Đổi mới quan niệm về con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa nhìn từ lí luận về giới (Trang 29 - 30)

7. Đóng góp của luận văn

1.2.3. Đổi mới quan niệm về con người

Con người luôn là nhân vật trung tâm của đời sống văn học, mỗi thời đại sẽ có cách đánh giá, nhìn nhận khác nhau về con người, thậm chí ngay trong hành trình sáng tác của một nhà văn, quan niệm về con người cũng có sự thay đổi. Nhìn lại những sáng tác trước năm 1975 của Nguyễn Minh Châu ta thấy các nhân vật được xây dựng dưới ánh sáng của cảm hứng lãng mạn và màu sắc sử thi. Yếu tố riêng mờ nhạt trước sự lấn át của phẩm chất chung mang tầm thời đại: Yêu - Căm - Chiến - Lạc. Đọc truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng, ta thấy Nguyệt và Lãm đều có trong mình những phẩm chất trên. Họ yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, có lý tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc và nhân dân. Tất cả đều được thi vị hóa như nhà văn Nikulin nhận xét: “ Nhà văn thời ấy đã khá triệt để trong việc thi vị hóa nhân vật. Đây vừa là chỗ mạnh của anh, lại vừa là chỗ yếu: niềm tin vào tính bất khả chiến thắng của cái đẹp tình thần, của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã “tắm rửa sạch sẽ” các nhân vật của mình. Họ giống như

được bao bọc trong bầu không khí vô trùng” [17, tr.470].

Từ năm 1980, quan niệm về con người của Nguyễn Minh Châu đã có sự thay đổi theo chiều hướng tiến sâu hơn vào nắm bắt toàn diện bản chất con người - nhìn nhận con người toàn vẹn, đa chiều, trong đó con người đời tư thế sự song hành với con người xã hội - lịch sử, con người trong tính cá thể hóa và tính phổ quát nhân loại, trong các mối quan hệ xã hội mới, phức tạp hơn đã hiện ra với đầy đủ sắc diện tốt có, xấu có, khi cao cả, khi lại đớn hèn,… và có cả “rồng phượng lẫn rắn rết”

(Bức tranh). Chỉ khi nhìn nhận đúng con người, xem xét con người là một thực thể phức tạp - bí ẩn, là một tiểu vũ trụ, không thể biết trước và không thể biết hết so với suy đoán thông lệ mới có thể khám phá hết về con người. Vì vậy, khám phá cái thế giới bên trong đầy bí ẩn của con người luôn là phần khắc khoải nhất trong những sáng tác của ông giai đoạn này, như ông từng quan niệm: “Văn học và đời sống là

hai vòng tròn đồng tâm - mà tâm điểm là con người” [18, tr.111]. Với quan niệm

tiến bộ và biện chứng về con người như vậy nên sáng tác của Nguyễn Minh Châu là nơi để ông đặt tình yêu và niềm tin vào con người, để không chỉ “cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời” mà còn “giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống” [18, tr.111]. Đặc biệt, vấn đề người phụ nữ trong sáng tác sau năm 1975 của ông cũng nằm trong sự đổi mới đó khi những người phụ nữ đều được soi chiếu bởi nguồn cảm hứng đời thường – vấn đề này sẽ được triển khai rõ hơn ở mục 1.2.5.

Như vậy, với sự đổi mới qua niệm về con người ở thời hậu chiến, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy một tình yêu thương, một nỗi quan hoài, khắc khoải thường trực về thân phận của con người, trước hết là của những người phụ nữ trong sáng tác của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa nhìn từ lí luận về giới (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)