Sự tích lũy, học hỏi từ môi trường bên ngoài: hệ thống giá trị văn hóa doanh nghiệp được tích lũy, hình thành một cách vô thức hoặc có chủ ý từ các thành viên trong doanh nghiệp dưới sự quản trị của nhà lãnh đạo hoặc người phụ trách quản trị văn hóa doanh nghiệp. Điều đó sẽ có ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến doanh nghiệp và được hình thành thông qua:
- Kinh nghiệm tập thể của doanh nghiệp: khi xử lý vấn đề chung như kinh nghiệm giao dịch với khách hàng, giao lưu với nhau qua các hoạt động sinh hoạt tập thể, đào tạo… sẽ hình thành kinh nghiệm tập thể của doanh nghiệp.
- Học hỏi từ các doanh nghiệp khác: đây là kết quả của quá trình nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, chương trình giao lưu với các doanh nghiệp cùng ngành, khác ngành…
- Tích lũy từ quá trình giao lưu với các nền văn hóa khác: điều này phổ biến ở các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có nhân viên được giao lưu, học tập tại các môi trường nước ngoài.
Xu hướng, trào lưu xã hội: văn hóa doanh nghiệp cần được thay đổi để phù hợp với những thay đổi của xã hội để không bị lạc hậu, lạc long với xã hội chung và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Văn hóa vùng miền: đặc điểm văn hóa vùng miền cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nền văn hóa doanh nghiệp. Việt Nam chia thành 2 miền Bắc, Trung, Nam, tương ứng với các biểu hiện văn hóa khác nhau, doanh nghiệp hoạt động ở vùng miền nào sẽ phần lớn mang nét phong cách văn hóa vùng miền đó.
…
Trong các yếu tố trên, người lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất tới văn hóa doanh nghiệp. Nếu ví doanh nghiệp như con thuyền thì người lãnh đạo chính là thuyền trưởng để chèo lái con thuyền. Lãnh đạo có vai trò rất lớn trong việc xây dựng tầm nhìn, phát triển những giá trị gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp, đó chính là văn hóa doanh nghiệp.
Tiểu kết chương 1:
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố được ra đời cùng với việc thành lập doanh nghiệp. Vấn đề là lãnh đạo và các thành viên của tổ chức doanh nghiệp đó nhìn nhận về văn hóa doanh nghiệp của mình như thế nào, họ có nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, để từ đó có chính sách đầu tư đúng mức cho công tác xây dựng, duy trì, quản trị, biến văn hóa doanh nghiệp thành xương sống cho mọi hoạt động kinh doanh.
Nhận thức được vai trò của văn hóa doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để có một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh, tích cực thì không phải doanh nghiệp nào cũng có cái nhìn đúng đắn và làm được thành công. Nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít có sự quan tâm, đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp, trong đó có CREATIO. Tiếp thu những nghiên cứu trong nước và thế giới cùng sự học hỏi thành công xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các đơn vị truyền thông lớn trong nước, mong muốn góp phần vào việc nêu ra, nhấn mạnh vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tác giả đã lên khung lý thuyết phù hợp với đặc điểm CREATIO và đi theo hướng nghiên cứu được đề xuất ở chương 2 dưới đây.
CHƯƠNG 2: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU