2.2.1. Địa hình
Tuy ở vào vị trí trung tâm của miền đồng bằng xứ Thanh, nhưng cũng như cả tỉnh và các vùng ở phía Bắc nước ta, địa hình của Thiệu Hóa có đặc điểm nghiêng dốc dần từ tây bắc xuống đông nam (cụ thể là nghiêng dốc từ các xã Thiệu Ngọc, Thiệu Thành xuống các xã kế tiếp đến Thiệu Duy, Thiệu Hợp và Thiệu Thịnh). Theo sự đo đạc và tính toán của tỉnh thì độ dốc từ cao đến thấp của huyện Thiệu Hóa giảm dần từ 0,28 đến 0,33m/km. Nhờ độ dốc ấy mà việc xây dựng các công trình thủy lợi tưới, tiêu tự chảy trên đất Thiệu Hóa trở nên dễ dàng, thuận lợi.
Huyện Thiệu Hóa có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 5m đến 10m so với mực nước biển, phân chia thành các vùng như sau:
- Vùng có địa hình cao từ 6m trở lên (xã Thiệu Ngọc, Thiệu Thành,..) chỉ có 412ha (chiếm 4% diện tích đất canh tác).
- Vùng có địa hình cao trung bình từ 3 - 6m so với mực nước biển chiếm phần lớn diện tích đất đai canh tác ở nhiều xã trong huyện với diện tích 6109 ha (chiếm 58% diện tích đất canh tác).
- Vùng có địa hình thấp trũng (xã Thiệu Hóa, Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Giang,..) có 580 ha (chiếm 5,6% diện tích đất canh tác.
Ngoài các vùng có địa hình cao, thấp, trung bình như trên Thiệu Hóa còn có cả hệ thống bãi bồi rộng dài khá bằng phẳng và màu mỡ phía ngoài ven sông Chu, sông Mã.
Trong cái nhìn tổng quát, chúng ta thấy ở đồng bằng Thiệu Hóa vẫn xen lẫn núi, đồi (tập trung nhất là ở các xã Thiệu Tân, Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Thiệu Quang, Thiệu Long, Thiệu Tiến). Đặc biệt Núi Bàn A (tức Bàn A Sơn) nay thuộc xã Thiệu Khánh, đó chính là núi danh thắng nổi tiếng của cả xứ Thanh. Núi rất cao mà quanh co uốn éo, trông xuống thì sông Lương ở liền chân núi, một dải núi từ bên hữu chạy ra là núi Na Sơn, một dải núi từ huyện Thiệu Nguyên chạy xuống là núi Thái Bình.
2.2.2. Đất
Thiệu Hóa là huyện đồng bằng châu thổ sông Chu, sông Mã. Đất đai ở đây được hình thành chủ yếu trên sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ trẻ và mẫu chất từ kỷ Đệ Tứ, đồng thời là kết quả của quá trình tích tụ các mẫu chất, khoáng vật và sản phẩm rửa trôi từ tác động của sông, biển, khí hậu, vi sinh vật.
Căn cứ vào các tiêu chí cụ thể, chúng ta có thể phân loại các vùng địa lý thổ nhưỡng của huyện Thiệu Hóa như sau:
- Vùng đất mới hình thành (được phù sa bồi đắp hàng năm) được phân bố ở ngoài đê của các hệ thống sông Chu, sông Mã, sông Càu Chày vùng này có vùng đất dày, liên tục được bổ sung vào các mùa mưa lũ (hầu hết thuộc loại đất tốt, không chua), rất phù hợp trong việc canh tác rau màu và trồng cây công nghiệp hàng năm.
- Vùng đất phù sa cổ được hình thành sớm trong vùng châu thổ được phân bố ở những nơi có địa hình cao, gần đồi núi. Đất ở đây dễ thoát nước, nhưng thường bị rửa trôi, xói mòn, làm mất độ phì của đất. Tuy tầng đất dày, nhưng ở bên dưới hay có hiện tượng kết von và hình thành đá ong ở mức độ khác nhau. Chất dinh dưỡng dễ tiêu, đất nghèo thường chua. Tuy nhiên loại đất này vẫn có thể trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả và cây màu lương thực.
