7. Bố cục của luận văn
2.2.2. Khúc xạ đời sống tín ngưỡng vùng Yên Phong, Bắc Ninh
2.2.2.1. Tín ngưỡng thờ thần nước ở xứ Kinh Bắc
Sùng bái tự nhiên là giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của con người. Với người Việt sống bằng nghề lúa nước, thì sự gắn bó với tự nhiên lại càng dài lâu và bền chặt. Do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tự nhiên dẫn đến hậu quả trong lĩnh vực nhận thức là lối tư duy tổng hợp, và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần.
Trong số các tín ngưỡng thờ thần ở xứ Bắc, nổi bật nhất là tục thờ thần Nước còn gọi là tục thờ Thuỷ thần. Cuốn Địa chí Yên Phong có ghi: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên trong chuyên luận Bản đồ phân bố các vị thành hoàng
của tỉnh Bắc Ninh đã thống kê được 25 vị Thuỷ thần và phân bố như sau: huyện
Gia Bình 11 vị, huyện Từ Sơn có 3 vị, huyện Thuận Thành có 3 vị, phủ Gia Lâm có 2 vị, huyện Yên Phong có 3 vị, huyện Tiên Du có 1 vị, huyện Quế Võ có 1 vị. Dựa vào thư mục Thần tích, thần sắc (lưu tại Thư Viện Viện Khoa học xã hội) của Viện Viễn Đông Bác Cổ điều tra năm 1938, chúng tôi thống kê được 27 vị Thuỷ thần được thờ ở Bắc Ninh, trong đó huyện Thuận Thành có 5 vị, nhiều hơn con số thống kê của Nguyễn Văn Huyên là 2 vị” [21]. Có lẽ không chỉ Yên Phong, Bắc Ninh mà nhiều tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam có hiện tượng thờ Thủy thần. Hiện tượng này phân bố phổ biến dọc các dòng sông. Thủy thần có thể là rồng, rắn, giao long, cá chép… Cho nên có rất nhiều truyền thuyết hay lễ tục liên quan đến các con vật kể trên như truyền thuyết và tín ngưỡng về thần Rắn, ông Dài ông Cộc, rồng (Lạc Long Quân), Bách noãn (trăm trứng), cùng với đó là trò chơi Kéo rắn.
Song hành với truyền thuyết về các vị Thuỷ thần có nguồn gốc là thần tự nhiên, còn có truyền thuyết về các nhân vật nửa tự nhiên nửa lịch sử hóa được thờ là Thuỷ thần, tiêu biểu như truyền thuyết về Trương Hống, Trương Hát hay
còn được gọi là Thánh Tam Giang. Lí giải về việc tại sao người dân Yên Phong đặc biệt là các làng gần sông Cầu lại có nhiều nơi thờ Thủy thần, theo chúng tôi có lẽ do có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Huyện Yên Phong được bao bọc bởi sông Cầu, sông Cà Lồ và sông Ngũ Huyện Khê dân cư nơi đây đa số sinh sống bằng nghề chài lưới và trồng lúa nước, do vậy đối với người dân, nước có vai trò hết sức quan trọng, nước vừa mang lại nguồn sống cho cây cối và vạn vật. Chính vì vậy con người rất cần đến nước. Tuy nhiên nước cũng chính là thủ phạm gây nên thiên tai lũ lụt cướp đi của cải vật chất của con người. Vốn là một vùng đồng bằng chiêm trũng, thường hay ngập lụt vào mùa mưa. Đã vậy công tác trị thủy xưa kia không được chú trọng nên hiện tượng vỡ đê là dễ xảy ra. Vì vậy hơn ai hết người dân hiểu được sức mạnh của thiên nhiên để trấn an nỗi sợ hãi, tạo tâm lý yên tâm, người dân đã nghĩ ra việc thờ Thủy thần cầu mong sông nước hiền hoà, mùa màng tươi tốt, đánh bắt được nhiều sản vật. Như vậy tín ngưỡng thờ Thuỷ thần ở xứ Bắc có môi trường phát triển, là do nhu cầu nội tại của nó - sự bức xúc của cuộc sống sông nước. Chính vì vậy các vị Thuỷ thần thường được lưu truyền và thờ cúng ken dày dọc theo các bờ sông cổ không chỉ Yên Phong mà còn ở các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài của tỉnh Bắc Ninh như: sông Đuống, sông Dâu, sông Cụt, …
2.2.2.2. Tín ngưỡng thờ danh nhân và người anh hùng dân tộc
Trong phạm vi gia đình dòng tộc, người Việt Nam luôn giữ chọn đạo hiếu. Con cháu nhớ ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, tổ tiên, ông bà. Khi ngài còn sống, thì hết lòng phụng dưỡng hiếu thảo. Khi các ngài đã đi xa, thì con cháu cúng giỗ để tưởng nhớ.
