Đổi mới công tác quản lý thu, chi ngân sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý ngân sách cấp xã trên địa bàn huyện thanh ba, tỉnh phú thọ (Trang 108 - 112)

5. Bố cục của luận văn

4.2.2. Đổi mới công tác quản lý thu, chi ngân sách

Khâu chấp hành dự toán là quá trình áp dụng tổng hợp mọi biện pháp nhằm biến các chỉ tiêu thu, chi ghi trong kế hoạch thành hiện thực; khâu này diễn ra trong thời gian dài, chịu ảnh hưởng của các biến động kinh tế - xã hội xẩy ra trong năm kế hoạch và kết thúc quá trình thực hiện mới biết kết quả. Do đó đây là khâu thường có nhiều vi phạm nhất. Công tác chấp hành dự toán NSX trên địa bàn huyện Thanh Ba hiện còn tồn tại, để tăng cường công tác quản lý NSX đạt hiệu quả cao hơn, thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

a. Công tác quản lý thu ngân sách xã.

Từ thực hiện quản lý thu NSX trên địa bàn huyện Thanh Ba cho ta thấy những hạn chế như: chưa khai thác tối đa nguồn thu từ phí, lệ phí; các nguồn thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản còn bỏ sót; thu thuế tài nguyên, tiền thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản còn nhiều hạn chế. Thu từ hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai vẫn còn thất thoát lớn, thu đóng góp của nhân dân sử dụng chưa hiệu quả. Do đó cần phải có những biện pháp cụ thể nhằm quản lý có hiệu quả nguồn thu NSX.

- Phấn đấu khai thác triệt để các khoản thu 100%

+ Chính quyền các xã tập trung rà soát lại toàn bộ nguồn thu tại xã, chủ động xây dựng đề án phát triển nguồn thu trên địa bàn xã, trên cơ sở đánh giá những tiềm năng sẵn có trên địa bàn. Các xã nên tổ chức đấu thầu cho các hộ thuê hoặc khoán cho người dân sử dụng theo mùa vụ để tiến hành trồng trọt, chăn nuôi.

+ Thu từ phí, lệ phí của xã trên địa bàn huyện Thanh Ba tương đối thấp do đó các xã (đặc biệt là thị trấn Thanh Ba ) nên tổ chức quản lý tốt, đẩy mạnh việc đấu thầu, khoán thu tại các chợ, điểm kinh doanh,… Các xã nên đầu tư xây dựng hệ thống nhà gửi xe ở các chợ, tận thu các loại thu phí gửi xe.

Luật NSNN quy định: Thu NSNN bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí... Song thực tế, một số đơn vị ở xã có chức năng thu phí, lệ phí vẫn được để lại một phần sau đó mới nộp về NSNN. Việc để lại chi phí thu như vậy chưa đáp ứng được nguyên tắc đầy đủ của NSNN và gây phức tạp trong công tác quản lý. Mặt khác, việc xác định tỷ lệ để lại chưa thống nhất đối với từng loại phí, hơn nữa tỷ trọng thu không đáng kể, Nhà nước cần rà soát bỏ bớt một số loại phí, lệ phí, UBND tỉnh nên có quy định thống nhất một tỷ lệ nộp về ngân sách, hoặc quy định nộp 100% về ngân sách để thuận tiện trong quá trình hạch toán theo dõi.

- Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % cần phấn đấu hoàn thành và tăng thu.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tài chính - Kế hoạch, Thuế, Kho bạc, các tổ chức chính trị. UBND huyện thống nhất chỉ đạo công tác thu trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chống trốn lậu thuế, chống làm ăn phi pháp, ngăn chặn các hoạt động khai thác tài nguyên bừa bãi.

- Tăng cường phân cấp nguồn thu đảm bảo cho địa phương có đủ khả năng cân đối các nhiệm vụ chi, phát huy tính sáng tạo, chủ động cấn đối các nhiệm vụ chi, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các địa phương trong việc quản lý khai thác nguồn thu, chủ động cân đối các nhiệm vụ chi. Một số khoản thu mà đặc điểm của nó gắn liền với các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương thì nên phân cấp tới mức cao nhất có thể như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp từ các hoạt động kinh tế cá thể, tập thể. Các khoản thu về thuế nhà đất, thuế trước bạ, tiền cấp quyền sử dụng đất, đặc biệt là các khoản thu như thuế tài nguyên đất, mặt nước, ao hồ, bãi bồi.

