1.7.2. Nguồn gốc, phân bố
Bạch chỉ được nhập nội từ Trung Quốc vào Việt Nam sau 1960, từ năm 1970 Bạch chỉ được trồng phổ biến ở Việt Nam. [7]
Các vùng trồng để sản xuất dược liệu chủ yếu ở đồng bằng từ Nghệ An trở ra các tỉnh phía Bắc và đều đảm bảo được tiêu chuẩn và chất lượng dược liệu.
1.7.3. Đặc điểm sinh học, sinh thái
Bạch chỉ là cây thân thảo, sống nhiều năm, rễ thô to mọc thẳng, có lúc chia làm nhiều nhánh. Thân to, tròn cao 1-2m, rỗng. Cuống lá dài, bẹ to bọc lấy thân, lá chia 2 đến 3 thùy. Lá đơn hình trứng có cuống dài, mép có răng cưa. Hoa hình tự tán kép, mọc ở ngọn cây hay nách lá. Mỗi hoa tự hình tán có nhiều hoa nhỏ, không có tổng bao, 5 cánh hoa, 5 nhị đực mọc so le với cánh hoa. Bầu hạ hai ngăn, 2 vòi hoa. Quả dẹt, hình bầu dục hoặc hơi tròn có 5 cạnh, cạnh hai bên chia ra giống nhau như hai cánh bướm. Mỗi hạt có 6 ống tinh dầu.
Mùa ra hoa tháng 5-6, quả từ tháng 7. [3,10]
Bạch chỉ là cây dễ trồng không yêu cầu khí hậu khắt khe, những nơi khí hậu ôn hoà, đầy đủ ánh sáng đều trồng được. Cây có thể sinh trưởng tốt ở các vùng sinh thái khí hậu khác nhau của miền bắc Việt Nam, từ đồng bằng đến núi cao. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 18oC-22oC, dưới 14oC cây phát triển kém. Lượng mưa 1.185,5mm, ẩm độ tương đối 81%. [3,10]
1.7.4. Sản lượng cây
Khi khí hậu thuận lợi trung bình mỗi năm sản lượng mỗi sào khoảng 2- 2,2 tạ khô/năm. Nhưng nếu khí hậu không thuận lợi thì sản lượng mỗi sào chỉ khoảng 1,7-1,8 tạ. Sản lượng của bạch chỉ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khí hậu, điều kiện nuôi trồng như: mật độ cây, dinh dưỡng, pH, hàm lượng nước…
1.7.5. Hoạt tính sinh học (Tác dụng dược lý)
Theo Y học cổ truyền [3,10]
+ Bạch chỉ có vị cay, tính ôn, qui vào các kinh phế, vị và đại tràng. Có tác dụng khử phong, chỉ thống, hoạt huyết, bài nùng, sinh cơ.
+ Bạch chỉ làm thuốc giảm đau, hạ sốt, có thể dùng phối hợp hay riêng rẽ (viên bạch đại căn, bột khung chỉ).
+ Bạch chỉ còn để dùng chữa cảm mạo, đau đầu, đau răng, đau kinh, mụn nhọt mưng mủ, viêm tuyến vú…
Theo Y học hiện đại [3,10]
+ Tác dụng kháng khuẩn: Bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các loại Shigella và Salmonella (Trung Dược Học). Bằng phương pháp khuyếch tán trên môi trường nuôi cấy vi khuẩn, nước sắc và cao chiết từ bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng phế cầu (Diplococcus
pneumoniae), liên cầu (Streptococus hemoleticus), tụ cầu vàng (Staphylococus aureus), Bacillus subtilis, Shigella sonnei, Shigella flexneri,
Shigella shiga, Shigella dysenteriae, Enterococus, Vibrio cholerae và Bacillus typhi. (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược). Ngoài ra, nó còn có tác dụng kháng Virus (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
+ Tác dụng giảm đau: Trên mô hình gây quặn đau bằng cách tiêm xoang bụng dung dịch Acid Acetic 6% cho chuột nhắt trắng, bạch chỉ với liều lượng 10g/kg, có tác dụng giảm đau rõ rệt; Làm giảm đau đầu do cảm cúm, đau đầu sau đẻ, đau lợi răng, đau thần kinh mặt (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh: Với liều lượng nhỏ Angelicotoxin có tác dụng hưng phấn trung khu vận động huyết quản, vận mạch, tủy sống, trung khu hô hấp và dây thần kinh phế vị làm tăng huyết áp, mạch chậm, hô hấp hưng phấn, các phản xạ được tăng cường, ngoài ra việc kích thích tiết nước bọt. Tuy nhiên dung với liều lớn dẫn tới co giật, tê liệt toàn thân (Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược).
+ Kháng khuẩn lao: Thuốc sản xuất từ bạch chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn lao ở người rõ rệt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+ Dùng trong nhãn khoa: Loại Pommade từ Bạch chỉ có tác dụng tăng khả năng trị liệu và tránh được loét giác mạc do bỏng ánh sáng (Trung Dược Học).
+ Tác dụng chống viêm: Với mô hình gây viêm thực nghiệm bằng Kaolin trên chuột cống trắng, bạch chỉ với liều lượng 10g/kg có tác dụng chống viêm.
+ Dùng trong tai mũi họng: Bột làm từ bạch chỉ và băng phiến, hít vào lỗ mũi điều trị đau đầu, đau răng, đau thần kinh sinh ba (Trung Dược Học).
Một số bài thuốc có dùng bạch chỉ
+ Chữa mụn nhọt, mưng mủ: bạch chỉ, đương quy, tạo giác, mỗi thứ 7g. Sắc uống.
+ Chữa viêm tuyến vú giai đoạn đầu: bạch chỉ, thổ bối mãu, mỗi thứ 7g. Sắc uống.
1.7.6. Thành phần hóa học
Bạch chỉ chứa tinh dầu trong tinh dầu có các thành phần: α-pinen, β- pinen, camphen, myrcen, α-phelandren, α-terpinen, terpinolen, caryophylen, ligustilid...và các hợp chất sesquiterpen.
Ngoài tinh dầu, trong rễ củ Bạch chỉ có các dẫn chất coumarin: Angenomalin, Anomalin, Bergapten, Marmesin, Scopoletin, Byak-angelicin, Byak-angelicol, Oxypeucedanin, Imperatorin, Isoimperatorin, Phellopterin, Xanthotoxin, Anhydrobyakangelicin, Neobyakangelicol.
Bên cạnh đó, người ta còn chiết được chất alloizoimperatorin (thăng hoa) và 5 metoxy-8-andehytpsoralen những chất này vốn không có từ bạch chỉ nhưng có thể xuất hiện trong quá trình chiết xuất từ những chất Isoimperatorin hoặc chất Neobyakangelicol mà sinh ra.
Tuy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hoá học và hoạt tính sinh học của cây bạch chỉ, đã có nhiều hoạt chất đã được phân lập từ loài này nhưng hoạt chất đã và đang được nhiều nhà khoa học quan tâm là hoạt chất imperatorin.
1.7.7. Hoạt chất imperatorin
Hoạt chất imperatorin có tên gọi theo IUPAC là 9-(3-methylbut-2- enyloxy)-7H-furo[3,2g] chromen-7-one.
Công thức phân tử: C16H14O4
Khối lượng phân tử: 270.27996 g/mol
Hoạt chất này có mặt trong thành phần hóa học của cây bạch chỉ -
Angelica dahurica, cây xà sàng - Cnidium monnieri, cây sa sâm bắc - Glehnia littoralis. [2]