Quan niệm về kết cấu hạ tầng nông thôn

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 37 - 39)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.1.1.1. Quan niệm về kết cấu hạ tầng nông thôn

"Kết cấu hạ tầng - infrastructure" là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latinh - infrastructura - được ghép từ "Infra" (nghĩa là nền móng, nền tảng) và từ "Structura" (nghĩa là kết cấu, kiến trúc, cấu trúc) với hàm ý chỉ hệ thống các công trình vật chất kỹ thuật, xã hội nhằm phục vụ các nhu cầu có tính phổ biến của sản xuất và đời sống xã hội.

Theo Raphael Henry Arndt trong tác phẩm Hiệu quả của phân bổ rủi ro trong các dự án đầu tư tư nhân cho KCHT, KCHT được hiểu là “những nhân tố cấu trúc nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản cho công nghiệp và tiêu dùng” [84]. Nghĩa là, KCHT là các công trình cung cấp các tiện ích căn bản, thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của mọi người dân cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh như điện, nước, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không, cầu cống, kênh đào,...

Từ điển Oxford định nghĩa: “KCHT là một thuật ngữ tổng hợp để chỉ những bộ phận kết cấu, nền tảng cho việc phát triển nền kinh tế” [102].

Ngân hàng thế giới đã chỉ ra những lĩnh vực được xem là KCHT, bao gồm các lĩnh vực cơ bản: (1) Tiện ích công cộng (public utilities): năng lượng, viễn thông, nước sạch cung cấp qua hệ thống ống dẫn, khí đốt truyền tải qua ống, hệ thống thu gom và xử lý các chất thải trong thành phố... (2) Công trình công cộng (public works): đường sá, các công trình xây dựng đập, kênh phục vụ tưới tiêu... (3) Giao thông (transport): các trục và tuyến đường bộ, đường sắt, cảng cho tàu và máy bay, đường thuỷ...(4) Hạ tầng xã hội (social infrastructure): các cơ sở, thiết bị và công

trình phục vụ cho giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và triển khai công nghệ; các cơ sở y tế, bảo vệ sức khoẻ, bảo hiểm xã hội và các công trình phục vụ cho hoạt động văn hoá, xã hội, văn nghệ, thể dục thể thao... [107].

EPAC (Economic Planning and Advisory Commission - Hội đồng Kế hoạch và Tư vấn kinh tế) cho rằng KCHT là những tài sản cố định nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản trong một khoảng thời gian dài và trong thời gian đó Chính phủ đóng vai trò quan trọng và thực hiện một, một vài chức năng hay tất cả các chức năng như kế hoạch, thiết kế, cấp vốn, xây dựng, vận hành và quản lý bằng pháp luật [89].

Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam định nghĩa: KCHT là tổng thể các ngành vật chất - kĩ thuật, các loại hình hoạt động phục vụ sản xuất và đời sống xã hội. KCHT có hai loại: KCHT sản xuất (hay kĩ thuật) và KCHT xã hội. KCHT sản xuất bao gồm đường giao thông vận tải (đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không), hồ chứa nước, cảng, cầu cống, sân bay, kho tàng, phương tiện vận tải, thông tin bưu điện, các cơ sở sản xuất và cung ứng điện, khí, nước... bảo đảm điều kiện sản xuất của xã hội. KCHT xã hội bao gồm các cơ sở giáo dục, khoa học, thông tin, bảo vệ sức khoẻ, vv... [110].

KCHT, về phương diện hình thái là hệ thống đường xá, cầu cống, bến cảng, hệ thống thuỷ lợi, các công trình bệnh viện, trường học, bưu chính viễn thông,…; dưới góc độ kinh tế thị trường thì KCHT là một loại hàng hoá công cộng thiết yếu phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội; về phương diện đầu tư, KCHT chính là kết quả, sản phẩm của quá trình đầu tư được tích luỹ, gom góp qua nhiều thế hệ nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của đất nước.

Vậy, KCHT chính là tổng thể các điều kiện vật chất, kỹ thuật, kiến trúc có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là đảm bảo những điều kiện chung cần thiết cho quá trình sản xuất và tái sản xuất mở rộng nền kinh tế được diễn ra bình thường, liên tục.

Đặc trưng của KCHT là: có tính thống nhất và đồng bộ giữa các bộ phận tạo thành một tổng thể vững chắc đảm bảo cho phép phát huy sức mạnh của cả hệ thống; các công trình KCHT có quy mô lớn và thường chủ yếu ở ngoài trời, bố trí rải rác trên phạm vi cả nước và chịu tác động rất lớn của tự nhiên.

Tuy nhiên, hiện nay, thuật ngữ "kết cấu hạ tầng" chưa được sử dụng một cách thống nhất ở Việt Nam, cũng như chưa có một định nghĩa thống nhất cho thuật ngữ.

Trong nhiều văn bản, công trình nghiên cứu hay bài viết của một số tác giả vẫn còn có sự nhầm lẫn về khái niệm "kết cấu hạ tầng" với thuật ngữ "cơ sở hạ tầng". Thuật ngữ "cơ sở hạ tầng" theo chủ nghĩa Mác - Lênin là phạm trù triết học chỉ toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một hình thái kinh tế - xã hội nhất định, phản ánh chức năng xã hội của các quan hệ sản xuất với tư cách là cơ sở kinh tế của các hiện tượng xã hội. Thuật ngữ này khác biệt hoàn toàn về nội dung, ngữ nghĩa so với thuật ngữ "kết cấu hạ tầng", do đó, cần phải được thống nhất và sử dụng nhất quán trong các văn bản quy phạm pháp luật và các công trình nghiên cứu trong nước.

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w