Về tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh luang pranang, cộng hòa dân chủ nhân dân lào trong xu thế hội nhập quốc tế (Trang 31 - 35)

6. Cấu trúc của luận văn

1.1.2. Về tài nguyên du lịch

1.1.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm các đối tượng, hiện tượng tự nhiên và mối liên hệ giữa chúng được lôi cuốn vào để phục vụ cho mục đích du lịch. Các yếu tố tự nhiên bao gồm: địa hình, nguồn nước, khí hậu, sinh vật là các yếu tố có ảnh hưởng nhất đến hoạt động du lịch.

a. Địa hình: Địa hình miền núi là dạng địa hình có ý nghĩa quan trọng với du lịch bởi tính đa dạng, có nhiều cảnh quan khác thường hấp dẫn du khách. Nơi đây cũng tập trung giới động thực vật phong phú, nhiều hệ sinh thái độc đáo, thích hợp để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi mạo hiểm...

Các đơn vị hình thái chính của địa hình là đồi núi và đồng bằng, chúng được phân biệt bằng độ cao địa hình. Các dạng địa hình đặc biệt bao gồm kiểu địa hình Karst và kiểu địa hình ven biển có giá trị lớn trong khai thác du lịch. Địa hình Karst được tạo thành do sự lưu thông của nước trong các đá dễ hòa tan (đá vôi, thạch cao...). Kiểu Karst hấp dẫn du khách nhất là các hang động karst.

Địa hình ven bờ các kho chứa nước lớn (đại dương, biển, sông, hồ) có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch. Địa hình này có thể tận dụng khai thác du lịch với nhiều mục đích khác nhau, từ tham quan du lịch theo chuyên đề khoa học, nghỉ ngơi an dưỡng, tắm biển, thể thao dưới nước...

b. Khí hậu: Khí hậu cũng được coi là một dạng tài nguyên du lịch. Có hai chỉ tiêu khí hậu cần lưu ý là: nhiệt độ không khí và độ ẩm không khí. Ngoài ra phải tính đến các yếu tố khác như áp suất khí quyển, gió, ánh nắng mặt trời, lượng mưa... Đặc biệt cần chú ý đến các hiện tượng thời tiết đặc biệt có thể làm cản trở chuyến du lịch như bão, lũ, sóng thần...Khí hậu ảnh hưởng đến tính mùa vụ du lịch. Dựa vào khí hậu, có thể xác định mùa du lịch: mùa du lịch cả năm, mùa đông và mùa hè. Như vậy, dựa vào đặc điểm về khí hậu có thể định hướng được việc tổ chức kinh doanh du lịch, xác định kế hoạch hành trình chuyến đi và sản phẩm du lịch.

c. Thủy văn: Tài nguyên thủy văn bao gồm nước trên mặt và nước ngầm, nước khoáng đều có thể phục vụ mục đích du lịch. Nước trên mặt bao gồm các biển, sông, hồ... có ý nghĩa lớn với du lịch. Không chỉ cung cấp nước sinh hoạt mà nó còn tạo ra môi trường cho các hoạt động du lịch biển, du lịch sông nước. Nước ngầm ít có giá trị với du lịch, chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tại điểm đến của du khách.

Trong tài nguyên nước không thể không nói đến nước khoáng là nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu chữa bệnh, nghỉ dưỡng của khách du lịch. Nước khoáng có thành phần hóa học đặc biệt và các tính chất lý học có tác dụng đối với sức khỏe con người. Tài nguyên thủy văn còn gián tiếp ảnh hưởng đến du lịch thông qua tác động đến các thành phần khác của môi trường sống, đặc biệt là khí hậu ở quanh các bồn chứa nước lớn.

d. Sinh vật: Do nhu cầu và thị hiếu du lịch gần đây đã thay đổi, con người sau những mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống đô thị muốn quay về hòa mình vào thiên nhiên. Các sinh vật bao gồm động vật và thực vật trong các hệ sinh thái đa dạng và phong phú là một loại tài nguyên thích hợp phục vụ cho du lịch sinh thái, du lịch dã

ngoại tự nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch nghiên cứu tự nhiên...Tuy nhiên không phải mọi loại tài nguyên động, thực vật đều được khai thác phục vụ du lịch. Đối với mỗi loại du lịch đều có những tiêu chí nhất định về sinh vật, hệ sinh thái...

e. Di sản thiên nhiên thế giới: Mỗi địa điểm tự nhiên muốn được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới phải đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn của ủy ban về Di sản thế giới. Mỗi địa điểm tự nhiên phải được đánh giá có đối chiếu, nghĩa là phải được so sánh với những địa điểm khác cùng loại, cả ở trong lẫn ngoài nước, thuộc cùng một vùng địa lý sinh vật hay trên cùng đường di trú.

