5. Kết cấu của luận văn
4.2.2. Nhóm giải pháp quản lý chi ngân sách nhà nước
4.2.2.1. Nâng cao hiệu quả quản lý chi đầu tư phát triển
Nâng cao hiệu quả quản lý chi đầu tư là yêu cầu cấp bách trong điều kiện hiện nay. Để nâng cao hiệu quả quản lý chi đầu tư cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, việc xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm phải tuân thủ chặt chẽ những quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng. Việc bố trí danh mục dự án chuẩn bị đầu tư, dự án quy hoạch, chuẩn bị thực hiện, thực hiện đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện để được ghi vốn; cơ cấu vốn đầu tư phải đảm bảo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, không bố trí dàn trải, bố trí vượt quá khả năng cân đối của ngân sách, các công trình nhóm C phải bố trí vốn để đảm bảo thực hiện trong 2 năm. Ưu tiên bố trí vốn các công trình chuyển tiếp, các công trình đã được phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn.
Thứ hai, cần tập trung rà soát đánh giá hiệu quả đầu tư ở giai đoạn vừa qua, nhất là đánh giá các công trình thuộc các chương trình KT-XH của tỉnh Phú Thọ như: chương trình giao thông nông thôn, Chương trình kiên cố hóa kênh mương, kiên cố hóa trường học, việc thực hiện đề án tăng cường cơ sở vật chất cho các trường tiểu học dạy ngày 2 buổi…Từ đó khắc phục những tồn tại, loại bỏ những dự án, công trình xét thấy đầu tư không hiệu quả để tránh lãng phí.
Thứ ba, tập trung chấn chỉnh và nâng cao chất lượng các đơn vị thực hiện công tác tư vấn trong tất cả các khâu: lập dự án, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập thiết kế dự toán, thẩm định, giám sát kỹ thuật thi công; đơn vị tư vấn nào không đảm bảo chất lượng từ 2 công trình trở lên thì thực hiện đưa vào danh sách khuyến cáo các chủ đầu tư không ký hợp đồng; đối với các nhà thầu thi công xây lắp thi công không đảm bảo tiến độ, chất lượng từ 2 công trình trở lên thì thực hiện xử lý theo Nghị quyết 13/NQ/TU ngày 16/10/2009 của Tỉnh ủy.
Thứ tư, nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt dự án. Để tránh lãng phí trong đầu tư khâu đầu tiên cần phải chú ý đó là xác định chính xác nhu cầu đầu tư, các chủ đầu tư cần xác định rõ nội dung, mục tiêu, quy mô đầu tư để tránh tình trạng gặp vướng mắc khi triển khai, kéo dài thời gian, gây lãng phí, muốn vậy phải nâng cao năng lực của người đề xuất đầu tư, cơ quan thẩm định đề xuất đó và người quyết định đầu tư.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong thủ tục đầu tư, ban hành quy trình công tác của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Phú Thọ như Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Kho bạc nhà nước về công tác thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, công tác đấu thầu, chỉ định thầu, công tác kiểm soát thanh toán, công tác quyết toán. Trong đó vấn đề các chủ đầu tư quan tâm nhất là việc quy định và niêm yết công khai các loại hồ sơ, chứng từ mà các chủ đầu tư cần phải có khi giao dịch và thời gian giải quyết các công việc đó.
Thứ sáu, chấp hành nghiêm túc luật đấu thầu đã được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đối với các công trình có giá trị xây lắp trên một tỷ đồng cần thực hiện đấu thầu rộng rãi. Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, trong công tác đấu thầu phải thể hiện được nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, xử lý nghiêm các trường hợp thông thầu. Nâng cao chất lượng công tác xét thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi của KBNN thông qua việc kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ thanh toán của chủ đầu tư, tuân thủ các chế độ, định mức chi phí của nhà nước đã quy định cho các loại chi phí trong xây dựng, trong đó đặc biệt chú ý là việc thanh toán chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí xây lắp và
các chi phí khác, cần lưu ý tính chính xác của số liệu cấp phát thanh toán để tránh tình trạng phải thu hồi khi duyệt quyết toán. Tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư của cơ quan tài chính, kiên quyết đưa ra khỏi giá trị quyết toán những khoản chi không đúng chế độ quy định, không đảm bảo hồ sơ thủ tục.
Thứ tám, thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra đối với công tác đầu tư và xây dựng để kịp thời phát hiện sai phạm, cần tham mưu người có thẩm quyền xử lý kiên quyết những sai phạm qua thanh tra, kiểm tra, tiến hành thu hồi nộp vào ngân sách các khoản tiền vi phạm.
