7. Đóng góp của luận văn
2.2.2. Tư tưởng chấp nhận sinh đẻ nhiều, dẫn đến cuộc sống nheo nhóc
Như vậy nhìn từ văn hóa ứng xử giới trong xã hội nam quyền, những người phụ nữ trên mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng họ đều mặc nhận về vai trò làm chủ của chồng mình trong gia đình cũng như thân phận “nô lệ”
phụ thuộc vào chồng. Vì gia đình, họ sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống lam lũ, bạo lực, một đời sống mà ngay cả bản thân họ cũng không biết mình sẽ là mẹ của bao nhiêu đứa con. Chính nhận thức hạn hẹp, ấu trĩ này khiến cho họ trở thành nạn nhân của tư tưởng nam quyền cố hữu. Trở lại với người đàn bà hàng chài trong Chiếc
thuyền ngoài xa, tìm hiểu những suy nghĩ, phát ngôn và hành động của người đàn
bà trên tòa án huyện, ta sẽ thấy rõ hơn sự chi phối của tư tưởng nam quyền với người phụ nữ này.
Người đàn bà đã chấp nhận đòn roi không chỉ vì cần một người đàn ông trên
thuyền để nuôi con mà còn vì mặc cảm có lỗi với chồng: “Cái lỗi chính là người
đàn bà đẻ nhiều quá” - Cái lỗi của sự đẻ nhiều khiến nhà đồng con, thuyền thêm
chật. Thêm người là thêm nỗi lo về cơm áo. Đó là lí do khiến hai vợ chồng phải lao động vất vả, cực nhọc mà không đủ ăn. Cuộc sống đã khổ lại càng thêm khổ; bữa đói, bữa no; thậm chí có khi phải ăn cây xương rồng luộc chấm muối – thứ thức ăn ngay cả đến gia súc cũng không thể ăn được suốt hàng tháng trời. Và khi khổ quá, lão chồng lại đánh vợ. Cả gia đình cứ luẩn quẩn trong cái vòng mưu sinh nhọc nhằn nhuốm màu bạo lực ấy. Tâm sự “Giá tôi đẻ ít đi” cho thấy người đàn bà đã tự nguyện chấp nhận sinh đẻ nhiều theo chủ ý của chồng mà không hề có một chút quyền tự quyết, tự chủ nào. Quan điểm “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con” cho thấy chị đã tự trói buộc mình trong tư tưởng phải làm tròn thiên chức của một người vợ, người mẹ bằng việc phải sinh nhiều con mà không hề tính đến những hệ lụy của một gia đình đông con. Càng không nghĩ đến sức khỏe của bản thân và những rủi ro khác có thể đến từ việc sinh nở liên tục như vậy. Khó khăn này quàng
buộc vào khó khăn kia, khó khăn kia lại là hệ lụy của khó khăn khác, cứ thế cuộc đời và gia đình của người đàn bà hàng chài quẩn quanh trong cái vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống. Để rồi, mọi bế tắc, mọi khổ đau lại trút xuống cái thân hình lúc nào cũng mỏi mệt gần như kiệt sức của chị. Mặc cảm có lỗi vì đẻ nhiều con nên việc tự nguyện cho chồng đánh để giải tỏa những đau đớn trong lòng nhìn ở một góc độ nào đó cũng là cách chị nhận lỗi, chuộc lỗi với chồng.