1.1.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

Tài nguyên du lịch nhân văn do con người tạo ra, hay nói cách khác, nó là đối tượng và hiện tượng được tạo ra một cách nhân tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tài nguyên du lịch nhân tạo có những đặc điểm khác biệt nhiều so với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên.

a. Di tích lịch sử - văn hóa: Các di tích lịch sử - vàn hóa là tài sản quý giá của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, mỗi đất nước và của cả nhân loại. Nó là bằng chứng trung thành, xác thực, cụ thể nhất về đặc điểm văn hóa của mỗi nước, chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp nhất của truyền thống, tinh hoa trí tuệ, tài năng, giá trị văn hóa nghệ thuật của quốc gia. Đó chính là bộ mặt quá khứ của mỗi dân tộc, mỗi đất nước.

Di tích lịch sử - văn hóa là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị điển hình về lịch sử, văn hóa do tập thể hoặc cá nhân con người sáng tạo ra trong lịch sử để lại. Di tích lịch sử - văn hóa bao gồm: di tích lịch sử, di tích văn hóa khảo cổ, di tích văn hóa nghệ thuật, các di tích ở những nơi có danh lam thắng cảnh...

b. Lễ hội: Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp hết sức đa dạng và phong phú, là một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian lao động mệt nhọc, hoặc là một dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại: ngưỡng mộ tổ tiên, ôn lại truyền thống, hoặc là để giải quyết những nỗi lo âu, những khao khát, ước mơ mà cuộc sống thực tại chưa giải quyết được.

Đánh giá ý nghĩa của lễ hội phục vụ mục đích du lịch cần chú ý đến các chỉ tiêu như: thời gian diễn ra lễ hội và quy mô của lễ hội. Ở nước Lào, đa số các lễ hội đều diễn ra vào mùa Đông.

c. Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học

Mỗi dân tộc có những điều kiện sinh sống, đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất mang sắc thái riêng của mình trên địa bàn cư trú nhất định. Những đặc thù của từng dân tộc có sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch. Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học có giá trị với du lịch là các tập tục lạ về cư trú, về tổ chức xã hội, về thói quen ăn uống sinh hoạt, về kiến trúc cổ, các nét truyền thống trong quy hoạch cư trú và xây dựng, trang phục dân tộc...

d. Làng nghề thủ công truyền thống

Làng nghề truyền thống là làng nghề cổ truyền được hình thành từ lâu đời, tồn tại và phát triển đến ngày nay. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao thoa và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của mỗi dân tộc. Các làng nghề truyền thống chính là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn, bởi các sản phẩm du lịch làng nghề luôn bao gồm trong đó cả nội dung giá trị vật chất (hàng lưu niệm) và giá trị phi vật thể (kỹ năng làm nghề, cảm nhận văn hóa nghệ thuật...)

e. Các đối tượng văn hóa - thể thao và các hoạt động nhận thức

Ngoài các tài nguyên du lịch nhân văn kể trên, du lịch còn có thể khai thác nhiều yếu tố nhân tạo đa dạng và phong phú để phục vụ du khách:

Các đối tượng văn hóa - thể thao: trung tâm khoa học, các trường đại học, thư viện lớn, các bảo tàng, nhà hát...

Các sự kiện văn hóa - thể thao như: triển lãm mỹ thuật, sự kiện thể thao trong nước và quốc tế...

Có thể thấy, tài nguyên du lịch là một thành tố vô cùng quan trọng của hệ thống tổ chức lãnh thổ du lịch. Nó là điều kiện phát triển du lịch. Do vậy cần có sự khai thác tài nguyên hợp lý đi đôi với bảo vệ, khôi phục và tôn tạo các tài nguyên du lịch.

g. Di sản văn hóa thế giới

Việc một di sản quốc gia được công nhận, tôn vinh là di sản thế giới mang lại nhiều ý nghĩa. Tầm vóc giá trị của di sản đó được nâng cao trong mối quan hệ có tính toàn cầu. Các giá trị văn hóa, thẩm mỹ cũng như các ý nghĩa kinh tế, chính trị vượt khỏi phạm vi một nước. Khả năng thu hút khách du lịch và phát triển dịch vụ sẽ mạnh mẽ hơn nhiều.

h. Di tích quốc gia đặc biệt

Đây là những di tích quốc gia được Chính phủ quyết định xếp hạng đặc biệt có giá trị quan trọng về lịch sử, văn hóa. Các di tích này không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, xã hội mà còn là nguồn tài nguyên du lịch quý giá. Địa phương có di tích quốc gia đặc biệt sẽ có cơ hội lớn để du lịch phát triển. Trong số đó, có nhiều di tích, bên cạnh giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử còn là nơi có cảnh đẹp tự nhiên - điều này làm tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch, như danh lam thắng cảnh …

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh luang pranang, cộng hòa dân chủ nhân dân lào trong xu thế hội nhập quốc tế (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)