Về mặt hình thái, cỏ Vetiver rất giống như một bụi cỏ sả to, thân xếp vào nhau tạo thành khóm dày đặc, vững chắc, chiều cao có thể tới 3 m. Từ gốc rễ mọc ra nhiều chồi ở các hướng, phần trên không phân nhánh, phần dưới đẻ nhánh rất mạnh.
Thân lá mọc thẳng đứng, cứng, chịu được điều kiện ngập lũ cao trung bình 1 - 1,5 m, khó phân biệt được thân và lá, phiến lá tương đối cứng, lá dài từ 40 - 90 cm, rộng 4 - 10 mm, lá nhẵn, mép lá nhám (Mekonnen, 2000) [34].
Cỏ Vetiver không có căn hành, không bò lan, thân rễ đan xen nhau và phát triển rất nhanh. Do đó, hệ thống rễ không mọc trải rộng mà cắm thẳng vào sâu trong đất, kể cả rễ chính, rễ thứ cấp, rễ dạng sợi (Mekonnen, 2000) [34].
Rễ cỏ dạng chùm, rất đồ sộ, sau hai năm trồng rễ có thể cắm sâu 3 - 4 m rộng 2,5 m trên đất tốt. Do có bộ rễ ăn sâu nên cỏ Vetiver chịu hạn rất khoẻ, có thể hút ẩm từ tầng đất sâu bên dưới và xuyên qua các lớp đất bị lèn chặt qua đó giảm bớt lượng nước thải thấm xuống sâu (Mekonnen, 2000) [34].
Phần lớn, các sợi rễ trong bộ rễ khổng lồ của nó lại rất nhỏ và mịn, đường kính trung bình chỉ khoảng 0,5 - 1,0 mm, tạo nên một bầu rễ rất lớn, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm, là điều kiện cần thiết dễ hấp thụ và phân huỷ các chất gây ô nhiễm (Mekonnen, 2000) [34].
Hoa cỏ Vetiver là hoa lưỡng tính, thường đi thành từng cặp, mỗi cặp giống nhau về hình thái gồm một hoa có một cuống ngắn và một hoa không cuống, riêng phần cuối của cuống thì các hoa chụm ba.
Loài Vetiveria zizanioides được trồng phổ biến vì có đặc điểm không tạo hạt, nhân giống chủ yếu bằng phương pháp vô tính nên không mọc tràn lan như một số loài cỏ dại khác (Truong P. N. V., Trần Tân Văn, 2006) [50].