Trong phạm vi làng xã hay đất nước, danh nhân và anh hùng là những vĩ nhân, những con người kiệt xuất bởi công lao to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ làng xã, quê hương, đất nước. Do đó, khi các ngài chết đi, được dân chúng tin tưởng và tôn lên làm thần với mong ước tiếp tục được các ngài che chở phù hộ.
Trong đó, có những ngài được chính thức công nhận bởi các chức sắc của làng xã hoặc được nhà vua ban sắc phong.
Tín ngưỡng thờ danh nhân và người anh hùng trước tiên là do người Việt Nam tin vào linh hồn thuyết, tức là con người ta có linh hồn. Khi chết thì linh hồn lìa khỏi xác và vẫn phảng phất đâu đây, vẫn giao cảm con người ở cõi nhân sinh, nên người Việt Nam có tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người anh hùng. Ngoài ra việc thờ cúng người anh hùng còn có ý nghĩa tỏ lòng biết ơn, lòng cảm phục đức tính đặc biệt của các ngài, mong họ tiếp tục phù trợ, bảo vệ dân làng, bảo vệ đất nước và muốn noi theo gương sáng các ngài.
Trong cuốn Việt Điện U Linh Tập, Lí Tế Xuyên đã kể lai lịch về sự thờ cúng của người đời sau đối với một số các vị danh nhân, anh hùng dân tộc như sau: “Sáu vị thuộc hạng vương là Sĩ Nhiếp, Phùng Hưng, Triệu Việt Vương, Thần Xã Tắc, Hai Bà Trưng và Mị Ê; mười vị thần là Lí Hoảng, Lí Ông Trọng, Lí Thường Kiệt, Tô Lịch, Phạm Cự Lượng, Lê Phụng Hiểu, Mục Thận, Trương Hống và Trương Hát, Lí Phục Man, Lí Đô Úy, Cao Lỗ” [78].
Nơi thờ cúng các danh nhân, anh hùng có tên gọi khác nhau tùy theo uy danh của các ngài, tùy theo kích thước của nơi thờ cúng to hay nhỏ và tùy theo vùng miền. Thông thường nơi thờ cúng các vị đại anh hùng thường được gọi là đền thờ ví dụ như: đền vua Hùng, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ Đức Thánh Trần... Người miền Nam còn gọi nơi thờ cúng các ngài là miếu ví du như Lê Công Linh miếu. Phổ biến hơn cả các danh nhân, anh hùng được thờ tại đình làng các vị được dân làng chọn làm thần Thành hoàng như đức Thánh Tam Giang được thờ 372 làng thuộc 16 huyện thị ở 5 tỉnh ven sông Cầu từ thượng nguồn Đu Đuổm (Thái Nguyên) đến tận Lục Đầu giang (Hải Dương).
2.2.2.3. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Tín ngưỡng thờ thành hoàng là hiện tượng phổ biến trong đời sống của người Việt. Không làng nào là không có Thành hoàng. Tôn thờ Thành hoàng làng là thể hiện một truyền thống cao đẹp “uống nước nhờ nguồn”, là một nhu
cầu tâm lý không thể thiếu của người Việt. Người dân thờ Thành hoàng làng để phục vụ cho hiện thực cuộc sống, làm chỗ dựa tinh thần và để quy tụ cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết trong làng và cũng là động lực thúc đẩy sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo tác giả Nguyễn Quang Khải trong bài viết đăng trong thư viện số nội sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội thì “Ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Vĩnh Phúc… và một số làng ngoại thành Hà Nội, chúng tôi được biết việc thờ Thành hoàng của nhiều làng thực ra là thờ một sức mạnh tự nhiên nào đó (như thần sông, thần núi, thần sấm, thần sét, thần mây, thần mưa). Trong số các vị thần này, nơi nào thờ loại thần gì là tùy thuộc vào đặc điểm cư trú của làng đó. Chẳng hạn, những làng ở hai bên bờ các con sông thường là thờ các vị Thuỷ thần; những làng ở trên sườn núi thường thờ Sơn thần. Căn cứ vào cuốn Trương tôn thần sự tích thì vùng Bắc
