Chân dung người chồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa nhìn từ lí luận về giới (Trang 87 - 88)

7. Đóng góp của luận văn

3.2.1. Chân dung người chồng

Như trên chúng tôi đã nói, lựa chọn nhân vật người kể chuyện là một nghệ sĩ đồng thời cũng từng là một người lính, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự sắc sảo, già dặn trong nghệ thuật viết truyện của mình. Trong tác phẩm, toàn bộ chân dung nhân vật người đàn ông hàng chài đều hiện lên qua cái nhìn của Phùng. Khả năng bao quát hiện thực, óc quan sát, đôi mắt tinh tường “nhà nghề”…tất cả sở trường của một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng được phát huy cao độ để đặc tả chân dung của nhân vật. Vì thế, tính chân thực của đối tượng miêu tả sẽ bộc lộ rõ nét tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, trong đó có tinh thần phê phán nam quyền.

Trong một số lượng nhân vật không nhiều nhưng tác giả chỉ dừng lại miêu tả ngoại hình của hai nhân vật chính – cặp vợ chồng hàng chài là bởi chân dung ngoại hình của họ có lẽ cũng chuyển tải một cách tinh vi những thông điệp của người cầm bút. Bước vào tác phẩm, người đàn ông để lại ấn tượng ban đầu nơi bạn đọc là một ngoại hình thô kệch nhưng lại toát lên sự khỏe khoắn, vạm vỡ, chắc chắn của một người đàn ông miền biển với“Tấm lựng rộng và cong như một chiếc thuyền”, “Tảng lưng khum khum và vạm vỡ”, “ Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc

chắn”. Ngoại hình đó còn in đậm dấu ấn của cuộc mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Sự vất vả, nhọc nhằn của công việc được phản ánh qua “mái tóc tổ quạ” ,“hàng

lông mày cháy nắng” và “khuôn ngực trần cháy nắng”. Đặc biệt, đôi mắt nhân vật

được nhà văn đặc tả với vẻ hung dữ: “hai con mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới…của người đàn bà”. Sự “độc dữ” trong đôi mắt là một chi tiết “biết nói”, nó cho thấy bên trong cái cơ thể vạm vỡ, to lớn, cường tráng kia là cả một thế giới nội tâm đầy dữ dội, dữ dằn, hung bạo đến quyết liệt. Trong tác phẩm, chúng tôi nhận thấy sự lựa chọn những chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật của nhà văn đều hướng tới làm nổi bật sức mạnh, không chỉ vì

đó là yếu tố cần có của một người đàn ông làm nghề vó bè mà còn vì đó là biểu hiện cho quyền năng, cho vị trí làm chủ của người đàn ông trong gia đình theo tư tưởng

nam quyền. Văn hóa nam quyền quan niệm người đàn ông luôn đồng nghĩa với sức mạnh. Vai trò thống ngự, tính cách độc đoán, gia trưởng mà xã hội cấp cho họ vừa là một biểu hiện, vừa củng cố, nâng cao uy quyền của họ đối với gia đình. Và tất nhiên, họ sẽ dùng cái quyền uy “tối thượng” ấy của mình để đối xử với vợ con. Cùng với ngoại hình, những chi tiết miêu tả khác cũng toát lên sự tàn nhẫn, vũ phu của người chồng. Thái độ “hùng hổ”, nét mặt “đỏ gay” kia như thể lão đã “chuẩn bị” để trút lên “đối phương” tất cả những bực dọc, giận dữ, những uất ức nào đó trong lòng. Và ai ngờ đâu, “đối phương” phải hứng chịu cơn bạo hành tàn ác ấy lại chính là người bạn đời – người vợ - người mẹ của những đứa con lão. Tiếng thở

“hồng hộc” cùng “hai hàm răng nghiến ken két” đủ thấy được lão đang trút lên tấm

thân mỏi mệt của vợ tất cả sức mạnh của đòn roi và sự uất ức, bực dọc trong lòng. Dáng đi hình “chữ bát” của lão được nhà văn miêu tả hai lần cũng hàm chứa một quan niệm của ông về con người: “ Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc

chắn” và “hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang

vắng”. Chữ “bát” - “ trong tiếng Hán dùng để tả kiểu đi hai bàn chân xoạc ra hai bên, ở đây dáng chân đi hình chữ “bát” của lão đàn ông là kiểu đi hướng hai bàn chân ra hai bên vừa khệnh khạng, vừa oai vệ như là hiện thân cho sức mạnh quyền lực chúa tể của lão trong gia đình. Theo một số tài liệu không chính thức còn cho rằng, người có dáng đi này thường có nét tâm lý và tính cách bảo thủ. Tìm hiểu ý nghĩa của chữ “bát” như trên, chúng tôi cho rằng: cái dáng đi chữ “bát” đầy uy quyền đó được nhà văn so sánh như “một con gấu đang đi tìm nguồn nước”, để lại những “vết chân to và sâu” trên bãi cát như một lời khẳng định thứ quyền lực tuyệt đối - bất khả xâm phạm của lão đàn ông – vừa đầy bản năng vừa dữ tợn, khiến những người xung quanh phải khiếp sợ và phục tùng theo. Hành động dang thẳng cánh tay cho thằng Phác hai cái tát như minh chứng cho sự trả giá của sự đi ngược lại với quyền lực đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa nhìn từ lí luận về giới (Trang 87 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)