7. Đóng góp của luận văn
2.1.1. Vấn đề đối xử với thân thể phụ nữ
Theo nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, khái niệm con người gồm hai phương diện “Thân” và “Tâm”. Tâm là cảm xúc, tâm lý, tư tưởng, tình cảm…thuộc về đời sống bên trong – đời sống tâm hồn của con người. Thân là thân thể, thân xác thuộc về đời sống bên ngoài, gắn liền với những nhu cầu vật chất, với bản năng tính dục…. là nền tảng vật chất cho sự tồn tại của con người. Như vậy, tôn trọng và bảo vệ con người là phải tôn trọng và bảo vệ những cái thuộc về cả hai phương diện Thân và Tâm ấy.
Con người là đối tượng phản ánh của văn học, do đó, một tác phẩm văn học chân chính, mang chiều sâu nhân bản, nhân đạo bao giờ cũng là tác phẩm hoặc thể hiện cái nhìn xót thương, trân trọng, ngợi ca con người ở phương diện Thân và Tâm hoặc thể hiện thái độ bất bình, đấu tranh bảo vệ khi Thân và Tâm con người bị lăng nhục, bị chà đạp. Nhân loại đã từng yêu và xúc động trước Những người khốn khổ
của V.Huy gô; kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du khi ngòi bút của những người nghệ sĩ thật sự như đọng máu và nước mắt khi viết về nỗi đau thân xác và bi kịch tâm hồn của con người. Và những tác phẩm như thế sẽ còn lay động trái tim độc giả, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian.
Nếu nói Thân là nền tảng vật chất cho sự tồn tại của con người thì tôn trọng con người trước hết phải tôn trọng thân thể của nó, bất luận là nam giới hay nữ giới. Không thể nói đến một chủ nghĩa nhân đạo nhưng lại khinh miệt thân xác con người, can thiệp vào quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người. Trong nền văn hóa chuyên chế phương Đông như Việt Nam trước đây, luật pháp thể hiện rõ thái độ chuyên chế, khinh miệt con người qua “ngũ hình”, trừng phạt tội phạm bằng cách chà đạp, lăng nhục thân xác: “Luật hình xưa quy định đến chi tiết các mức đòn khác nhau tùy theo tội nặng nhẹ. Trong năm hình phạt (ngũ hình) thì hai hai hình phạt đầu tiên quy định đánh đòn bằng roi (xuy) và gậy (trượng), (…). Chẳng hạn Hoàng Việt luật lệ (còn được gọi là luật Gia Long) quy định mức phạt bằng roi có 5 bậc, từ 10 đến 50 roi, mức phạt bằng gậy cũng có 5 bậc, kẻ phạm tội nặng hơn 50
roi thì chuyển sang phạt bằng gậy, từ 60 đến 100 gậy,… ” [36, tr.408], “Xét cho cùng, hiện tượng này phản ánh tâm thức phổ biến coi thường, miệt thị thân xác. Và
không ai thấy như vậy là điều bất bình thường” [36, tr.409]; “Đối với người phương
Đông xưa, chuyện đánh đòn tội nhân là “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng ai
xúc động” [36, tr.410]. Điều đáng nói, quan niệm coi thường thân xác con người
được xem là “chuyện thường ngày” trong xã hội chuyên chế không chỉ với tội phạm nói riêng mà với cả con người nói chung – như một nét văn hóa phổ biến và được chấp nhận. Điều này được Nguyễn Du phản ánh trong Truyện Kiều (Thể hiện ở các cảnh có sự đánh đập, bạo hành như: Bọn sai nha đánh Vương Quan, Vương ông; các cảnh Kiều bị Tú Bà, quan phủ, Hoạn Thư đánh đòn,…). Tuy nhiên, Nguyễn Du viết trên tinh thần của một nhà nhân đạo, ông đã lên tiếng phản kháng, tố cáo xã hội chuyên chế phong kiến khi lấy đòn roi giáng xuống thân thể của con người, trong đó có cô Kiều. Như vậy, với Nguyễn Du trân trọng con người trước hết cần phải trân trọng thể xác của con người chứ không phải trên tinh thần nhân đạo chung chung.
