Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức hành chính

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính ở thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 109 - 113)

pháp luật cho cán bộ, công chức hành chính

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức. Sự chỉ đạo thống nhất công tác này khắc phục tình trạng thực hiện giáo dục pháp luật như kiểu phong trào, không tạo ra hiệu ứng sâu rộng về học tập và áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Xây dựng một cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức thống nhất từ thành phố, quận, huyện và thị xã đến phường, xã, thị trấn là yêu cầu cấp thiết, quyết định đến toàn bộ hoạt động cũng như chất lượng và hiệu quả của hoạt động này.

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trước hết là của Thành ủy trong hoạt động phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội và công tác cán bộ, công chức phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Luật Cán bộ, công chức, Điều 4 đã ghi rõ: "Công tác cán bộ, công chức được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan,tổ chức, đơn vị". Do đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn

105

mà Đảng ta đang lãnh đạo xây dựng Nhà nước ta là "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân vì dân".

Theo Nghị quyết 61/2007/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/12, phổ biến, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công tác này sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Trong thời gian qua, các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố và các nghị quyết của Thành ủy gần đây, đề cấp đến những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và đều khẳng định tầm quan trọng của công tác phổ biến pháp luật, xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong hoạt động này. Để thực hiện nghị quyết của Đảng trong thời gian tới, các cấp Đảng cần đổi mới nội dung lãnh đạo công tác phổ biến pháp luật mà cụ thể tập trung ở các vấn đề sau:

+ Từng cấp ủy xác định rõ đối tượng, trọng tâm phổ biến pháp luật cho từng thời kỳ phù hợp với nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định trách nhiệm của từng cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội của trong việc phối hợp phổ biến pháp luật. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo chặt chẽ công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức sau khi đào tạo. Lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở các cấp theo yêu cầu của Hội đồng phổ biến pháp luật của các cấp đó. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong từng cơ quan, đơn vị của cả hệ thống chính trị. Đội ngũ này phải biết kết hợp việc phổ biến nghị quyết của Đảng với việc phổ biến pháp luật cho đảng viên và cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình.

+ Các cấp ủy đảng cần tăng cường kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật. Công

106

tác này phải làm thường xuyên và trở thành tiêu chuẩn đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của chi bộ, đảng bộ.

- Phát huy chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phổ biến pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động phổ biến pháp luật được coi là một trong những nhiệm vụ chủ yếu. Vấn đề cấp thiết hiện nay ở nước ta trong việc xây dựng "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân" là đưa pháp luật vào cuộc sống một cách sâu rộng, toàn diện. Để làm được điều đó trước hết đội ngũ cán bộ, công chức phải là những người nắm vững pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật.

Hội đồng nhân dân các cấp, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương cần đề ra và thực hiện một cơ chế giám sát đối với hoạt động phổ biến pháp luật. Giám sát việc thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, chương trình kế hoạch phổ biến pháp luật; giám sát việc phối hợp thực hiện công tác phổ biến pháp luật các cơ quan chức năng; giám sát việc sử dụng kinh phí về phổ biến pháp luật nói chung và phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức nói riêng đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn trong kỳ họp hàng năm.

Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực ở địa phương, có quyền quyết định những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... ở địa phương và giám sát việc thực hiện các quyết định đó theo pháp luật. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải là những người nắm vững pháp luật thì sự quyết định và giám sát của Hội đồng nhân dân mới đảm bảo đúng pháp luật, nhất là trong những trường hợp những vấn đề liên quan đến lợi ích của địa phương.

Hiện nay, số đại biểu Hội đồng nhân dân chưa qua đào tạo, bồi dưỡng pháp luật chiếm phần lớn, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Để nâng cao kiến thức pháp luật của các đại biểu Hội đồng nhân dân cần đưa vào chương trình các kỳ họp việc học tập, quán triệt các văn bản luật hiện hành,

107

nhất là các văn bản mới ban hành, coi đây là một nội dung của kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các chức năng và nhiệm vụ nói trên sẽ góp phần thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố.

- Tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân các cấp.

Trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Ủy ban nhân dân thành phố cần chỉ đạo cụ thể các cấp, các ngành xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức hàng năm ở cấp mình, ngành mình. Định kỳ giữa năm và cuối năm, Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành.

- Các ngành chức năng như Sở Nội thành phố, Phòng Nội vụ quận, huyện, thị xã; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã... phối hợp với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến pháp luật các cấp xây dựng kế hoạch phổ biến pháp luật từng quí, 6 tháng, cả năm và phối hợp tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân thành phố và Hội đồng phối hợp công tác phổ biến pháp luật của thành phố.

- Các cơ quan ban, ngành khác, với chức năng của mình hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã. Phối hợp với Hội đồng phổ biến pháp luật các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của quy chế và kế hoạch phổ biến pháp luật trên địa bàn của mình.

- Các đoàn thể quần chúng, với tư cách là thành viên trong các tiểu ban phổ biến pháp luật, tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đoàn thể mình. Chủ động tổ chức các hoạt động mang tính phong trào như: tổ chức

108

các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các câu lạc bộ pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ với nội dung phổ biến pháp luật theo từng chủ đề...

Để thực hiện tốt hoạt động phổ biến pháp luật trước hết phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể xã hội.

Sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng càng chặt chẽ thì hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật sẽ càng cao và là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật trên địa bàn thành phố.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cơ quan hành chính ở thành phố Hà Nội hiện nay (Trang 109 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)