Như vậy, nữ quyền luận nhìn nhận vấn đề người phụ nữ không trên tinh thân nhân văn chủ nghĩa chung chung mà gắn với vấn đề thân thể người phụ nữ và với cả cái nhìn của chính người phụ nữ về thân thể của mình. Ở người đàn bà hàng chài, trước sự áp chế của người chồng về vấn đề thân thể trên phương diện sinh đẻ đã hoàn toàn mất tiếng nói, chị đã phải đẻ hàng tá con cho lão chồng nhưng không dám hé răng kêu ca với lão, chỉ khi rơi vào hoàn cảnh cực chẳng đã mụ mới dám than với Phùng và Đẩu “giá tôi đẻ ít đi…Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi
nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Tình trạng này cũng
xảy ra với mụ Huệ trong Phiên chợ Giát. Đến với lão Khúng trong một hoàn cảnh trớ trêu – khi phải bỏ chốn thị thành cùng đứa con sắp sinh trong bụng, mụ được lão
cứu giúp... Mụ Huệ lấy lão – một lão nông dân đích thực và buộc phải cùng chồng tìm kiếm tương lai trong công cuộc khai hoang vất vả. Từ chỗ là một cô gái thành phố, mụ lấy lão Khúng không phải do tình yêu đích thực, lại càng không phải do
mong muốn một cuộc sống điền viên thôn quê. Huệ đến với lão để che đậy một cuộc tình phụ bạc, không tình yêu, không mong muốn mà chỉ như một sự lựa chọn không thể khác trong hoàn cảnh bế tắc, cùng đường. Vì vậy, trong suốt quãng đời gần hai mươi năm chung sống với lão Khúng, mụ bị lão biến thành một “cái máy đẻ”, làm ra cho lão cả một “kho người” gần chục đứa mà mụ cũng không một lần dám kêu than. Lão Khúng đã khai thác một cách triệt để nguồn nhân lực từ mụ để phục vụ cho công cuộc khai hoang của mình mà chẳng cần biết mụ suy nghĩ gì? có
muốn đẻ hay không? Với lão điều ấy không quan trọng bởi dù có không muốn lão vẫn bắt phải đẻ và với thân phận của mụ cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác là việc phải thuận theo chồng. Nhân vật mụ Huệ cùng nhân vật người đàn bà hàng chài có sự đồng cảnh trong cái nhìn không được tôn trọng sức khỏe sinh sản của người chồng cũng như nỗi khổ trở thành “nô lệ thân thể” của chính chồng mình. Ở họ, cả những người đàn ông cũng như đàn bà nói trên đều có sự tụt hậu trong nhận thức trước sự phát triển của nữ quyền thời bấy giờ. Một đằng chọn vị thế làm chủ,
kẻ mạnh áp chế bằng quyền sở hữu vợ, một đằng lại mặc nhận sự sở hữu đó. Tuy nhiên, trong thực tế, không có một hạnh phúc nào lại được tạo dựng trên nỗi đau
của người khác, dù là tự nguyện. Người đàn ông vì sự kém hiểu biết đã có những hành động bị xã hội lên án, còn người đàn bà từ bao giờ đã tự thừa nhận cái quyền hành tối cao của lão chồng, chấp nhận sự tàn bạo của chồng cũng như không có ý định thoát ra. Cũng với ý này, nhà nghiên cứu Lê Quang Hưng đã nhận xét về người đàn bà hàng chài như sau: “Tưởng chị ta căm thù chồng và sẵn sàng đoạn tuyệt. Vậy mà không. Người đàn bà can tâm, tự nguyện chịu đựng đòn roi, không thể bỏ chồng là vì những đứa con, vì chuyện cơm áo của gia đình. Chị chỉ mong những đứa con của mình được ăn no. Nghịch lý đấy mà rất có lý. Chân lý cuộc đời lại hiển hiện ngay ở chỗ tưởng chừng vô lí”, [16, tr.217].
Thì ra nghịch lí người phụ nữ kia phải chịu đựng bắt nguồn từ cái có lí của tình mẫu tử, của bổn phận và trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Nhưng cái lí ấy lại đến từ cái vô lí mà người phụ nữ cả đời phải chấp nhận trong mối quan hệ với gia đình, đặc biệt với người chồng của mình. Và oái ăm thay, cái vô lí đó lại được tư tưởng nam quyền, văn hóa nam quyền dung túng và hợp lí hóa trong thực tiễn lịch sử qua nhiều thế hệ. Phải chăng đây chính là cái “đa sự, đa đoan” của cuộc đời vẫn đi vào chân thực và nhức nhối trong những trang viết của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975? Và bài toán cuộc đời cho những người phụ nữ bất hạnh trong sáng tác của nhà văn vẫn đang chờ lời giải.