Mục tiêu quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện Thanh Ba

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý ngân sách cấp xã trên địa bàn huyện thanh ba, tỉnh phú thọ (Trang 100 - 106)

5. Bố cục của luận văn

4.1.2. Mục tiêu quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện Thanh Ba

Ngân sách xã là công cụ tài chính quan trọng, là phương tiện vật chất cho chính quyền cơ sở thực hiện chức năng nhiệm vụ để phục vụ mục tiêu "do dân, vì dân", giải quyết tốt các mối liên hệ giữa nhà nước và nhân dân. Ngân sách xã là cấp ngân sách cơ sở có mối liên hệ trực tiếp với nhân dân, để thực hiện mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", đồng thời đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Công tác quản lý ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2016 của huyện Thanh Ba trong việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, bước đầu đã thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước và đạt được một số kết quả nhất định.Tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện và quản lý thu, chi NSX.

Về phần thu: nhiều xã quản lý lỏng lẻo dẫn đến thất thoát nguồn thu, chưa chủ động bao quát hết nguồn thu, chưa tận dụng hết các lợi thế của địa phương để huy động nguồn thu.

Về phần chi: cơ cấu chi nhiều nơi chưa tích cực, dành chủ yếu cho chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển rất hạn chế.

Trong quản lý chi còn để xảy ra hiện tượng lãng phí và hiệu quả không cao. Cân đối ngân sách không vững chắc, nhiều xã nợ lương và các khoản đóng góp theo lương, nợ các tổ chức và cá nhân trong việc đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên.

Vì vậy, trong thời gian tới mục tiêu quản lý NSX ở huyện Thanh Ba là: - Phải củng cố và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính NSX theo Luật NSNN, nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai tài chính ở cơ sở, làm cho quy mô thu, chi NSX ngày càng ổn định và phát triển bền vững. Nguồn thu NSX bảo đảm nhiệm vụ chi cho hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, thực hiện tốt chính sách xã hội, dành một phần thích đáng để duy trì và tăng cường cơ sở hạ tầng tại xã, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, phát triển và mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện tốt chương trình xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, đầu tư mở rộng và phát triển nguồn thu cho NSX góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH - HĐH nông thôn miền núi.

Dự toán NSX năm 2017 được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, các chế độ hiện hành, căn cứ vào khả năng ngân sách, tình hình thực tế của địa phương, căn cứ các nguồn lực, trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thu, chi của những năm trước theo định hướng tăng trưởng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

- Ngân sách xã phải đảm bảo cân đối giữa chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, đầu tư sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nông nghiệp nông thôn, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chương trình dự án trọng điểm của huyện, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, bố trí vốn đối ứng cho các công trình dự án của huyện cũng như của tỉnh.Ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Dự toán thu NSNN năm 2017 được xây dựng trên cơ sở bám sát tình hình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh năm 2017, tính đúng, đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách theo các chính sách, chế độ hiện hành và những chế độ chính sách sẽ có hiệu lực thi hành năm 2017. Các khoản thu NSNN của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát sinh, phải nộp trong năm 2017. Trong đó, chú ý tính các khoản thu phát sinh từ các dự án đầu tư đã hết thời hạn ưu đãi thuế. Mặt khác, dự toán thu ngân sách được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện thu năm 2017 và phân tích, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tính ổn định, bền vững nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển nguồn thu lâu dài. Thực hiện đồng bộ các biện pháp thu, đẩy mạnh cải cách hành chính về quy trình thủ tục thu thuế. Khai thác triệt để các nguồn thu phát sinh trên địa bàn. Căn cứ số thu ngân sách HĐND tỉnh giao, huyện sẽ không giao thêm chỉ tiêu thu phấn đấu.

Dự toán chi ngân sách năm 2017 được xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách đã được HĐND tỉnh quyết định, tính đầy đủ nhu cầu kinh phí theo các chế độ, chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ mới phát sinh.

+ Chi đầu tư phát triển:

Dự toán năm 2017 được bố trí trên cơ sở những định hướng, chủ trương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm, đồng thời có chính sách khai thác tốt mọi nguồn lực đảm bảo nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của địa phương.Bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

+ Chi thường xuyên:

Bố trí đủ kinh phí theo định mức chi quy định, ưu tiên cho chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định. Bố trí đủ kinh phí cho những nhiệm vụ chi thường xuyên trên các lĩnh vực: sự nghiệpgiáo dục; đào tạo; sự nghiệp kinh tế; thể dục thể thao; an ninh - quốc phòng; quản lý nhà nước; Đảng - đoàn thể và các nhiệm vụ khác.

Không cân đối dự toán chi các khoản chi chưa có nhiệm vụ chưa xác định được rõ ràng, các khoản chi phát sinh không thực sự cấp bách. Dành 10% tiết kiệm chi thường xuyên giành nguồn cải cách tiền lương, 10% tiết kiệm chi thường xuyên để dự nguồn thực hiện các chế độ chính sách mới và 40% thu học phí để bổ sung nguồn làm lương năm 2016.