Ninh, Bắc Giang, ngoại thành Hà Nội có đến 308 làng thờ Thánh Tam Giang. Còn các làng miền núi của huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa,… thì thờ thần núi (mà trong thần tích thường gọi là Cao Sơn - Quý Minh Đại vương). Những vị thần này được lịch sử hóa bằng cách điển hình hóa thành những vị anh hùng, mà sự nghiệp của những anh hùng này được gắn liền với thời đại các vua Hùng. Một số làng thờ những nhân vật lịch sử làm Thành hoàng làng mình là những vị anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc, như các vị: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Thịnh, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật,… Một số làng thờ vị có công truyền dạy cho dân làng một nghề thủ công nào đó, như vị tổ nghề gốm Bát Tràng, làng Phù Lãng là Hứa Vĩnh Kiều, vị tổ nghề đúc đồng ở Đại Bái là Nguyễn Công Truyền, ở Quảng Bố là Nguyễn Công Nghệ,… Một số làng thờ những quan lại phương Bắc đã từng cai trị nước ta làm Thành hoàng như: Triệu Đà, Sĩ Nhiếp, Cao Biền, Đào Hoàng...” [70]
Theo dư địa chí Yên Phong xuất bản năm 2002 thì: “Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ở Yên Phong có từ lâu đời. Làng nào cũng có Thành hoàng. Thành hoàng được thờ ở đình và ở đền. Thông kê cho thấy tình hình thờ Thành hoàng làng ở Yên Phong như sau:
Có 11 làng thờ Thành hoàng là các vị anh hùng thời Hùng Vương. Có 228 làng thờ Thành hoàng là các vị thần thời Bắc thuộc
Có 5 làng thờ Thành hoàng là các vị thần thời Lý Có 4 làng thờ Thành hoàng là các vị thần thời Lê
Có 20 làng thờ Thành hoàng là Thánh Tam Giang đó là các làng: Đào Xá, Phương La Đoài, Trần Xá, Yên Tân, Vọng Đông, Nghiêm Xá, Diễn Lộc, Chính Trung, Xuân Phương, Như Nguyệt, Phương La Đông, Nội Trà, Đông Xuyên, Yên Phụ, Phú Cầm, Thọ Đức, Phù Lưu, Dũng Liệt, Yên Phụ Hậu, Đại Lâm.
Có 13 làng thờ Thành hoàng là các vị thiên thần” [21].
Theo tác giả Nguyễn Minh Tường trong bài:Tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng trong các làng xã Việt Nam: “Các vị thần sông nước được nhân thần hóa nổi tiếng hơn cả, phải kể đến là hai anh em Trương Hống, Trương Hát” [75]. Sách Việt điện u linh tập cho biết, đây chính là hai vị thần sông. “Truyện kể rằng, thời Nam Tấn vương, Ngô Xương Văn (951-965) đi đánh Lý Huy ở Phù Lan, Hưng Yên ngày nay, hai thần báo mộng cho biết Thượng đế đã phong cho cả hai anh em làm chức Than Hà Long Quân Phó sứ 灘河龍君副使, hiệu là Tuần Giang Đô Phó sứ 廵江都副使. Xét từ chức tước và tên hiệu của hai vị thần đều liên quan tới sông nước. Thần là Thác trên sông (Than hà), hiện diện dọc theo (Tuần giang) sông Thương (Vũ Bình, Nam Bình), sông Cầu (Lạng Giang)” [75]. Từ đó, có thể giải thích “Về nguồn gốc tên của hai thần Hống và Hát là tiếng nước réo trên thác, trên sông, một đe dọa (Hống), một quyến rũ (Hát) mà cũng hàm chứa sự lôi cuốn nguy hiểm, đầy quyền uy và hấp dẫn của siêu nhiên” [75]. Sau khi “bình xong giặc Tây Long (tức Lý Huy), Nam Tấn vương Ngô Xương Văn sai
sứ giả chia đất để lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần 福神, phong anh Trương Hống là Đại Đương giang Đô hộ Quốc Thần vương, lập đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt (tức sông Cầu). Còn em Trương Hát được phong là Tiểu Đương giang Đô hộ Quốc Thần vương, lập đền thờ ở cửa sông Nam Bình (tức sông Thương)” [75].
Như vậy có thể nói “Tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng là một tín ngưỡng lâu đời và hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Việt. Làng Việt còn tồn tại thì tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng còn tồn tại” [75]. Như Giáo sư Đào Duy Anh đã nhận định: “Thần Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chẽ” [75].