Thứ chín, thực hiện nghiêm túc việc công khai trên lĩnh vực XDCB theo quy định, trong đó cần chú ý hình thức và nội dung công khai, nhất là việc công khai các công trình có vận động nhân dân đóng góp ở các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát của các Đoàn thể cũng như nhân dân trong việc thực hiện các công trình XDCB trên địa bàn.
Thứ mười, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư là nhiệm vụ quan trọng được quy định tại Nghị định 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003, Chỉ thị số 29/2003/CT-CP của Thủ tướng chính phủ nhưng chưa được thực hiện tốt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, do nhận thức chưa đầy đủ của các chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, thời gian tới cần phải thực hiện tốt công tác này, đưa vào nề nếp chế độ báo cáo, xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện. Làm tốt công tác này sẽ góp phần giải quyết tốt các vướng mắc xảy ra trong quá trình đầu tư, phát hiện, xử lý các sai phạm trong đầu tư. Tăng cường công tác giám sát cộng đồng theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình và xâm hại đến lợi ích cộng đồng.
Thứ mười một, thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Muốn vậy các Ban quản lý dự án cần bố trí các cán bộ nắm vững các chế độ chính sách về công tác đền bù giải tỏa làm công tác này, công khai lấy ý kiến nhân dân vùng dự
án về phương án đền bù, niêm yết công khai hồ sơ thủ tục đền bù, chính sách, giá cả đền bù. Các ban ngành đoàn thể cùng làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân không khoán trắng, coi đây đơn thuần chỉ là việc của các ban quản lý dự án.
4.2.2.2. Đổi mới quản lý chi thường xuyên
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác lập, quyết định và phân bổ dự toán ngân sách của các đơn vị thụ hưởng ngân sách, cơ quan tài chính, HĐND và UBND tỉnh. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Trong điều kiện phân cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách hiện còn chưa hợp lý thì vấn đề đặt ra là làm sao phân bổ được tối ưu các nguồn lực tài chính được phân cấp này. Cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên của ngân sách một cách hợp lý nhất có thể.
Thứ hai,tỉnh Phú Thọ cần phải tiến hành soát xét lại hệ thống các định mức sử dụng ngân sách hiện hành, kiến nghị Chính Phủ và Bộ Tài chính xóa bỏ những văn bản chế độ đã lỗi thời không phù hợp với thực tế, ban hành các định mức, chế độ tài chính mới. Các đơn vị, các ngành trên địa bàn thuộc tỉnh Phú Thọ quản lý không được tự ý đặt ra các chế độ định mức chi tiêu cho riêng mình mà phải chấp hành và phục tùng tuyệt đối theo chế độ định mức của Nhà nước ban hành. Việc xác định các định mức chi thường xuyên bao gồm các khoản cần phải được định rõ mức chi tiêu. Định mức chi tiêu này đòi hỏi tỉnh Phú Thọ phải dựa trên cơ sở mức chi tiêu của tỉnh Phú Thọ và của Nhà nước để từ đó xây dựng mức chi tiêu phù hợp với đặc điểm bộ máy tổ chức hành chính trên địa bàn.
Thứ ba, thay đổi phương thức thực hiện, quản lý đối với một số khoản chi thường xuyên lớn, cụ thể là đối với khoản chi SNKT. Đây là khoản chi chiếm tỷ trọng lớn trong chi thường xuyên, cần thay đổi theo hướng sau:
Chi sự nghiệp giao thông: đơn giản thủ tục đối với khoản chi duy tu, bão dưỡng đường giao thông, tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh đối với việc cung cấp lắp đặt biển báo giao thông, biển tên đường, sơn vạch kẻ đường.
Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định của luật phòng chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản dưới luật, đặc biệt là tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí do UBND tỉnh Phú Thọ ban hành. Phải tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức đi đến hành động của từng đơn vị, từng cán bộ công chức của tỉnh Phú
Thọ trong công tác này, đây là một việc khó, nên tránh việc tuyên truyền vận động suông mà phải đi vào thực chất. Trước mắt thực hiện tiết giảm ngay các khoản chi hành chính chưa cần thiết còn mang tính phô trương, hình thức như chi cho tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, ngày thành lập ngành, chi liên hoan gặp mặt cuối năm, chi tiếp khách, tham quan... Thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị phương tiện làm việc trong các cơ quan hành chính, tỉnh Phú Thọ cần nghiên cứu ban hành quy định liên quan đến lĩnh vực này nhằm tăng cường phân cấp cho các đơn vị đi đôi với tăng cường trách nhiệm. Nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản chi thường xuyên của NSNN, sử dụng tài sản công. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên của Ngân sách. Đồng thời có qui định nếu lãnh đạo tổ chức nào sử dụng sai mục đích lãng phí tiêu cực thì phải bị xử lý một cách đúng mức từ xử phạt hành chính đến truy tố trước pháp luật. tỉnh Phú Thọ hàng năm phải tổng kết hiệu quả các khoản chi thường xuyên để có biện pháp sửa đổi và xây dựng mô hình cách quản lý chi thường xuyên có hiệu quả.
