Về đội ngũ sáng tác

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi ninh bình sau 1975 (Trang 25 - 28)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1. Về đội ngũ sáng tác

Theo khảo sát của chúng tôi, đội ngũ tác giả văn xuôi Ninh Bình là những người đã và đang sinh sống, công tác tại Ninh Bình, gắn bó với cuộc sống của người dân Ninh Bình và có đóng góp trực tiếp cho công cuộc xây dựng quê hương như: Đăng Thanh, Kao Sơn, Trần Lâm Bình, Thanh Thản, Đinh Ngọc Lâm, Ninh Đức Hậu,… Ngoài ra còn có tác giả tuy không quê gốc ở Ninh Bình nhưng có quá trình gắn bó và có tác phẩm viết về Ninh Bình được coi là tác giả Ninh Bình như Trương Minh Phố, Hoàng Phương Nhâm. Một số tác giả vì điều kiện công tác hay sinh sống, không còn ở Ninh Bình, thì dù ở đâu, viết gì thì tác phẩm của họ vẫn mang đậm bản sắc địa phương Ninh Bình. Từ lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, phong cảnh quê hương, tính cách con người quê nhà luôn được các tác giả chú trọng và đề cập. Các truyện ngắn, tiểu thuyết của các tác giả: Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm, Đào Thu Hà, Đỗ Quyên Quyên đã chứng minh điều đó.

Từ năm 1975 đến nay, trải qua quá trình vận động và phát triển, văn xuôi Ninh Bình đã đạt được một số thành tựu, góp phần xây dựng nền văn học Việt Nam. Do đó, tìm hiểu đội ngũ tác giả văn xuôi Ninh Bình là cần thiết, để từ đó có thể xác định được những đóng góp của họ cho sự phát triển của văn xuôi

tỉnh nhà. Dòng chảy liên tục của văn xuôi Ninh Bình hiện nay chính là nhờ vào sự tiếp nối của các thế hệ cầm bút gắn bó với đất và người Ninh Bình. Sự phân chia các thế hệ tác giả văn xuôi Ninh Bình từ sau 1975 chỉ là tương đối. Đối với đội ngũ tác giả văn xuôi Ninh Bình từ 1975 đến nay theo tôi, có thể hình dung đó là sự tiếp nối của hai thế hệ.

Thế hệ thứ nhất bao gồm những cây bút thành danh sau 1975 và tới giai đoạn này vẫn góp sức không nhỏ đối với sự phát triển của văn xuôi Ninh Bình như: Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm, Nguyễn Thế Kiểm, Thanh Thản,… Đây là lực lượng nòng cốt, thúc đẩy văn học Ninh Bình phát triển. Nhiều tác giả đã trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam, trở thành những cây bút vững chắc cho bộ môn văn xuôi của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm,…).

Thế hệ thứ hai là những cây bút trưởng thành sau ngày tái lập tỉnh như: Vũ Thanh Lịch, Trần Duy Đới, Lê Hữu Chư, Ninh Đức Hậu, Đinh Ngọc Lâm, Đào Thu Hà, Phạm Thị Duyên, Đỗ Quyên Quyên, Mai Hồng Quế, Đinh Hữu Niên,… Họ chính là lực lượng kế cận, là nguồn bổ sung dồi dào cho đội ngũ văn xuôi trong tỉnh.

Quá trình phát triển về đội ngũ cho thấy sự phấn đấu bền bỉ trong nghề nghiệp, sự chuyên tâm theo đuổi con đường văn chương của mỗi tác giả. Tất cả khẳng định phong trào văn học ở Ninh Bình đang từng bước hòa nhập với những vấn đề chung rộng lớn của đất nước. Đó có thể coi là dấu hiệu của sự trưởng thành. Nó vừa làm nên cốt lõi của phong trào, vừa làm hậu thuẫn cho đội ngũ sáng tác văn học tiếp tục phát triển.

Trong những năm qua, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây không chỉ là nơi đăng tải sáng tác của những cây bút tỉnh nhà ở các thể loại mà còn là nơi giới thiệu sáng tác của các cây bút trẻ nhằm bổ sung kịp thời cho đội ngũ sáng tác. Đây cũng là nơi giao lưu trao đổi với các cây bút trong cả nước ở

nhiều lĩnh vực, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ Ninh Bình.

Chất lượng sáng tác ngày càng được nâng cao ở các thể loại. Các tác giả và tác phẩm đoạt giải thưởng từ Trung ương đến địa phương ngày càng nhiều. Đề tài được mở rộng đến mọi vấn đề của đời sống xã hội, góp phần làm giàu có và phong phú tâm hồn con người nói chung và con người trên quê hương Ninh Bình nói riêng. Dấu ấn văn học tỉnh nhà được khởi sắc ở nhiều khía cạnh, và có những tác giả đã giành được giải thưởng khá ấn tượng. Nhà văn Hoàng Phương Nhâm đạt giải nhất truyện ngắn Ninh Bình năm 1996, giải ba - nhà xuất bản Kim Đồng năm 2003, cho tập truyện Miền cổ tích. Năm 1996, đạt giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện Người hát thánh ca (in chung với Kao Sơn). Năm 2003, đạt giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên Hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện Tê-rê-xa ngốc nghếch. Giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn cho thanh thiếu nhi, do hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2004. Trưởng thành từ trại sáng tác trẻ Ninh Bình, Vũ Thanh Lịch là tác giả có sức viết dồi dào, tác phẩm thường xuyên được đăng tải trên báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình,… được độc giả chú ý. Năm 2015, tập truyện Đi qua đồng cói của Vũ Thanh Lịch đạt giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, nhà văn Kao Sơn đạt giải A của Nhà xuất bản Kim Đồng cho tác phẩm Khúc đồng dao lấm láp. Gần đây, nhà văn Kao Sơn đạt giải nhì cho tác phẩm Trăng vàm cọp, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi, giai đoạn 2012- 2013 do dự án hỗ trợ thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức, với chủ đề “Vượt qua sợ hãi”.

Phong cảnh sơn thủy hữu tình của Ninh Bình và con người Ninh Bình không chỉ đem lại cảm xúc sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thơ, nhà văn trong nước. Một số nhà văn,

nhà thơ có tên tuổi như: Tố Hữu, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Trúc Thông,… khi đến với Ninh Bình đều có những tác phẩm ghi lại cảm xúc của mình với mảnh đất được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt” này.

Có thể nói, văn xuôi Ninh Bình từ 1975 đến nay đã có một đội ngũ tác giả tương đối hùng hậu và giàu sinh lực. Các thế hệ cầm bút với nềm đam mê văn chương và tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương Ninh Bình chắc chắn sẽ tạo được những dấu ấn mới trong sự nghiệp văn học nghệ thuật Ninh Bình nói chung và sự nghiệp văn xuôi nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi ninh bình sau 1975 (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)