Xã hội chuyên chế trên đã đưa đến một thực tế là từ gia đình đến ngoài xã hội, thân thể con người đều không được coi trọng. Vua chúa, quan lại thì tự cho mình cái quyền được chà đạp thân thể con người bằng các luật hình dã man; các đức ông chồng mang tư tưởng nam quyền, theo đó cũng tự cho mình quyền được đánh đập, bạo hành thân thể người vợ. Đó là đặc điểm của xã hội chuyên chế, phong kiến mà nếp nghĩ, cách hành xử vẫn cứ dai dẳng tồn tại ngay cả khi chế độ phong kiến bị đánh đổ. Những tưởng chỉ có cô Mị sống dưới chế độ phìa tạo ở những vùng núi xa xôi trước khi làn sóng cách mạng tràn đến mới bị bạo hành, đánh đập bởi A Sử, như là biểu hiện của áp bức giai cấp, của xung đột giửa kẻ giàu người nghèo, thống trị và bị trị. Nhưng không, ngay trong thời hiện đại, ngay sau khi đất nước được thống nhất, không còn chuyện áp bức giai cấp, thống trị và bị trị, vậy mà chuyện người chồng bạo hành, đánh đập vợ vẫn cứ diễn ra.
Ở Chiếc thuyền ngoài xa, vấn đề “thân thể” bị đàn áp, bạo hành nổi bật nên
chồng vũ phu đánh đập người vợ trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa từ góc nhìn về xã hội chuyên chế phong kiến đối xử với thân xác con người. Vì sự thống trị của người chồng đối với người vợ cùng loại hình, đặc trưng của xã hội chuyên chế thống trị, chà đạp con người. Đọc lại đoạn văn miêu tả cảnh người chồng bạo hành vợ của Nguyễn Minh Châu, chúng ta không khỏi xót xa cho kiếp phận đàn bà: “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên
rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết đi cho ông nhờ!” [9, tr.256,
257].
Bạo lực chưa bao giờ là giải pháp tích cực cho bất cứ một mâu thuẫn, một
sự đối kháng nào trong xã hội, càng không phải là cách hành xử có thể tồn tại trong mối quan hệ gia đình. Rạn nứt, đổ vỡ hạnh phúc cũng từ đấy mà ra. Vậy mà trong tác phẩm, người chồng ngang nhiên đánh vợ một cách đầy thô bạo và tàn ác. Chữ
“lính ngụy” nhà văn dùng phải chăng cũng góp phần tô đậm tính chất dã man của
hành động bạo hành, hơn nữa còn ám chỉ việc lão chồng đánh vợ như kẻ thù. Thật xót xa thay khi mà những người thân yêu nhất trong một gia đình lại có thể đối xử với nhau như những kẻ ở hai đầu chiến tuyến. Cũng thật đau đớn thay khi con người
lại bị hành hạ, bị đối xử tàn ác không phải trên chiến trường mà trong chính không gian tổ ấm gia đình. Liệu trong làng chài này, trong vùng biển miền Trung này và xa hơn nữa, còn có bao nhiêu cảnh bạo hành, bao nhiêu người phụ nữ phải oằn mình gánh chịu những trận đòn roi vô lí và vô đạo từ chính người chồng của họ? Nguyên nhân của trận đòn roi trút xuống như lửa cháy kia thuộc về ai? Thói vũ phu độc ác, tàn nhẫn, ích kỉ như ăn sâu vào máu của người đàn ông hàng chài sinh ra từ đâu? Câu hỏi nhức nhối này đã được tác giả mượn lời các nhân vật để lí giải, cắt nghĩa và truy nguyên nguồn gốc của những tính cách thấp hèn kia.
Về phía người đàn bà hàng chài, chúng ta thấy chị xuất hiện trong tác phẩm là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, tảo tần tần sớm hôm cùng chồng mưu sinh trên biển. Là một người vợ nhu thuận với chồng, một người mẹ âm thầm, lặng lẽ hi sinh tất cả để chăm lo cho con cái. Vậy chị không thể là người có lỗi, càng không đáng bị hứng chịu những đòn rôi vô lí kia từ phía người chồng. (Ngay cả những người vợ mắc lỗi cũng không đáng bị đối xử tàn nhẫn như vậy). Do đó không thể có một lí do nào được coi là “chính đáng” cho những hành động thô bạo của lão đàn ông hàng chài. Sự việc này bởi vậy đã gây ra nhiều phẫn nộ cho cả người trong và ngoài cuộc như thằng bé Phác, nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu (phản ứng của các nhân vật này sẽ được chúng tôi phân tích ở phần sau). Như vậy, nguồn cơn của những trận bạo hành kia chỉ có thể soi xét từ phía người chồng.