- Vùng đất phù sa cũ không được bồi đắp hàng năm chiếm phần lớn diện tích đất đai trong huyện, được phân bố chủ yếu ở trong đê sông Mã, sông Chu. Do địa hình tương đối bằng phẳng dễ điều tiết nước và chất lượng đất lại tốt (ít chua, độ mùn từ trung bình đến khá, tầng đất dày, dễ tơi xốp…) nên vùng đất này chủ yếu là đất canh tác một năm từ hai đến ba vụ.
Nhằm tiến tới xây dựng bản đồ thổ nhưỡng một cách cụ thể, chính xác để phục vụ sản xuất và quản lý nguồn tài nguyên đất ở trong huyện, thời gian vừa qua, huyện Thiệu Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh điều tra được 14 244 ha đất theo phương pháp hướng dẫn của tổ chức FAO –
UNESCO để phân loại đất theo mục đích sử dụng với tỉ lệ đo đạc 1/100 000. Kết quả đã phân loại được các nhóm đất cụ thể như
- Nhóm đất xám: 52,84 ha.
- Nhóm đất phù sa biến đổi: 14 068 ha, trong đó có:
+ Đất phù sa biến đổi bazơ là 3986 ha được phân bố hầu hết các xã ven sông Mã, sông Chu. Đây là loại đất có nhiều yếu tố thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển nhiều loại cây trồng (nhất là cây lúa, màu)
+ Đất phù sa biến đổi glây nông có 1600 ha được phân bố ở các xã có địa hình thấp, trũng, tiêu nước khó, đất thường chua.
+ Đất phù sa chua glây nông có 2295 ha, phân bố ở các xã trong huyện có địa hình thấp. Do đất chua nên cần được cải tạo bằng thủy nông phù hợp để trồng 2 vụ lúa/ năm.
+ Đất phù sa chua glây sâu có 941 ha, loại đất này có khả năng thâm cnah tăng vụ cao và rất phù hợp với cây lúa, màu.
+ Đất phù sa bão hòa bazơ điển hình có 3198 ha, đây là loại đất có khả năng tăng vụ cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng.
+ Đất phù sa biến đổi bão hòa ba zơ có 1988 ha, phân bố trên các chân đất độc canh cấy lấy nước.
- Nhóm đất tầng mỏng 119 ha gồm các loại: + Đất tầng mỏng chua điển hình 92 ha. + Đất tầng mỏng chua, đá lẫn nông 27 ha.
Nhìn chung đất đai của huyện Thiệu Hóa chủ yếu là nhóm đất phù sa có đặc tính lý hóa tốt, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng có năng suất cao, ổn định.
Theo báo cáo của phòng thống kê Huyện Thiệu Hóa năm 2011, cơ cấu đất của huyện Thiệu Hóa như sau:
- Cơ cấu đất nông nghiệp: tổng diện tích đất nông nghiệp là 11142,0 ha (chiếm 63,21% so với tổng diện tích tự nhiên) trong đó:
+ Đất lâm nghiệp là 129,66 ha
+ Đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản là 220,09 ha + Đất nông nghiệp khác 9,46 ha
- Cơ cấu đất phi nông nghiệp: + Đất ở 970,01 ha
+ Đất chuyên dùng 2644, 28 ha + Đất tôn giáo, tín ngưỡng 3,37 ha + Đất nghĩa trang, nghĩa địa 195,91 ha + Đất mặt nước chuyên dùng là 1212,7 ha + Đất phi nông nghiệp khác là 1,14 ha
Biểu đồ 2.1: Cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp huyện Thiệu Hóa năm 2011
[Nguồn: 8]
Là huyện thuộc vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh, đất đai tương đối bằng phẳng và phì nhiêu, màu mỡ nên huyện Thiệu Hóa càng có điều kiện thuận lợi để luân canh, tăng vụ. Trong tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện (1.185,7 ha) thì đã có 5 000 ha đất có thể luân canh 3 vụ và có gần 1000 ha đất bãi bồi ven sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày được bồi đắp phù sa thường xuyên sẽ là nguồn lợi đáng kể trong việc phát triển các loại cây hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa với hiệu quả kinh tế cao.