- Để đạt được những mục tiêu trên cần tập trung xây dựng ngân sách xã đủ mạnh từ thực lực nguồn kinh tế của xã, bảo đảm nguồn thu ổn định lâu dài, có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng phù hợp, phát huy tính chủ động sáng tạo của cơ sở để từng bước lành mạnh nền tài chính, củng cố ban tài chính xã đủ khả năng quản lý và phát triển ngân sách xã. Muốn vậy, ngân sách xã cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

* Về khai thác nguồn thu cho ngân sách xã

Các nguồn thu cố định phải thực hiện theo đúng phân cấp của Luật NSNN, có vận dụng theo điều kiện thực tế địa phương, phát huy tính chủ động tự chịu trách nhiệm trước nguồn thu được phân cấp.

Các khoản thu phân chia theo quy định của UBND tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ (%) nguồn thu mà NSX được hưởng theo hướng mở rộng tỷ lệ phân chia cho NSX, để NSX chủ động khai thác nguồn thu và chủ động trong cân đối ngân sách. Đối với nguồn huy động đóng góp của nhân dân, mặc dù là một huyện miền núi nhưng cũng nên động viên nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình, phát huy nội lực, tạo nguồn lực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Cần quán triệt sâu rộng đến nhân dân chủ trương "nhà nước và nhân dân cùng làm", có phương án huy động cụ thể. Việc thu các khoản đóng góp phải có biên lai thu tiền do bộ Tài chính ban hành, tiền mặt phải nộp vào KBNN, quản lý sử dụng đúng mục đích, thực hiện đúng quy trình công khai theo quy định của nhà nước.

Về nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu cần tập trung khai thác thế mạnh phù hợp với từng địa phương, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế về cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế địa phương, các xã nên tận dụng lợi thế đất đai để phát triển các cây lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát huy thế mạnh để tăng thu nhập cho nhân dân, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu. Đẩy mạnh việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm để phục vụ cho du lịch, lợi dụng các khu đặc dụng tự nhiên, các hang động, sông suối để phát triển du lịch nhất là du lịch sinh thái.

*Về nhiệm vụ chi ngân sách xã

Đối với chi đầu tư phát triển, ngoài việc kêu gọi và thu hút các chương trình dự án của Chính phủ, các tổ chức quốc tế để tăng cường đầu tư hoàn thiện các công trình cơ sở vật chất như trường học, trạm xá, đường liên thôn, xóm, đường điện... Phải phát huy nội lực, huy động đóng góp của nhân dân để

tập trung xây dựng các công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Bên cạnh đó phải tiếp tục đầu tư để duy trì sửa chữa, bảo dưỡng những công trình đã xây dựng trong năm qua để phát huy hiệu quả kinh tế và kéo dài tuổi thọ của các công trình.

Phải đảm bảo nguồn để chi thường xuyên, trong chi thường xuyên cần ưu tiên cho lương và các khoản đóng góp theo lương cho cán bộ xã, các đối tượng chính sách, các khoản chi liên quan đến chế độ của nhà nước như ưu đãi người có công, gia đình thương binh liệt sỹ. Các khoản chi phát sinh đột xuất cấp bách như: khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, cứu đói... phải được giải quyết đầy đủ, kịp thời theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

* Về công tác quản lý:

Đối với công tác quản lý NSX trong hệ thống NSNN cần quan tâm một số nội dung sau:

- Đối với lập dự toán thu, chi ngân sách phải được xây dựng một cách tích cực, bám sát điều kiện kinh tế - xã hội của xã, nguồn thu phải được bao quát rộng khắp, nhiệm vụ chi phải bảo đảm mối quan hệ hài hòa, tiết kiệm, hiệu quả.

- Đối với khâu chấp hành dự toán phải bảo đảm tính chính xác thu đúng, thu đủ, kịp thời theo chế độ của nhà nước, thực hiện chi đúng theo dự toán đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng đến chi để nuôi dưỡng nguồn thu tại xã, từng bước khẳng định vai trò ngân sách cấp xã. Chấp hành nghiêm chỉnh việc thực hiện quản lý thu, chi ngân sách qua KBNN. Ban tài chính xã phải có trách nhiệm ghi chép, kế toán, phản ánh đầy đủ kết quả thu, chi ngân sách, kiểm tra, giám sát kịp thời các hoạt động tài chính để đưa ra những kiến nghị cho UBND xã và cơ quan tài chính cấp trên.

- Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ tài chính cấp xã, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý cũng như chế độ chính sách về tài chính, kế toán mới để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ của giai đoạn hiện nay.

4.2. Các giải pháp tăng cường quản lý ngân sách cấp xã trên địa bàn huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý ngân sách cấp xã trên địa bàn huyện thanh ba, tỉnh phú thọ (Trang 100 - 106)