Dưới cái nhìn và suy nghĩ đầy cảm thông, bao dung của người đàn bà hàng chài, tính cách độc ác của lão chồng chị là do hoàn cảnh đói nghèo tạo nên. Chính sự vất vả, cực nhọc cùng những áp lực của cuộc sống mưu sinh trên biển đã khiến lão tha hóa. Chồng chị trước đây “là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm” và không bao giờ đánh vợ. Thực tế tiếp nhận cho thấy, nhiều xu hướng tiếp nhận đã dựa vào lời tâm sự trên của người đàn bà hàng chài mà đưa ra những luận giải, cắt nghĩa về nguyên nhân của hành động bạo hành là do người chồng tự thấy mình khổ quá, do cuộc sống đói nghèo. Sách giáo viên Ngữ văn 12 nâng cao cho rằng: “Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng bạo lực trong gia đình hàng chài chính là sự tăm tối và thói vũ phu của người đàn ông. Nhưng nguyên nhân sâu xa là tình trạng đói nghèo, là đời sống bấp bênh kéo dài gây tâm lí bế tắc, u uất” [29, tr.66]. Cuốn Tư liệu ngữ văn phần văn học 12 cũng viết: “hành động vũ phu man rợ của người đàn ông không phải xuất phát từ nguyên nhân là một tội lỗi nào đó của người
đàn bà mà nguyên nhân là gánh nặng cuộc sống, gánh nặng gia đình” [35, tr.233].
Dẫu vô cùng trân trọng tấm lòng vị tha, nhân hậu và bao dung của người đàn bà dành cho chồng mình song từ hướng nghiên cứu văn hóa giới, chúng tôi muốn bổ sung thêm một cách nhìn nhận về lí do đánh vợ của người đàn ông. Bởi có thể
thói vũ phu tàn nhẫn trên không phải là bản chất của nhân vật người chồng và ít nhiều do hoàn cảnh tạo nên nhưng cũng không thể lấy sự cảm thông của người vợ làm tấm chắn để cái xấu, cái ác ấy mặc nhiên tồn tại, mặc nhiên gây đau đớn, tổn thương cho những người xung quanh. Nếu đổ lỗi cho công việc mưu sinh vất vả thì cái phần khó khăn, cực nhọc ấy đâu chỉ riêng mình lão đưa vai gánh chịu. Trong tác phẩm, nhà văn hơn một lần miêu tả dáng vẻ người đàn bà đầy mệt mỏi, thậm chí như kiệt sức sau những đêm thức trắng kéo lưới. Ai dám bảo trong cuộc mưu sinh chật vật kia, trong những áp lực và thúc bách của nhu cầu áo cơm, cả trong việc sinh nở và chăm sóc gần chục đứa con, người đàn bà chưa từng rơi vào tình trạng khổ đau, tuyệt vọng? Cực nhọc ngang nhau, khổ đau như nhau chỉ khác ở chỗ người đàn bà thì lặng lẽ hi sinh, gồng mình cam chịu, coi đó là bổn phận và trách nhiệm của bản thân chỉ mong cho gia đình yên ổn. Còn người đàn ông lại đổ lỗi cho vợ con, coi gia đình là gánh nặng và là nguồn cơn tạo nên những khổ đau mà lão phải hứng chịu. Nếu là người biết tôn trọng phụ nữ chân yếu tay mềm thì người chồng phải xúc động trước sự hy sinh, đồng cam cộng khổ của người vợ. Đằng này lão lại đánh vợ như để trả thù, đánh để giải tỏa nỗi uất ức “vô lí” trong lòng. Hơn nữa, trận bạo hành không thể tha thứ kia đâu chỉ xảy ra một lần trong đời người đàn bà hàng chài. Nó diễn ra như cơm bữa, có tính chất thường xuyên, liên tục, thậm chí như được “lập trình” một cách vô cảm, thiếu tính người: “Ba ngày một trận nhẹ, năm
ngày một trận nặng”. Nghe thêm lời tâm sự của nhân vật người vợ: “Bất kể lúc nào
thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với
lão …đưa tôi lên bờ mà đánh…” chúng ta càng thấy ở người đàn ông toát lên sự vô
tâm, lạnh lùng, tàn bạo, một cách chuyên chế thâm căn cố đế. Rõ ràng người chồng không những không trân trọng người vợ của mình mà sự tôn trọng tối thiểu cần có giữa con người với con người dường như cũng không có nốt. Lấy việc hành hạ vợ bằng đòn roi và những lời chửi rủa, lăng mạ vợ để tìm sự thanh thản trong lòng nhưng kết cục thì sao, bi kịch chồng chất bi kịch. Không thể có một sự an nhiên, thanh thản trong lòng người chồng được đánh đổi bằng những giông bão, cào cứa trong tâm hồn và những vết thương trên thân thể của người vợ.
