Quá trình hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường đại học kinh tế và quản trị kinh doanh thuộc đại học thái nguyên​ (Trang 56 - 59)

5. Kết cấu của luận văn

3.1.1.Quá trình hình thành và phát triển

Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên được thành lập ngày 02 tháng 8 năm 2004 theo Quyết định số 136/2004/QĐ- TTg trên cơ sở sáp nhập Khoa Kinh tế Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lâm và Khoa Kinh tế Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp. Sứ mệnh của trường được xác định là “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và trên đại học với chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là ở vùng núi và trung du Bắc bộ”.

Ra đời trong bối cảnh hệ thống giáo dục quốc dân đã có nhiều trường đại học trong lĩnh vực kinh tế, trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã tự tìm cho mình một hướng đi riêng, tạo sự khác biệt với các cơ sở đào tạo khác về sản phẩm đào tạo và nghiên cứu. Nhà trường kiên định với chất lượng là mục tiêu hàng đầu, không đào tạo dàn trải tất cả các lĩnh vực kinh tế mà tập trung xây dựng và phát triển những ngành mà xã hội đang cần để góp phần đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa- hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Trải qua hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu theo các mục tiêu định hướng của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Thái Nguyên, phát huy thế mạnh của Nhà trường, tận dụng các thuận lợi từ cơ chế, chính sách kết hợp với phát huy mạnh mẽ dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo của đội ngũ

cán bộ giảng viên và của sinh viên, Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh không ngừng trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn về yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học- công nghệ, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế- xã hội khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước; từng bước khẳng định vai trò của Nhà trường trong hệ thống giáo dục- đào tạo và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã nắm bắt xu thế của thời đại, xây dựng tổ chức một số ngành đào tạo mới đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Từ 05 chuyên ngành đại học, 01 chuyên ngành thạc sĩ ở thời điểm năm 2004, trường đã xây dựng và phát triển thêm 22 chuyên ngành đào tạo đại trà và 03 chương trình đào tạo chất lượng cao ở bậc cử nhân, 02 chuyên ngành ở bậc thạc sĩ và 02 chuyên ngành đào tạo ở bậc tiến sĩ. Ngoài ra, nhà trường còn có 03 chuyên ngành đào tạo đại học, 02 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 02 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ liên kết với các trường Đại học uy tín trên thế giới, trong đó có các đối tác lớn như: ĐH Central Philippines, ĐH Tài chính Thượng Hải, ĐH Daegu Cyber, Hàn Quốc, ĐH AUT, New Zealand... Các chương trình đào tạo của Nhà trường thường xuyên được đổi mới theo hướng đảm bảo chuẩn đầu ra và hướng tới kiểm định chất lượng quốc gia.

Sau 12 năm xây dựng và phát triển đội ngũ, quy mô hoạt động của Nhà trường đã tăng lên liên tục. Khi mới thành lập, tổng số cán bộ viên chức của Nhà trường là 129 người, trong đó có 97 giảng viên và 32 cán bộ phục vụ. Đến nay, Nhà trường có tổng số 492 cán bộ, giảng viên, trong đó có 348 giảng viên với trình độ là 10 GS, PGS; 35 tiến sĩ; 265 thạc sĩ và 38 cử nhân. Ngoài lực lượng cán bộ giảng dạy cơ hữu của trường, Nhà trường còn một lực lượng đông đảo cán bộ giảng viên thỉnh giảng có trình độ cao (85 GS, PGS, TS) hiện đang công tác tại các Viện nghiên cứu quốc gia (như: Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,...) và các trường đại học hàng đầu của Việt Nam tham gia hướng dẫn và

giảng dạy sau đại học, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Nhà trường. Năm 2014, Nhà trường đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đến tháng 10/2016, 98,34% cán bộ giảng viên đạt chứng chỉ tin học quốc tế (IC3, MOS); 65,72% cán bộ giảng viên đạt chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC, Cambridge Tests theo khung tham chiếu CEFR tương đương B1, 10% đội ngũ cán bộ giảng viên có bằng đại học thứ hai về ngoại ngữ, 15% cán bộ giảng viên tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài... Nguồn lực đội ngũ cán bộ giảng viên đã góp phần đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy ngoại ngữ, tin học cho người học của trường đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Nhà trường.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất đã đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Điều kiện làm việc và học tập của cán bộ, giảng viên và sinh viên ngày càng được cải thiện. Cảnh quan của Nhà trường ngày càng sạch đẹp, khang trang tạo điều kiện để Nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học trong những năm vừa qua, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

Với những thành tích to lớn, rất đáng tự hào mà các thế hệ cán bộ viên chức và sinh viên Nhà trường đã đạt được, Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT (2012- 2014); cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Thái Nguyên (2013); cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD và ĐT (2014); “Đơn vị tiêu biểu có những đóng góp xuất sắc vào Hội nhập Kinh tế quốc tế của đất nước 2014” do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhiều cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã được phong tặng danh hiệu cao quý như: Nhà giáo ưu tú, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc... Đây là tiền đề quan trọng để Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường đại học kinh tế và quản trị kinh doanh thuộc đại học thái nguyên​ (Trang 56 - 59)