7. Đóng góp của luận văn
1.2.2. Đổi mới về ý thức nghệ thuật
Trong đổi mới văn học, đổi mới trong tư duy, ý thức nghệ thuật được xem là quan trọng trước hết. Đó là sự đổi mới quan niệm về nhà văn, quan niệm về văn chương, về mối quan hệ của nhà văn với hiện thực, với công chúng và với chính mình.
Về quan niệm về nhà văn, có sự thay đổi từ mô hình nhà văn - chiến sĩ, chiến đấu vì cộng đồng sang mô hình nhà văn - nghệ sĩ, gắn với cái tôi cá nhân. Đây là bước chuyển quan trọng để xác định tâm thế của người nghệ sỹ trước và sau năm 1975.
Về đổi mới quan niệm về hiện thực: trước năm 1975 hiện thực theo kiểu chủ nghĩa đề tài định trước, được nhìn nhận xuôi chiều. Trong bài - Hãy đọc lời ai điếu
cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987), Nguyễn Minh Châu đã sử dụng hình
ảnh “cái hành lang hẹp và thấp” để chỉ ra quan niệm về hiện thực của văn học thời kháng chiến: “Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp (…). Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần,
tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong
cái hành lang kia”.[5]. Ở Nguyễn Minh Châu và các nhà văn cùng thời, hiện thực
đã được mở ra phong phú, đa chiều, mỗi người một quan niệm, một khuynh hướng thẩm mỹ. Họ không còn bị động trong sự ràng buộc như trước mà đã chủ động lựa chọn đề tài, tiếp cận hiện thực đời sống: Ma Văn Kháng lại tìm đến và đề cao giá trị nguồn cội, Nguyễn Huy Thiệp thì nhấn mạnh vào bản thể tự nhiên của con người và Nguyễn Minh Châu lại đi tìm những hạt ngọc đạo đức trong công cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Đổi mới quan hệ của nhà văn với công chúng là một nhu cầu tất yếu sau 1975. Đây được xem là mối quan hệ sống còn của văn học, trong đó nhà văn vừa tạo ra công chúng vừa bị công chúng chi phối. Nếu trước năm 1975, sứ mệnh của nhà văn chiến sỹ khiến họ thành người dẫn dắt, giảng giải, giáo dục công chúng đến với lý tưởng thì sau 1975 mọi thứ đã thay đổi, trước cuộc sống bộn bề, công chúng có nhiều mối quan tâm hơn, đòi hỏi văn học phải tự điều chỉnh mình để đáp ứng được yêu cầu đa dạng của công chúng. Quan hệ cũng tất yếu thay đổi từ độc thoại chuyển sang đối thoại giữa nhà văn và công chúng. Trước hiện thực, nhà văn chỉ đưa ra những đề nghị, giải pháp của mình để độc giả đánh giá.
Trong quan hệ với chính mình: Nếu trong văn học thời chiến, nhà văn phải chấp nhận hy sinh cái bản ngã cho cộng đồng, sống và viết thiếu bản lĩnh với một nỗi sợ cố hữu dẫn đến tự đánh mất mình thì lúc này, ý thức về cá tính sáng tạo đã trở thành một nhu cầu thường trực và nhà văn đã nhận thức về mình, về nghề nghiệp của mình, về bản chất văn chương của mình trên tinh thần của chủ nghĩa cá nhân văn hóa. Người nghệ sỹ cần có cá tính sáng tạo và hơn cả là sự tự do sáng tạo. Nhà văn phải có trách nhiệm cao với xã hội, thức tỉnh, cảnh báo những nguy cơ có thể con người phải đối mặt. Để đảm nhận được sứ mệnh đó, trước hết nhà văn cần phải có một tình yêu lớn với con người. Ông từng thổ lộ: “Tôi không thể nào tưởng tượng nổi nhà văn không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sỹ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thương trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình. Cần giữ cái tình yêu lớn ấy trong
mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời” [20, tr.111].
Như vậy, đổi mới về ý thức nghệ thuật là một bước chuyển mình quan trọng của Nguyễn Minh Châu và những nhà văn lúc bấy giờ. Cùng đi trong cái hành lang hẹp nhưng Nguyễn Minh Châu luôn day dứt một cách có ý thức để tìm ra cho mình một lối đi riêng. Ý thức này được thể hiện rõ trong việc đổi mới quan niệm về con người.