Cái nhìn con người mang chiều sâu nhân bản phải là cái nhìn coi trọng con người ở cả hai phương diện: Thân và Tâm. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sâu sắc cái nhìn ấy qua việc phê phán hành động bạo hành của người chồng lên cả thân xác và tâm hồn của người vợ. Lão tự cho mình cái quyền làm chủ, quyền sở hữu thân thể của người vợ. Lão đánh vợ bất kể lúc nào lão thấy khổ - đồng nghĩa với bất cứ lúc nào lão muốn bởi kiếm sống bằng nghề chài lưới trên biển thì cực khổ là một điều tất yếu như cái tất yếu của phong ba, bão tố ở biển khơi vậy. Sự bất bình đẳng, sự bất công trong mối quan hệ vợ chồng của gia đình hàng chài – giữa những năm 80 của thế kỉ XX này phải chăng đã tồn tại trong xã hội Việt Nam bao đời – một xã hội từng vận hành theo tư tưởng, văn hóa nam quyền và vẫn còn hiện diện nhức nhối trong các thời kì sau?
Ở đây, chữ dùng của Nguyễn Minh Châu thật sắc. Từ “xách” vợ ra đánh cho thấy người đàn ông coi vợ chỉ như một món đồ, một vật sở hữu. Mỗi lần lão xách vợ ra đánh để giải tỏa nỗi khổ đau được miêu tả nhẹ nhàng giống như người ta xách một món đồ chơi ra tiêu khiển để giải tỏa những mỏi mệt. Lão tự cho mình cái quyền được xâm hại, chà đạp lên thân thể và làm tổn thương cả tinh thần của người vợ. Chi tiết này minh chứng rõ nét cho sự hiện diện của tư tưởng nam quyền như đã ăn sâu vào máu thịt của nhân vật. Hơn nữa, đánh vợ, đánh con xong, “lão lẳng lặng bỏ đi…không hề quay mặt nhìn lại”. Thản nhiên và vô cảm như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Không một biểu hiện ân hận, không mặc cảm có lỗi thường thấy của những người bị hoàn cảnh xô đẩy (Trong sáng tác của Nam Cao, Chí phèo từng khóc lên đau đớn khi nhận ra mình đã từng làm hại biết bao người dân lương thiện, văn sĩ Hộ cũng tự sỉ vả mình là kẻ khốn nạn và xin vợ tha thứ trong nước mắt khi đối xử thô bạo với vợ con trong cơn say.) là vì lão cho rằng lão có quyền làm thế. Và khi tự cho mình cái quyền được hành hạ vợ, đương nhiên người chồng đó không bao giờ ý thức được mình có lỗi. Vậy nên, cái giọng rên rỉ đau đớn nguyền rủa vợ cùng mỗi nhát quất không thể hiện tâm trạng đau đớn vì xót xa cho bi kịch gia đình như ai đó từng nói mà vì nỗi đau khổ của riêng hắn. Do đó, sự tàn bạo, tàn nhẫn trong cách đối xử với người vợ của lão chồng hàng chài khiến Phùng - một người
lính từng đối mặt với bọn lính ngụy tàn ác rất nhạy cảm với vấn đề bạo lực đặt ra nghi vấn: “Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính ngụy không?”. Câu hỏi ngỡ như “lạc đề”, sự liên tưởng ngỡ như vu vơ nhưng lại có lí (vì tính chất thô bạo, nhẫn tâm của sự bạo hành trên dường như chỉ là bản chất của lính ngụy). Đồng thời, qua câu trả lời phủ nhận việc chồng không đi lính ngụy của người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu chuyển sự lí giải, cắt nghĩa về phía người đọc. Sự tàn bạo, vũ