Ngôn ngữ giàu chất trữ tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi yên bái từ 1986 đến nay (Trang 86 - 89)

7. Đóng góp của luận văn

3.3.1. Ngôn ngữ giàu chất trữ tình

Chất trữ tình được xuất hiện từ sự hòa quyện giữa cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật, tạo nên giá trị thẩm mỹ và nhân văn trong sáng tác. Trong văn xuôi Yên Bái yếu tố trữ tình khá đa dạng và phong phú. Có khi là

những đoạn thơ, bài thơ, câu ca dao, có khi là những dòng cảm xúc, dòng tâm trạng của nhân vật trước thiên nhiên, cảnh sinh hoạt hay những lời thổ lộ tâm tình... Ngoài việc truyền tải nội dung còn làm đậm thêm chất trữ tình, chất thơ trong truyện.

Trong bài ký Trong tôi mùa hoa sở, Hán Trung Châu đã nhớ lại đôi câu lục bát mà người thầy giáo đã mượn để nhắc nhở các trò hãy biết quý thời gian, bởi thời gian quá lạnh lùng với con người, cứ thế trôi đi không nấn ná, chờ đợi ai. Từ đó khuyên nhủ con người hãy biết quý trọng thời gian: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa/Nó đi đi mãi không chờ đợi ai” [42, tr. 55].

Hoàng Thế Sinh đã đưa vào tác phẩm của mình những bài thơ dài. Ở tiểu thuyết Xứ mưa có rất nhiều bài thơ, đoạn thơ do chính các nhân vật tự sáng tác. Đó là những bài thơ tình yêu của Hoàng - một giáo viên dạy sử, một người rất hay làm thơ tình mà gần bốn mươi tuổi mà “chả biết yêu ai”. Hay những đoạn văn miêu tả tâm trạng buồn man mác của Hoàng trong Bụi Hồ khi anh quyết định ra đầu thú: “Hoàng quỳ xuống nhặt một cánh hoa chanh đặt vào làng tay con trai, đứng lặng. Hai cánh tay Hoàng cứ rung lên. Nắng xuân rực rỡ, hoa chanh tỏa hương ngào ngạt. Hôm nay Hoàng thật sự làm một cuộc lựa chọn dũng cảm. Trái tim Hoàng thầm thì: Em biết không, anh khao khát tìm ra ánh sáng, như khao khát tìm đến với nguồn nước trong lành. Em trở thành niềm yêu thương. Nơi ấy anh vui sướng tìm lại được chính mình: trong sáng, chân thật, dũng cảm. Nơi ấy anh sung sướng được gieo hạt mầm tương lai. Tình yêu của em đang làm cho anh hồi sinh...” [46, tr .179]. Trong Trầm mặc đá. Hoàng Thế Sinh mơ màng trước cảnh vật với tâm trạng lâng lâng trong một buổi sớm mai qua những lời văn giàu chất trữ tình: “Tôi mơ màng theo câu hát của nhạc sĩ Thanh Tùng mà em Phương hát hôm nào...và ngước nhìn! Ô kìa! Hoa ngô và hoa keo phết rịm màu vàng nâu tận chân nhà sàn. Gió vờn mây. Mây vờn núi. Sương như tuyết bay trắng mờ thung lũng. Nắng mai vàng hừng lên hòa quyện vào màn sương khiến cho không gian trở nên huyền ảo” [43, tr. 379].

Hà Lâm Kỳ rất thông thuộc cảnh trí, sinh hoạt, tâm lý con người vùng quê Đại Lịch. Có cảm giác ông viết thật thoải mái. Câu chuyện liền mạch, sự việc nối tiếp sự việc, không ngưng nghỉ, trong một dòng chảy thật tự nhiên, tạo nên một lực hấp dẫn rất đáng kể. Nhiều đoạn văn, câu viết rất hay. Chẳng hạn “Tháng mười hoa dổi nở thơm nức, những chuỗi hạt tròn đỏ như mắt cá chày rơi vương vãi quanh gốc cây”. “Những cây dổi cổ thụ có từ bao giờ chẳng ai biết, một đồi, một rừng rồi một vùng”. “Trời nhập nhoạng tối khu Gốc Hồng vắng tanh, chỉ có mấy chú gà rừng đã dạn người thấy động không thèm chạy”. Đó là cảnh thiên nhiên. Còn đây là một cảnh sinh hoạt “mâm cơm dọn giữa nhà, có bốn năm người, tóc dã đốm bạc, khăn chít, ngồi xếp vòng tròn, lọ sành rượu gạo vừa thơm vừa ngọt để cạnh”. “Hai anh em lật lá rừng đi tắt sang nhà Vệ Dõng. Mặt trời đã quá đỉnh đầu hai tầm sào”. Ít lời thôi, nhưng ý tứ đầy đủ và dư vang và ta bắt gặp ở đó ngôn ngữ chứa đầy chất thơ - chất trữ tình. Hay trong tiểu thuyết Gió Mù Căng, Hà Lâm Kỳ miêu tả những tiếng hát của cô gái Mông Vừ Mỷ Say - cô gái Pú Luông đẹp người lại thêu ren khéo, cất lên làm rung động lòng hai chàng trai Lý Nủ Chu và Vàng Sống Chua:

“Em chọn chàng trai có tiếng khèn xôn xao núi đá. Cầm cái bút, bút thành hoa, cầm cái cuốc, cuốc thành lá Cây súng kíp biết nhằm vào bọn người cướp lúa

Chàng trai có tấm lưng như đèo Khau Phạ em chờ” [32, tr. 104]

Hay trong truyện dài Làng nhỏ, Hà lâm Kỳ giới thiệu những thức ngon vật lạ của quê mình qua hai câu thơ đầy chất trữ tình:

“ Măng sặt thiết khách vào chơi Gạo lam nứa đáy, cơm xôi thịt gà”

Với nhà văn Hoàng Tương Lai, bằng những điệu hát then quen thuộc của vùng quê, bằng những câu văn mang đầy tính nhạc đã làm hiện ra trước mắt người đọc một khung cảnh lao động nhưng lại giống như một buổi vui chơi trên hồ Thác trong tản văn Quê núi: “Chiều buông xuống. Trong ánh hoàng hôn còn vương lại trên đỉnh núi Mông Sơn, từng đòn thuyền lách qua các đảo trên hồ Thác Bà đi thả rọ tôm, đánh cá. Họ vừa đạp thuyền lướt sóng ì - oạp vừa hát điệu “Khắp” của quê mình: “Con đường ba mươi ngả/ bản người chín mươi lối/ba mươi lối về vòng/ chín mươi lối về chụm/ lối nào lối Thác Bà/ ngả nào ngả thủy điện”...Người bên này hát chưa dứt. Chiếc thuyền đang ghé vào đảo Dưa có tiếng con gái hát đối lại: “Anh ơi thủy điện ở xa kia/ Nơi đây nơi quê em bản mới/ có đến em chỉ lối/ có tới em dẫn đường/ có thương em đến giúp bản dựng mường/ hai người một nhà sàn ta ở anh ơi...Trong tiếng sóng vỗ mạn thuyền ì oạp, tiếng tôm búng càng lách tách, tiếng cá quẫy. Lòng tôi lâng lâng như đang bơi tới một miền mơ ước mới” [43, tr. 218-219].

Với cách viết độc đáo, những lời văn đan xen những câu thơ, câu ca dao...những câu văn như chứa đựng nhạc điệu tạo cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng và cảm nhận được cảm xúc đang tuôn trào từ ngòi bút của các tác giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) văn xuôi yên bái từ 1986 đến nay (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)