Ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước

Một phần của tài liệu 266 gian lận thương mại tại khu vực biên giới miền trung việt nam một số tình huống nghiên cứu và giải pháp,khoá luận tốt nghiệp (Trang 31 - 32)

Những hậu quả do buôn lậu, gian lận thương mại gây ra đối với nền kinh tế và đối với nền văn hoá xã hội đã dẫn đến những tác hại về mặt chính trị, gây khó khăn cho sự quản lý Nhà nước. Hàng nhập lậu, gian lận trốn thuế làm cho thị trường hỗn loạn, đời sống kinh tế của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, tệ nạn xã hội phát triển; công bằng, văn minh xã hội không được thiết lập; nhà nước thất thu thuế nên không cân đối được thu - chi ngân sách, một số quỹ phúc lợi bảo hiểm xã hội bị giảm sút,...

Buôn lậu và các chủ thể buôn lậu vì những khoản lợi nhuận khổng lồ đã bất chấp pháp luật, bất chấp chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước với những thủ đoạn tinh vi để thu lợi nhuận bất chính. Những khoản lợi nhuận này tạo cho bọn buôn lậu giàu có và ăn chơi sa đoạ, phung phí, trong khi đại bộ phận nhân dân làm ăn chân chính thì sống khó khăn và nghèo khổ. Chính sự bất công đó đã làm nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật, coi thường Nhà nước, kèm theo khủng hoảng cả hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Một trong những hậu quả nữa của buôn lậu gây ra về mặt chính trị là tác hại của nó đối với chủ quyền và an ninh quốc gia. Ngày nay, hoà bình, hợp tác để phát triển đang trở thành xu hướng của thời đại, sức mạnh quân sự đang được thay thế bằng sức mạnh kinh tế. Với ưu thế về kinh tế khoa học, kỹ thuật, các nước tư bản phát triển đã và đang thực hiện chiến lược “biên giới mềm” đẩy thế giới vào cuộc chiến tranh không có khói lửa - chiến tranh kinh tế. Kinh tế thị trường là giải pháp hữu hiệu để tăng trưởng kinh tế, nên các nước chậm phát triển đều có xu hướng phát triển kinh tế thị trường, mở rộng quan hệ với nước ngoài để thu hút vốn và khoa học kỹ thuật tiên tiến. Với chính sách mở cửa thì cuộc chiến tranh giành thị trường nổ ra không kém phần gay go so với các hình thức chiến tranh khác.

Chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa với hình thức xâm lăng mới, đó là “diễn biến hoà bình” và “chiến tranh biên giới mềm”, hàng hoá đến đâu là biên giới đến đó - dần dần các nước chậm phát triển từng bước phụ thuộc vào kinh tế và cuối cùng phải phụ thuộc vào chính trị. Trên thực tế, biên giới nhiều quốc gia vẫn còn nguyên vẹn, bộ máy nhà nước vẫn do những cán bộ trong nước điều hành, nhưng thực chất độc lập, chủ quyền lãnh thổ bị mất. Vì vậy, bảo vệ an ninh biên giới không chỉ là việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà thực chất là bảo vệ các tiềm năng - yếu tố cơ bản của phát triển kinh tế. Bảo vệ an ninh quốc gia góp phần bảo vệ vững chắc nguồn nhân lực, vật lực, tài lực là phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế và sự vững chắc của chế độ chính trị.

Một phần của tài liệu 266 gian lận thương mại tại khu vực biên giới miền trung việt nam một số tình huống nghiên cứu và giải pháp,khoá luận tốt nghiệp (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(86 trang)
w