2.2.3. Khí hậu
Cũng như các huyện đồng bằng khác trong tỉnh, khí hậu của huyện Thiệu Hóa là khí hậu nhiệt đới gió mùa với màu hè nắng lắm, mưa nhiều và có gió Tây khô nóng; mùa đông hanh, lạnh và hay có sương giá, sương muối.
Mặc dù có những đặc điểm chung với khí hậu của cả tỉnh, cả nước, song khí hậu của Thiệu Hóa vẫn có những yếu tố khác biệt trong chừng mặc nhất định. Điều đó được thể hiện rõ rệt qua các số liệu điều tra cụ thể sau đây:
- Chế độ nhiệt: Tổng nhiệt độ trung bình trong năm từ 8500 - 86000C, nhiệt độ trung bình năm 23 - 240C, biên độ ngày và đêm chênh lệch nhau từ 6 - 7 0C.
- Chế độ mưa: lượng trung bình năm từ 1500-1900 mm. Lượng mưa tháng cao nhất (tháng 9) là trên 1000m, lượng mưa tháng thấp nhất (tháng 1) chỉ có 15mm. Tổng số ngày mưa trong cả năm khoảng từ 130-140 ngày. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 86-88% lượng mưa cả năm. Riêng tháng năm, mưa đầu mùa đến sớm ở vùng thượng nguồn sông Cầu Chày cũng gây ra lũ Tiểu Mãn ở Thiệu Hóa.
- Độ ẩm không khí: trung bình từ 85-86%, trung bình cao tuyệt đối 89%, trung bình thấp tuyệt đối 50%.
- Sương: chủ yếu có hai loại.
+ Sương mù của huyện Thiệu Hóa chủ ở mức độ trung bình, thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau vào ban đêm và buổi sáng sớm. Thời gian sương mù diễn ra nhiều nhất là từ 4 giờ đến 6 giờ 30 phút sáng ở các ngày có không khí lạnh.
+ Sương muối: xuất hiện chủ yếu vào thời điểm có gió mùa Đông Bắc gây rét đậm, rét hại.
- Gió: Thiệu Hóa cũng thường chịu ảnh hưởng của hai luồng gió chính được phân bố theo mùa là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Vận tốc gió trung bình hàng năm từ 1,5 – 1,8 m/s.
- Bão: Hàng năm Thiệu Hóa vẫn thường bị ảnh hưởng bởi các cơn bão đổ bộ vào Thanh Hóa. Bão thường xảy ra vào tháng 8 đến tháng 10, tốc độ của gió bão lúc lớn nhất là từ 35-40 m/s.
Nhìn chung, so với các huyện miền núi và huyện đồng bằng ven biển ở trong tỉnh, khí hậu của huyện Thiệu Hóa vẫn có sự thuận lợi và ổn định hơn. Sự khắc nghiệt, bất thường của thời tiết, khí hậu ở đây vẫn ít hớn so với các huyện này. Với nền nhiệt cao sẽ thuận lợi cho việc sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng và bố trí nhiều vụ trong năm. Nằm ở giữa vùng trung tâm khu
vực đồng bằng của tỉnh, việc chịu ảnh hưởng của gió Tây khô nóng và bão cũng không nặng nề cho lắm. Tuy nhiên, ở khu vực nhiều sông lớn, nhỏ đi qua, việc tu bổ đê điều và xây dựng hệ thống tiêu thoát nước ở trong huyện vào mùa mưa là nhiệm vụ thường xuyên cần được chú trọng để giảm thiểu những thiệt hại do lũ gây ra.