7. Đóng góp của luận văn
3.4.1. Giọng điệu tâm tình
Xuất phát từ điểm nhìn bên trong, các tác giả văn xuôi kể chuyện như giãi bầy và phân tích tâm trạng, cảm xúc của mình với người xung quanh.
Với sáng tác của Trần Cao Đàm, văn ông nhẹ nhàng, giản dị, cứ tí tách rơi, len lỏi thấm vào tâm hồn người đọc bền bỉ như thời gian. Trong Bi oóc tảng hình ảnh một người phụ nữ được hiện lên dưới ngòi bút của ông từ ngoại hình nội tâm và hoàn cảnh cuộc đời thật rõ nét: “Chị Thướng có khuôn mặt phúc hậu, xinh xắn, pha sự khổ đau, nhẫn nại. Tội cho chị, ngồi trong nhà sàn cũ nát, cùng ba đứa con tật nguyền, đứa nằm, đứa bế. Mắt chị đờ đẫn nhìn vào khoảng tối nơi cuối nhà. Căn nhà mấy mẹ con chị ở chênh vênh bên sườn
dốc. Con đường dẫn vào nhà nhỏ hẹp, vừa dốc, vừa rậm cỏ, thục bùn đất. Con đường ấy chị mới phải đưa người chồng thương nhớ, đằng đẵng bao năm chờ đợi ra đi...” [42, tr. 80].
Với Hà Lâm Kỳ, bằng giọng văn nhẹ nhàng, ngọt ngào như những kỷ niệm êm dịu trong lòng, tác giả đã làm sống dậy những ký ức về tuổi thơ như còn nguyên vẹn trong tâm trí: “Bà nội tôi lòa cả hai mắt sau một trận vây bắt của giặc Pháp hồi đầu kháng chiến, nên bà trở thành cây chuyện cổ tích tại chỗ cho đám trẻ con ở bản. Mà đúng thật, ở bà có cả một kho truyện, truyện nào cũng so sánh như trăng giữa rừng, cũng ngọt như quả ngõa chín, cũng thơm như cơm lam đầu mùa vậy” [32, tr. 368].
Giọng điệu thủ thỉ tâm tình của các nhà văn trong sáng tác làm cho các trang văn giống như một lời tâm sự. Dường như các tác giả đang thủ thỉ với độc giả về cuộc sống, thiên nhiên, con người. Những trang sách dần đi vào trí nhớ và làm sống dậy cảm xúc trong tâm hồn người đọc.