Xây dựng hệ thống thông tin pháp luật, tạo điều kiện để cán bộ, công chức tiếp cận với pháp luật một cách kịp thời, chính xác

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính ở thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 101 - 104)

bộ, công chức tiếp cận với pháp luật một cách kịp thời, chính xác

Tiếp cận đối với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc của cán bộ, công chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong điều kiện chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản mới được xây dựng, sửa đổi, bổ sung nếu cán bộ, công chức không tiếp cận được đầy đủ thông tin về văn bản có thể sẽ dẫn đến áp dụng văn bản đã hết hiệu lực. Chính vì vậy, trước mắt cần đảm bảo hệ thống thông tin pháp luật thông qua Công báo, phụ lục Công báo của Nhà nước. Hiện nay Công báo, phụ lục Công báo cũng chưa được phát hành đầy đủ đến mọi cơ quan. Mặc dù đã tăng mỗi tháng hai số, nhưng Công báo vẫn chưa đăng đầy đủ các văn bản mà Nhà nước đã ban hành. Vì vậy, trước hết cần tăng cường hình thức công báo một cách đầy đủ, phát hành đến tất cả cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.

Ngoài Công báo, thông tin pháp luật được chuyển tải qua đường công văn. Thường thì hệ thống thông tin pháp luật này chủ yếu phục vụ cho quản lý điều hành,chỉ có những cán bộ, công chức nào liên quan đến nhiệm vụ của mình thì mới tiếp cận với nó. Những người khác quan niệm rằng "văn bản đó không liên quan đến mình hoặc không phải việc của mình nên không cần biết đến". Cần phải khắc phục những quan điểm sai lầm đó để các thông tin pháp

97

luật đều đến với mọi cán bộ, công chức. Để mọi cán bộ, công chức tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với thông tin pháp luật, các cơ quan, đơn vị cần củng cố, xây dựng tủ sách pháp luật. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quy mô của từng cơ quan, đơn vị để xây dựng tủ sách pháp luật đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, tra tìm thông tin pháp luật. Chú ý trang bị cho tủ sách pháp luật các tài liệu tập hợp hóa, hệ thống hóa các văn bản pháp luật.

Đối với hệ thống văn bản của địa phương, cần phát huy chức năng của cán bộ, công chức làm công tác văn thư, lưu trữ của cơ quan, đơn vị góp phần thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị và những người có nhu cầu tìm hiểu về pháp luật trên địa bàn mình. Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, phổ biến pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hòa giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các Tổ hòa giải. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các Hòa giải viên.

Cần xây dựng các trung tâm thông tin pháp luật ở các quận, huyện để cung cấp thông tin pháp luật kịp thời đến mọi người.

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng một "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân". Để thực hiện được chức năng của Nhà nước pháp quyền, mọi hoạt động quản lý của nhà nước phải dựa trên cơ sở pháp luật. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải nắm vững pháp luật, ít nhất là trên lĩnh vực công tác của mình. Thế nhưng, trong thực tế hiện nay số lượng cán bộ qua đào tạo chuyên về nhà nước - pháp luật từ trung cấp trở lên rất thấp. Với

98

trình độ kiến thức về pháp luật của cán bộ, công chức như vậy thì việc quản lý nhà nước theo pháp luật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục hạn chế này, tốt nhất là ở mỗi quận, huyện nên thành lập một trung tâm thông tin pháp luật. Trung tâm này có thể đặt tại Thư viện quận, huyện. Chức năng của trung tâm là cung cấp các thông tin pháp luật cho cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện và làm các dịch vụ (tư vấn pháp luật) cho mọi đối tượng có nhu cầu.

Khi cần thiết có thể lập đường dây nóng để những người cán bộ, công chức có thể trực tiếp hoặc qua điện thoại yêu cầu trung tâm cung cấp các thông tin pháp luật mà họ đang cần hoặc nhờ hướng dẫn tra tìm ở tủ sách pháp luật trong cơ quan, đơn vị hay ở phường, xã, thị trấn.

Trung tâm có thể cung cấp các dạng thông tin pháp luật sau đây:

- Các văn bản luật và dưới luật; các tài liệu giải thích và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Các băng đĩa, băng hình, băng Cassettes về đề tài pháp luật.

- Các loại sách pháp luật, các sách hướng dẫn về giải quyết các tranh chấp như: Hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, tranh chấp về quyền sử dụng đất và các đề tài khác trong đời sống pháp luật hiện hành.

Các trung tâm này đặt tại thư viện huyện, nhưng không phụ thuộc quyền quản lý của Thư viện mà chỉ để tiện việc lưu chuyển, trao đổi thông tin tư liệu. Quản lý các trung tâm này, theo chúng tôi nên thuộc phòng tư pháp. Cán bộ phục vụ ít hay nhiều tùy thuộc vào nhu cầu của từng quận, huyện, nhưng phải có ít nhất 01 cán bộ, công chức có trình độ cử nhân Luật. Kinh phí hoạt động dùng hình thức "lấy thu bù chi". Trung tâm chỉ nên thành lập ở các quận, huyện.

Qua khảo sát và trực tiếp trao đổi ở cơ sở, chúng tôi thấy rằng: Việc thành lập các trung tâm thông tin pháp luật như trên là rất cần thiết. Nhu cầu

99

nắm bắt và tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân ở các huyện hiện nay là rất lớn, nhất là các huyện xa trung tâm mới sáp nhập về Hà Nội.

Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống thông tin pháp luật theo hướng hiện đại hóa, để đưa thông tin pháp luật đến với mọi người dân nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn. Trong điều kiện kinh phí địa phương còn nhiều khó khăn, việc trang bị theo hướng hiện đại chỉ có thực hiện từng bước. Trong giai đoạn đầu có thể xây dựng mạng cục bộ (LAN) trong những cơ quan, đơn vị lớn, tiến tới xây dựng mạng diện rộng (WAN) để phục vụ cho quản lý và hỗ trợ công tác phổ biến pháp luật cho mọi người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính ở thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 101 - 104)