Theo Baker và cộng sự (2002), cấu trúc vốn của doanh nghiệp trong hiện tại chịu ảnh hưởng bởi nỗ lực định thời điểm thị trường trong quá khứ. Theo lý thuyết này, quyết
định cấu trúc vốn của DN phụ thuộc vào thời điểm thị trường. Ví dụ như các doanh nghiệp sẽ dựa vào thời điểm thuận lợi của thị trường để phát hành hay mua lại cổ phiếu: Các doanh nghiệp dường như cố gắng phát hành cổ phiếu mới khi giá cổ phiếu đang cao
và mua lại khi giá thị trường của cổ phiếu xuống thấp. Với cách này, các nhà quản trị tin
rằng doanh nghiệp của họ có thể tham gia thị trường đúng lúc nhằm mang lại lợi ích của
cổ đông.
Thảo luận các lý thuyết: Nếu như hoạt động của doanh nghiệp được ví như
việc
đưa toàn bộ tài sản vào sản xuất kinh doanh để tạo ra một dòng lưu chuyển tiền tệ làm tăng giá trị doanh nghiệp, thì có thể xem cấu trúc vốn là sự kết hợp của việc sử dụng các
nguồn tài chính để tạo nên các tài sản đó, bao gồm các nguồn tài chính đến từ bên ngoài (ngoại sinh) hoặc từ các nguồn nội bộ bên trong doanh nghiệp (nội sinh). Nếu doanh nghiệp chỉ sử dụng nguồn vốn của mình thì toàn bộ lợi nhuận được phân phối cho các cổ đông và tích lũy (qua các hình thức cổ tức và lợi nhuận giữ lại). Nếu doanh nghiệp sử
dụng một phần vốn vay, doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận để trả nợ sau này thì chủ nợ sẽ được ưu tiên trả nợ trước, sau đó mới là quá trình phân phối lợi nhuận đến cổ đông. Vì vậy, doanh nghiệp có thể thiết lập các cấu trúc vốn dựa trên đặc thù, sự linh hoạt và nên phù hợp với đặc điểm cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Cho đến bây giờ sự tranh luận về tầm quan trọng của việc lựa chọn cấu trúc vốn của doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mặc dù nó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và xét về mặt bản chất, các chuyên gia đang tranh luận về tác động của cấu trúc vốn đến giá trị của doanh nghiệp (nghĩa là sự kết hợp của nợ và vốn chủ sở hữu theo giá trị doanh nghiệp). Các chuyên gia tài chính theo quan điểm cổ điển cho rằng: Tăng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp - ví dụ như: Tăng tỷ trọng nợ trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp lên đến một điểm nào đó - sẽ làm tăng giá trị doanh nghiệp. Nhưng ngoài điểm
đó mà nếu tiếp tục tăng lên trong đòn bẩy có thể làm tăng chi phí kiệt quệ tài chính cũng
như chi phí phá sản của doanh nghiệp, dẫn đến sẽ làm giảm giá trị doanh nghiệp.
Modigliani và cộng sự (1958) đã lập luận rằng: Giá trị doanh nghiệp độc lập với sự lựa chọn của cấu trúc vốn trong “giả định” của thị trường hoàn hảo. Kể từ khi Modigliani và cộng sự công bố điều này, nhiều sự tranh luận tập trung vào tính thực tế của các “giả định”, trong đó bao gồm sự thiếu vắng của các loại thuế, chi phí phá sản, và
một số thiếu sót so với thế giới thực. Do đó, các chuyên gia phản bác cho rằng: Vì sự không hoàn hảo của thị trường, sự lựa chọn cấu trúc vốn của một doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp, từ đó, xuất hiện thêm các lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm bổ sung cho lập luận này.
Theo lý thuyết đánh đổi do Myers (1977), có tồn tại một cấu trúc vốn “tối ưu” mà
tại đó là sự cân bằng lợi ích từ lá chắn thuế và chi phí kiệt quệ tài chính của doanh nghiệp,
từ đó, có thể làm tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp. Lý thuyết này cho rằng: Việc sử dụng nợ nhiều hơn sẽ làm giảm giá trị của doanh nghiệp do tạo ra sự gia tăng xác suất phá sản (chi phí phá sản lớn hơn tiết kiệm thuế). Nếu các doanh nghiệp tiếp tục tăng các khoản nợ thì sẽ phải trả một mức lãi suất cao hơn và có thể làm giảm lợi nhuận sau thuế trong tương lai. Điều này sẽ mang lại những khó khăn tài chính và có thể dẫn đến phá sản. Theo Brealey và cộng sự (1991), lý thuyết đánh đổi cũng giải thích mối quan hệ giữa thuế, nguy cơ phá sản và việc sử dụng các khoản nợ trong cấu trúc vốn của doanh nghiệp và nó cũng chủ ý hướng đến một sự cân bằng giữa những lợi ích và bất lợi trong việc sử dụng nợ.
Bên cạnh đó, theo lý thuyết trật tự phân hạng, được giới thiệu bởi Myers và cộng sự (1984), cho rằng: Sự bất cân xứng thông tin giữa các nhà quản lý và nhà đầu tư tạo ra
một sự ưu tiên trong chính sách tài chính của doanh nghiệp, thường bắt đầu với quỹ nội bộ, tiếp theo là nợ và sau đó là vốn chủ sở hữu gắn liền với chi phí sử dụng vốn tăng dần.
Nợ là một trong những lựa chọn thay thế có lợi hơn so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bởi vì nó sẽ làm giảm chi phí vốn và tăng lợi nhuận cho cổ đông. Cũng theo lý
thuyết này, Myers và cộng sự (1977; 1984) khẳng định rằng: Việc sử dụng nợ sẽ làm tăng giá trị của doanh nghiệp đến một giới hạn nhất định.
Ngoài ra, một lý thuyết khác liên quan đến cấu trúc vốn - lý thuyết thời điểm thị trường. Baker và cộng sự (2002), cho rằng: Doanh nghiệp thay đổi cấu trúc vốn sẽ phụ thuộc vào tín hiệu của thị trường và lý thuyết này cho rằng các doanh nghiệp sẽ phát hành hay mua lại cổ phiếu để điều chỉnh đòn bẩy tài chính do biến động giá cổ phiếu.
Như vậy, các lý thuyết trật tự phân hạng, thời điểm thị trường ngụ ý rằng: Đòn bẩy tài chính không có ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp nên doanh nghiệp không nỗ lực để tạo ra những thay đổi trong đòn bẩy tài chính. Ngược lại, lý thuyết đánh đổi lại cho rằng: Sự không hoàn hảo của thị trường tạo ra một mối liên kết giữa đòn bẩy tài chính và giá trị doanh nghiệp, dựa vào đó các doanh nghiệp thực hiện các bước tích cực để tối đa hóa cấu trúc vốn nhằm tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp. Sự tranh luận về việc có hay không sự tác động đến cấu trúc vốn cho đến nay vẫn còn tiếp diễn cả trên bình diện lý thuyết cũng như thực nghiệm.