Thứ năm, triển khai thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về “Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước” đối với tất cả các đơn vị trực thuộc tỉnh, kể cả các đơn vị thuộc khối Đảng, Đoàn thể. Việc thực hiện thí điểm khoán chi hành chính theo Quyết định 192/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thời gian qua đã cho thấy tính đúng đắn của chủ trương này. Thời gian tới cần triển khai thực hiện đến tất cả các đơn vị hành chính của huyện. Để thực hiện tốt Nghị định 130/NĐ-CP của Chính phủ cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau: - Tăng cường công tác tuyên truyền quán triệt trong cán bộ, công chức các cơ quan hành chính, cơ quan Đảng, Đoàn thể, các tổ chức CT-XH các nội dung cơ bản của chủ trương này, làm cho họ nhận thức rõ những lợi ích do thực hiện khoán mang lại, tránh nhiệm nhận thức đơn thuần khoán kinh phí chỉ là để tăng thu nhập. Từ đó các đơn vị chủ động bàn bạc, thảo luận, xây dựng các giải pháp để tổ chức thực hiện.
- Kiến nghị chính phủ tiếp tục ban hành hệ thống các văn bản hoàn thiện cơ chế khoán biên chế và khoán chi hành chính này cũng như ban hành các văn bản quy định các tiêu chí để đánh giá, lượng hóa mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các
đơn vị nhận khoán. Đây là căn cứ để các đơn vị này xây dựng các định mức công việc nội bộ phục vụ cho việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
- Bộ Tài chính cần có các văn bản hướng dẫn việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ tương đối cụ thể, thuận lợi cho các đơn vị khi triển khai thực hiện. Sở Tài chính căn cứ vào quy định trên, hướng dẫn thêm một số nội dung phù hợp với điều kiện của tỉnh Phú Thọ để thực hiện.
- Chính phủ cần ban hành văn bản điều chỉnh một số định mức chi tiêu đã lạc hậu như chế độ nghỉ phép, công tác phí, chế độ đi học …; nghiên cứu tăng định mức chi hành chính do thực tế là đã qua nhiều lần thực hiện cải cách tiền lương nhưng định mức chi hành chính tăng không đáng kể cũng như có thực tế là hiện nay tại các đơn vị hành chính ngoài số biên chế được giao còn một số lượng cán bộ hợp đồng ngoài định biên (không được bố trí ngân sách khi khoán) nên thực tế kinh phí tiết kiệm được để tăng thu nhập còn ít, chưa tạo động lực để thực hiện khoán.
- Tăng cường thực hiện chương trình cải cách hành chính của tỉnh, rà soát sắp xếp lại bộ máy QLNN của tỉnh Phú Thọ theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ trung gian để nâng cao hiệu lực quản lý, thuận lợi khi thực hiện khoán.
- Có kế hoạch tiến hành đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ tỉnh Phú Thọ theo chương trình đào tạo cán bộ của Tỉnh ủy Phú Thọ đến năm 2020, đảm bảo có một đội ngũ cán bộ đủ điều kiện về năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ sáu, triển khai việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nghị định 43/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mới chỉ triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Các đơn vị đã chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, thu nhập cán bộ viên chức được tăng lên đáng kể so với trước. Để thực hiện tốt nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp sau: - Triển khai thực hiện nghị định 43/2006/NĐ-CP đến tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. Trong đó cần phân định rõ: các đơn vị đảm bảo chi phí hoạt động, đơn vị đảm bảo một phần và đơn vị được NSNN đảm bảo kinh phí.
- Tăng cường công tác tuyên truyền cho cán bộ, viên chức các đơn vị sự nghiệp để hiểu rõ mục đích ý nghĩa của cơ chế tự chủ tài chính để tự giác thực hiện, tạo bước chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị này.
- Cần sớm ban hành hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với thực tế để làm căn cứ thực hiện cơ chế tự chủ.
4.2.2.3. Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý tài chính ngân sách
- Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, rà soát chức năng nhiệm vụ của Sở Tài chính để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính trong giai đọan mới, thực hiện có hiệu quả các khoản chi ngân sách thuộc quyền quản lý.