- Tăng cường quản lý khai thác các nguồn thu trên địa bàn xã, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, công bằng, công khai dân chủ. Để thực hiện điều đó cần tăng cường bộ máy quản lý thu ngân sách trên địa bàn các xã. Phân cấp một số khoản thu theo cho chính quyền cấp xã quản lý, tổ chức thu. Vì hơn ai hết chính quyền xã là người gần hơn, sâu sát hơn, có khả năng quản lý tốt hơn.

Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chức năng cấp trên, nhất là trong việc hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước trong việc sử dụng biên lai thu ngân sách, các quy định về thu nộp ngân sách đảm bảo chặt chẽ, công bằng, minh bạch.

Đối với khoản thu từ huy động đóng góp của nhân dân là cần thiết để động viên mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Song cần phải xây dựng quy chế, quy trình và thực hiện tốt quy chế, quy trình để nhân dân yên

tâm, tích cực đóng góp. Đặc biệt là thực hiện các quy trình về công khai, dân chủ trong bàn bạc mục tiêu đóng góp, trong việc sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân được hưởng.

b. Công tác quản lý chi ngân sách xã

Tiết kiệm và hiệu quả là nguyên tắc hàng đầu trong quản lý tài chính. Trong khi nguồn lực có hạn, nhu cầu chi là vô hạn thì nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả có ý nghĩa sống còn trong QLNS. Song song với các biện pháp tăng thu NSX, thì chi NSX cũng phải được tiến hành đổi mới, hoàn thiện. Các khoản chi phải được kiểm soát đầy đủ chặt chẽ theo đúng nguyên tắc của Luật NSNN. Đảm bảo nguyên tắc chi tiết kiệm, hiệu quả cơ cấu chi hợp lý.

Trong công tác quản lý chi NSX ở huyện Thanh Ba hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi quản lý hành chính, chi khác còn cao trong khi chi cho nghiệp y tế, chi sự nghiệp kinh tế lại tương đối thấp, chi đầu tư phát triển vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nên cơ cấu chi NSX phải được bố trí hợp lý hơn. Tăng dần tỷ lệ chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp y tế...

Đối với chi thường xuyên: Cần sắp xếp, củng cố bộ máy chính quyền xã đảm bảo bộ máy quản lý vừa gọn nhẹ vừa hiệu quả, nhằm tiết kiệm cho chi quản lý hành chính, thực hiện khoán chi để hạn chế đến mức tối đa các khoản chi không cần thiết như: mua sắm, hội nghị, tiếp khách, điện thoại… khoản chi tiết kiệm được chi thu nhập tăng thêm góp phần nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức xã.

Đối với chi đầu tư phát triển, cố gắng tập trung chi ở mức hợp lý, chi có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Thực tế cho thấy cơ kết cấu hạ tầng ở huyện Thanh Ba còn kém phát triển, trong khi nguồn vốn từ NSX không đủ khả năng đảm bảo xây dựng và sửa chữa các công trình dự án. Để giảm bớt một phần gánh nặng cho NSNN, các xã cần chủ động thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để phát triển các công trình giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trường học, trạm xá.

Mọi khoản chi tiêu của NSX phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa qua kho bạc Nhà nước nhằm thực hiện cho đúng mục đích, đúng kế hoạch, đúng yêu cầu. Chống chi tiêu bừa bãi, lãng phí tiền của nhân dân. Tất cả các khoản chi phải được thực hiện công khai, ghi chép đầy đủ vào sổ sách kế toán.

Cần hạn chế việc cấp phát NSX bằng hình thức rút tiền mặt, chỉ cho rút tiền mặt với các khoản chi nhỏ và tăng cường phương thức thanh toán trực tiếp cho các đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho chính quyền xã.

Quản lý chi NSX cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng chính sách chế độ của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Sắp xếp bố trí cơ cấu chi ngân sách hợp lý, thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi nguồn lực có hạn, cần thực hiện thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi.

Cần tập trung nguồn lực, có trọng điểm trong việc chi đầu tư phát triển, tránh dàn trải, manh mún, kém hiệu quả. Trong khi nguồn lực có hạn cần phải xác định rõ mục tiêu và hiệu quả đầu tư nhằm nhanh chóng tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân cũng như cho Nhà nước, tạo đà thuận lợi cho những bước phát triển tiếp theo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý ngân sách cấp xã trên địa bàn huyện thanh ba, tỉnh phú thọ (Trang 108 - 112)