấp và không có ý kiến góp ý, lấy ý kiến trực tiếp thì quy mô rất nhỏ, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan thì việc phản hồi vừa chậm, vừa hình thức.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để phát huy vai trò của các cơ quan như Viện Nghiên cứu lập pháp, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học… ; bổ sung quy định nhằm đảm bảo quyền tham gia, đóng góp ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các đối tượng chịu sự tác động của văn bản, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, vì các quy định của Luật hiện hành (các điều 6, 36 và 57) chưa có cơ chế cụ thể để tạo điều kiện cho các đối tượng trên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật.
- Có ý kiến đề nghị quy định tăng thêm thời gian để đại biểu góp ý kiến tham gia dự án luật; cơ quan trình giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu; hạn chế việc giải trình, tiếp thu không theo ý kiến của đại biểu đã góp ý.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung điểm d khoản 2 Điều 97 trong mục 3 xây dựng ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách trong dự thảo quyết định; cơ quan, tổ chức có liên quan lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc đối với các văn bản có liên quan đến chính sách dân tộc.
c) Về lồng ghép giới trong xây dựng văn bản
- Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định lồng ghép giới trong tất cả các khâu, từ khâu đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, soạn thảo, thẩm tra, giải trình, tiếp thu để lồng ghép giới có tính khả thi hơn.
- Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "nếu có" trong các điều, khoản, điểm quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 26 của Hiến pháp năm 2013 và Luật Bình đẳng giới.
d) Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với các dự án luật trước khi trình Quốc hội
- Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với dự án luật thì Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin nghiên cứu, thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để tham khảo, nghiên cứu sâu hơn về các dự án.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc, trường hợp dự án luật chưa đạt yêu cầu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại cho cơ quan soạn thảo và yêu cầu làm lại hoặc lùi thời gian trình.