1.2.1.1 Tình hình kinh tế - xã hội
Kinh tế và xã hội là hai yếu tố luôn song hành cùng nhau, chi phối mọi ngành nghề, HĐSX. Trong điều kiện xã hội, kinh tế ngày càng hiện đại, phát triển, hướng tới toàn cầu hóa như hiện nay thì thu nhập của các cá nhân ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp được thành lập ngày một nhiều lên không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà còn xuất hiện nhiều các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư từ nước ngoài. Chính vì vậy mà công tác kiểm tra thuế GTGT ngày càng có nhiều khó khăn, phức tạp hơn vì ngoài việc phải tăng cường quản lý, ngăn chặn các hành vi gian lận thuế của các doanh
nghiệp trong nước thì cơ quan thuế còn cần kiểm tra thường xuyên, liên tục các doanh nghiệp FDI để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi trốn thuế, chống thất thu một phần thuế rất lớn cho NSNN. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, kinh tế ngày càng phát triển thì cơ sở trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm tra ngày càng được hiện đại hóa giúp đem lại hiệu quả cao hơn.
1.2.1.2 Các chính sách pháp luật về thuế
Pháp luật được tạo ra để nhằm điều tiết các chủ thể trong xã hội. Một chế độ pháp luật về thuế lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, thiếu sót sẽ tạo ra rất nhiều kẽ hở, tạo ra sự tranh cãi giữa cơ quan thuế và NNT. Các doanh nghiệp sẽ lợi dụng các kẽ hở này để thực hiện các hành vi gian lận, trốn thuế của mình. Vì vậy, một chế độ pháp luật càng chặt chẽ, hoàn thiện, đầy đủ bao nhiêu thì càng tránh được việc tạo ra các kẽ hở, tránh được các hành vi gian lận của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định trong các văn bản pháp luật về việc thực hiện, nguyên tắc, những khía cạnh cần xem xét trong quá trình kiểm tra thuế GTGT được nêu ra một cách rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu sẽ góp phần giúp bộ phận kiểm tra dễ tuân theo, tạo nên sự thống nhất, đồng bộ, thuận lợi trong công tác kiểm tra của cả hệ thống ngành thuế. Chính vì có tác động rất lớn đến công tác kiểm tra nên hệ thống pháp luật về thuế luôn có những thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung để ngày càng chặt chẽ, phù hợp.
1.2.1.3 Trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của NNT
Đây có lẽ là nguyên nhân chính tác động mạnh nhất đến công tác kiểm tra thuế nói chung và kiểm tra thuế GTGT nói riêng của cơ quan thuế. Nếu một xã hội có dân trí cao, các cá nhân đều có hiểu biết các quy định về thuế một cách sâu sắc, rõ ràng thì sẽ dễ dàng tuân thủ, thực hiện theo và chủ động hợp tác với cơ quan thuế trong quá trình kiểm tra. Nếu mỗi người dân vừa có trình độ hiểu biết cao vừa có ý thức chấp hành tốt pháp luật về thuế thì sẽ giúp giảm khối lượng công việc cần kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra. Ngược lại, nếu một chế độ pháp luật dù có đầy đủ, chặt chẽ nhưng NNT không biết, hiểu được các quy định trong đó; hoặc NNT có hiểu, có biết đến nhưng không có ý thức chấp hành, cố tình, không chịu phối hợp với cơ quan thuế thì khối lượng công việc cần kiểm tra sẽ rất nhiều, quá trình kiểm tra sẽ trở nên vất vả, khó khăn hơn.
1.2.1.4 Chế độ đãi ngộ đối với các cán bộ kiểm tra thuế
Chế độ đãi ngộ đối với các cán bộ kiểm tra thuế được thể hiện qua tổng tiền lương, thưởng, các phúc lợi xã hội. Một chế độ đãi ngộ hợp lý, đáp ứng được sự thỏa mãn về vật chất cũng như tinh thần của các cán bộ kiểm tra thuế sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao năng suất làm việc, tạo động lực hoàn thành tốt các công việc được giao. Hơn nữa, một chế độ đãi ngộ tốt còn giúp giảm thiểu được tình trạng tham ô, tham nhũng trong công tác kiểm tra thuế nói riêng cũng như trong cả ngành thuế nói chung. 1.2.1.5 Sự phối hợp của các cơ quan nhà nước có liên quan
Để công tác kiểm tra thuế được tiến hành một cách thuận lợi, xử lý được đúng người đúng tội đặc biệt là các vụ án lớn, có tính chất phức tạp thì CQT cần sự phối hợp, hợp tác tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan như cơ quan công an, cục quản lý thị trường, thanh tra, kiểm toán, kho bạc, ngân hàng... Sự phối hợp giữa CQT với các cơ quan nahfn ước khác có vai trò vô cùng quan trọng trong thu thập, xác minh những thông tin NNT, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, tình hình hoạt động kinh doanh và tình hình tuân thủ, chấp hành theo pháp luật thuế của NNT. Sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác còn giúp xử lý nghiêm minh được các trường hợp vi phạm nghiêm trọng góp phần giúp cho pháp luật được thực thi. Bởi vậy, nếu sự phối hợp tốt thì giúp cho hoạt động kiểm tra thuế được thuận lợi và ngược lại. 1.2.1.6 Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của CQT
Cơ sở vật chất kĩ thuật cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác kiểm tra thuế GTGT. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được trang bị đầy đủ, hiện đại sẽ giúp giảm bớt khối lượng công việc, làm cho quy trình hoạt động, làm việc không còn thủ công, lạc hậu mà trở nên khoa học, nhanh gọn nhưng vẫn đảm bảo được độ chính xác cao. Từ đó giúp nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ kiểm tra thuế và hiệu quả công tác kiểm tra thuế GTGT.