Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng – Nghiên cứu trường hợp làng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh bắc ninh trong thời kì hội nhập (Trang 85 - 87)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng – Nghiên cứu trường hợp làng

làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh)

Xu thế toàn cầu hóa giúp con người giao lưu, trao đổi với nhau nhiều hơn cả về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, người dân trên thế giới có xu hướng tìm kiếm đến những vùng đất xa xôi nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc trưng cho các vùng địa lí. Từ đó làm nảy sinh nhiều loại hình DL mới trong đó có DL cộng đồng.

Bắc Ninh có nguồn TNDL nhân văn đa dạng và phong phú. Đây chính là cơ sở quan trọng để đa dạng các sản phẩm DL và phát triển nhiều loại hình

DL khác nhau. Trong đó, hình thức DL cộng đồng ngày càng được nhiều du khách lựa chọn trong các tour DL đến Bắc Ninh. Làng Diềm là tên nôm của làng Viêm Xá (xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) là một trong ba mô hình DL cộng đồng được nhiều KDL lựa chọn khi đến Bắc Ninh.

Tháng 07/2010, Sở văn hóa, thẻ thao và du lịch Bắc Ninh khởi động dự án DL cộng đồng với sự phối hợp của tổ chức Quỹ châu Á cùng Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. Sau 02 năm triển khai thực nghiệm mô hình DL cộng đồng ở làng Diềm đã giúp người dân địa phương có nhận thức rõ hơn về hoạt động DL. Hiện nay, người dân đã từng bước tham gia và được hưởng lợi từ hoạt động DL cộng đồng. Qua kết quả điều tra của tác giả: 47,5 % người dân chưa có được nguồn thu nhập từ hoạt động DL; 37,5% có mức thu nhập nhỏ hơn 500 nghìn đồng/ tháng; 11,3 % có mức thu nhập từ 500 nghìn đến hơn 1,0 triệu đồng/ tháng; 3,7 % có mức thu nhập từ 1,0 triệu đến 2,0 triệu đồng/ tháng. Mức thu nhập tuy còn thấp nhưng đã tạo thêm hứng thú cho người dân khi tham gia làm DL. Đến năm 2015 thì mô hình DL cộng đồng làng Diềm đã có bước phát triển mới với sự gia tăng nhanh về KDL và doanh thu đạt trung bình 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Nét độc đáo của DL cộng đồng làng Diềm đó là du khách không chỉ được nghe hát Quan họ mà còn được trực tiếp tham gia hát Quan họ với những liền anh, liền chị; tham quan trải nghiệm việc trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ ở các hộ gia đình; làm bánh khúc, học cánh têm trầu cánh phượng, …. Nếu có nhu cầu KDL có thể thưởng thức những món ăn dân dã, mang nét đặc trưng của địa phương: Cơm Quan họ, bánh khúc, chè đỗ đãi hoặc mua những món đồ lưu niệm rất độc đáo như: Tranh thêu Quan họ, nón ba tầm, trang phục Quan họ, … Điều này đã tạo được hứng thú cho KDL khi về với miền quê “sơn thủy hữu tình”, nơi đầy ắp những làn điệu dân ca Quan họ đằm thắm, trữ tình và cụm di tích lịch sử - văn hóa độc đáo. Đến năm 2015, Ban quản lý DL đã đón tiếp trên 100 lượt đoàn khách tham quan DL, nghiên cứu khoa học với tổng số khách

hàng nghìn người, đem lại tổng doanh thu khoảng 180 triệu đồng; được du khách đánh giá tốt và có mong muốn được trở lại [18], [26], [Phụ lục 11].

Có thể nói, chủ trương phát triển làng DL cộng đồng đã góp phần quảng bá hình ảnh DL của làng Diềm nói riêng và Bắc Ninh nói chung. Việc xây dựng làng DL cộng đồng đã đem lại sự đổi thay theo hướng tích cực đối với nhận thức của cán bộ và người dân về DL. Người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc phát triển DL cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ TNDL được hình thành và củng cố.

Tuy nhiên, việc phát triển DL cộng đồng ở làng Diềm vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần giải quyết. Đó là, sự hạn chế về nguồn vốn đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển dịch vụ phục vụ DL, sản xuất đồ lưu niệm, tính mùa vụ của DL (phần lớn KDL tập trung từ tháng 11 đến tháng 3 (âm lịch), chiếm khoảng 70% lượng KDL trong năm). Mặt khác, các tiểu ban phục vụ DL vẫn còn yếu về kiến thức và kỹ năng phục vụ KDL, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên. Đây cũng là khó khăn chung đối với mô hình DL cộng đồng ở làng Phù Lãng (xã Phù Lãng, Quế Võ) và chùa Bút Tháp/ làng tương Đình Tổ (xã Đình Tổ, Thuận Thành). Vì thế để phát triển DL cộng đồng đạt hiệu quả cao và bền vững cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa về mọi mặt, sự tham gia tích cực của người dân địa phương cũng như sự phối hợp giúp đỡ của sở văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh cùng các tổ chức khác.

2.2.4. Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển du lịch ở tỉnh Bắc Ninh trong thời kì hội nhập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh bắc ninh trong thời kì hội nhập (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)