Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho kết cấu hạ tầng nông thôn

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 45 - 46)

Ở ĐỊA BÀN CẤP TỈNH

2.1.4.1. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho kết cấu hạ tầng nông thôn

Vốn từ ngân sách Nhà nước cho KCHT nông thôn là khoản chi của ngân sách nhà nước để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển KCHT kinh tế - xã hội đáp ứng tiêu chí CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là phát triển KCHT nông thôn là vấn đề được Nhà nước ta rất quan tâm và chú trọng. Đảng và Nhà nước ta luôn dành một phần ngân sách nhất định đầu tư cho KCHT nông thôn, tạo cơ sở vật chất cần thiết cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gồm vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và vốn đầu tư từ ngân sách địa phương. Các nguồn vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước lấy từ các khoản phí, lệ phí, quảng cáo, xổ số kiến thiết, quỹ đất... để đầu tư cũng được tính là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn này thường được sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản của khu vực nông thôn, chi cho các công tác lập và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển KCHT khu vực nông thôn. Vốn đầu tư phát triển KCHT nông thôn từ ngân sách nhà nước đóng vai trò đi tiên phong, mở đường để thu hút các nguồn vốn khác thông qua các hình thức như: xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo cho các nhà đầu tư có cảm giác yên tâm hơn đầu tư vào nông nghiệp khi có sự tham gia của Nhà nước.

Từ năm 2010 đến nay, phát triển KCHT nông thôn gắn kết chặt chẽ với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM được quy định theo tỷ lệ gồm: (i) Ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 40%; (ii) Vốn tín dụng (Tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại) khoảng 30%; (iii) Vốn từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác khoảng 20%; (iv) Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10% [1].

Một phần của tài liệu Luận án Lương Tuấn Đức (Trang 45 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w