Dựa vào đặc tính thực vật có thể sử dụng cỏ Vetiver trong nghiên cứu xử lý nước thải trong chăn nuôi ở Việt Nam.
Theo tác giả Nguyễn Minh Trí, Nguyễn Duy Chinh, Nguyễn Việt Thắng – Trường Đại học Khoa học Huế [42] thì khả năng xử lý nước thải của Vetiver được khẳng định thêm ở Việt Nam và được khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Theo kết quả nghiên cứu này, hàm lượng oxy hòa tan (DO) sau xử lý bằng cỏ Vetiver tăng từ 2,95mg/l đến 4,93mg/l trong 12 ngày, hiệu suất đạt tới 67,12%. Ngược lại nhu cầu oxy hóa học (COD) lại giảm đáng kể, từ 420 mg/l xuống còn 120 mg/lit sau 12 ngày xử lý và đã giảm 1,92 lần so với trướckhi xử lý. Hàm lượng Nitơ cũng giảm 1,94 lần, hàm lượng P cũng giảm 2,503 lần so với trước khi xử lý. Nguồn nước sau khi xử lý có giá trị các thông số kỹ thuật hầu hết đạt TCVN 5945 – 2005 loại B, điều này chứng tỏ cỏ Vetiver có khả năng xử lý chất thải rất hữu hiệu, rẻ tiền và dễ nhân rộng.
Nghiên cứu của Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cho thấy khả năng xử lý cao các chất ô nhiễm ở nước thải trại chăn nuôi. Kết quả khẳng định trồng cỏ Vetiver dạng thủy canh trong nước sau 16 ngày đã xử lý nước thải tốt thông qua việc làm giảm BOD (159mgO2/l) 79% và hạn chế quá trình phát triển của tảo trong quá trình xử lý, ngoài ra cỏ vetiver đạt được hiệu suất xử lý khá cao đến 91% đối với nitrogen và 85% đối với phosphorus trong nước thải nuôi heo [1].
Theo Nguyễn Tuấn Phong, Dương Thúy Hoa (2004) sử dụng cỏ vetiver và lục bình để xử lý nước thải chăn nuôi heo từ các trại chăn nuôi đã cho thấy cỏ vetiver sống và sinh trưởng tốt trong môi trường nước thải đặc trưng bởi các chỉ tiêu vể sinh khối của cỏ: Khối lượng tươi (tăng 96%), chiều dài lá (tăng 135%),
chiều dài rễ tăng (85%), số chồi (tăng 263, 84%), khối lượng khô (tăng 92%). Bên cạnh đó, mô hình cỏ Vetiver có hiệu suất xử lý BOD5 là 91,04%, lân tổng là 69,44%, đạm tổng là 69,34%. [24].
Ngoài những ứng dụng xử lý nước thải trong chăn nuôi thì việc ứng dụng cỏ Vetiver vào xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, cỏ vetiver không chỉ xử lý hiệu quả các chất ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi heo mà còn xử lý tốt các chất ô nhiễm trong nước thải từ bãi rác hay nước thải của ngành chế biết công nghiệp. Cỏ Vetiver có thể sử dụng để xử lý nguồn nước rỉ rác đậm đặc có nồng độ các chất ô nhiễm cao sau khi được pha loãng với tỷ lệ 10% để tưới cho khu trồng cỏ Vetiver gần 100m2, khu trồng dầu mè khoảng 150m2, kết quả cho thấy NH3, phosphate và mùi hôi đều được xử lý rất tốt và đơn giản. Theo đánh giá của các chuyên gia, có thể áp dụng kết nghiên cứu này, nhân rộng mô hình để xử lý nước rác tại các bãi chôn lấp cũ[42]. Hay trồng cỏ Vetiver để xử lý nước thải tại nhà máy chế biến thủy sản Cafatex Cần Thơ nhằm tiêu giảm nitrat và photphat xuống tới nồng độ dưới tiêu chuẩn cho phép đã cho thấy, hàm lượng Nitơ tổng trong nước thải giảm 88% sau 48 giờ và giảm 91% sau 72 giờ, hàm lượng Phốtpho tổng giảm 80% sau 48 giờ và 82% sau 72 giờ. Tổng lượng N và P bị tiêu giảm sau 48 giờ và 72 giờ xử lý không khác nhau nhiều [33]. Ở miền Bắc nước thải từ một xí nghiệp sản xuất giấy ở Bắc Ninh và từ nhà máy phân đạm Hà Bắc cũng đang được thử nghiệm xử lý bằng hệ thống cỏ Vetiver. Ở Bắc Ninh cỏ đã mọc tốt sau 2 tháng chỉ trừ một vài đoạn ngay sát nước thải, nơi hàm lượng các chất độc hại tỏ ra quá cao. Trong khi đó, ở nhà máy phân đạm Hà Bắc, cỏ mọc lên rất tốt mặc dù luôn ở trong tình trạng ngập nước thải, có thể giảm đáng kể hàm lượng các nguyên tố độc hại [24].