7. Đóng góp của luận văn
3.4.2. Giọng điệu xót xa, thương cảm
Trong sáng tác của các nhà văn, có nhiều trang viết về những số phận éo le. ở đó tác giả thường sử dụng giọng điệu xót xa, thương cảm để cảm thông, chia sẻ với những khổ đau, bất hạnh của nhân vật. Cũng bằng giọng điệu xót xa mà các nhà văn đã thể hiện được tình cảm của mình với người thân yêu.
Với giọng điệu xót xa, đau đớn, Hà Lâm Kỳ đã diễn tả được những mất mát, đau thương khi kể về việc Hoàng Văn Thọ - người đội trưởng đầu tiên của đội thiếu nhi trung kiên xã Đại Lịch đã hy sinh anh dũng. Tác giả không dấu được nỗi tiếc thương: “Sáng hôm ấy, 20 tháng mười một năm 1947, một sáng trong lành mà ảm đạm, Hoàng Văn Thọ đã ngã xuống ngay trên mảnh đất quê hương lúc anh chưa đầy mười sáu tuổi” [32, tr. 69].
Hay trong Đau thương chắp cánh, Hoàng Tương Lai - con trai của nhà văn Hoàng Hạc đau đớn trước sự ra đi của người cha yêu dấu. Với giọng xót
xa như rút ra từ trong cõi lòng của mình ông đã làm xúc động người đọc: “Cha mất thật rồi sao! Tôi bàng hoàng nhìn cha nằm dài bất động, người teo nhỏ lại. Tấm giấy bản cắt hình hai con mắt, lỗ mũi, miệng phủ lên mặt. Tôi giật phắt tấm giấy ấy ra: khuôn mặt cha xanh xám, mắt nhắm nghiền. Hai bàn tay tôi ôm lấy khuôn mặt cha lay đánh thức cha dậy. Đáp lại: mặt cha lạnh ngắt, người cha cứng đơ,”cha ơi, cha!” tôi gào lên nức nở gọi cha, nhưng cha không hề thưa đáp. Cha mất thật rồi” [17, tr. 120].
Những cảm nhận từ trái tim nhân hậu đã được các nhà văn thể hiện qua những trang viết của mình bằng giọng điệu xót xa thương cảm. Thương cho những cảnh đời lầm than, xót xa đau đớn vì những mất mát, hy sinh. Từ đó làm sống dậy tình yêu thương trong cuộc sống của mỗi con người.