Thiệu Hóa là huyện có truyền thống cách mạng yêu nước, đồng thời là huyện có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng.
- Cấp quốc gia có 7 di tích được xếp hạng là: Di chỉ khảo cổ Thiệu Dương, đền thờ Dương Đình Nghệ (Thiệu Dương), đền thờ Lê Văn Hưu (Thiệu Trung), đền thờ Nguyễn Quán Nho (TT Vạn Hà), đền thờ Đinh Lễ (TT Vạn Hà) và cụm di tích cách mạng xã Thiệu Toán.
- Cấp tỉnh có 10 di tích được xếp hạng: Đình làng Tân Bình (Thiệu Ngọc), Đền thờ họ Vương (Thiệu Tiến), Đền thờ Ngũ Vị Đại Hương (Thiệu Giao), Đình và Đền thờ Trần Lựu (Thiệu Quang ), Đình làng Dắc Châu (Thiệu Châu), Chùa Vồm (Thiệu Khánh), Đình làng Ngô Xá Hạ(Thiệu Minh), Đình Bái Giao (Thiệu Giao), Đình Nghè Yên Lộ (Thiệu Vũ), Đình Lam Vũ (Thiệu Vũ), Đình và Đền làng Hiền Lâm, Nhà thờ Nguyễn Hữu, Chùa Báo Ân (Thiệu Vân), Văn từ làng Đoán Quyết Hạ (Thiệu Phúc), Nhà thờ Nguyễn Mộng Tuân (Thiệu trung).
Đặc biệt Thiệu Hóa còn có di tích Núi Đọ Thiệu Khánh và Thiệu Tân - Nơi phát hiện xưa nhất của người nguyên thủy trên đất Việt Nam có nhiều công cụ bằng đá. Núi Đọ: thuộc địa phận hai xã Thiệu Tân và Thiệu Khánh, nằm sát ngay bên bờ sông Chu về phía hữu ngạn, gần chỗ hợp lưu của sông
Mã, sông Chu. Núi Đọ nhìn từ xa rất giống hình con rùa mà đỉnh cao ở chính giữa là lưng rùa, còn đỉnh thấp ở phía Nam là đầu rùa đang nhô về phía sông. Núi Đọ không những là di chỉ cư trú của người nguyên thủy mà tại khu vực chân núi còn phát hiện ra di chỉ văn hóa Đông Sơn của thời các vua Hùng dựng nước với rất nhiều trống đồng, thạp đồng, rìa tay, kiếm, mũi tên,..
Ngoài Núi Đọ, núi Bằng Trình (tức núi Thái Bình) cũng là một danh thắng của huyện. Đây là một ngọn núi đứng riêng, bên phải dựa vào núi Bàn A, phía trước nhìn xuống dòng sông Mã, hình thù kỳ lạ đẹp đẽ, phong cảnh phong nhã. Tại nơi hòn núi đẹp, ngôi chùa cổ và ngọn tháp chín tầng tọa lạc từ rất lâu đã làm cho nơi đây càng trở nên lung linh, hoàn hảo như bức tranh thủy mặc.