THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN ĐỂ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG THÔN TỈNH BẮC NINH
3.1.1.1. Vị trí địa lý, địa hình
Đối với vùng Thủ đô và Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh là “cửa ngõ” phía Đông Bắc, cầu nối giữa Hà Nội với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Bắc Ninh là trung tâm du lịch văn hóa của vùng Thủ đô, Vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước, bổ sung chức năng cho vùng Thủ đô Hà Nội trên cơ sở liên kết với Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, là một “hạt nhân” trong hành lang tăng trưởng: QL5, QL2, QL1A, QL18 và hai hành lang một vành đai kinh tế Trung Quốc - Việt Nam; gắn kết với tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh.
Hình 3.1. Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh
Nguồn: [109].
Tỉnh Bắc Ninh tính đến năm 2018 có tổng diện tích tự nhiên là 82.271 ha, dân số 1.178.130 người, có 8 đơn vị hành chính là: 01 thành phố (thành phố Bắc Ninh - đô thị loại I theo Quyết định 2088/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ);
01 thị xã (thị xã Từ Sơn - đô thị loại IV); 06 huyện (Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài). Trong đó thành phố Bắc Ninh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của Tỉnh, có hạ tầng thuận lợi [112].
Do nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ nên địa hình của tỉnh Bắc Ninh khá bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, được thể hiện qua các dòng chảy nước mặt đổ về sông Cầu, sông Đuống và sông Thái Bình. Vùng đồng bằng chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh và một số vùng thấp trũng ven đê thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ.