7. Bố cục của luận văn
3.1. Cốt truyện “những mảnh ghép văn hóa”vùng quê Kinh Bắc
Có nhiều yếu tố tạo nên một tác phẩm tự sự, nhưng có lẽ cốt truyện là yếu tố căn bản nhất. Theo Từ điển thuật ngữ Văn học“Cốt truyện là hệ thống sự kiện
cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [16, tr.102]. Và cũng theo các tác giả thì “Cốt truyện không phải là yếu tố tất yếu của mọi loại tác phẩm văn học. Trong các tác phẩm trữ tình, cốt truyện (với ý nghĩa chặt chẽ nhất của khái niệm này) không tồn tại vì ở đây tác giả biểu hiện sự diễn biến của tình cảm, tâm trạng” [16, tr.102]. Bên
cạnh khái niệm cốt truyện hiểu theo tinh thần truyền thống còn có những cách hiểu: “Cốt truyện là toàn bộ các biến cố, sự kiện được nhà văn kể ra, là cái mà
người đọc có thể đem ra kể lại”[16, tr.102]. Là một phần của loại hình tự sự, cốt
truyện truyền thuyết thường theo ba đoạn đời nhân vật chính: Về nguồn gốc xuất thân và sự ra đời kì lạ, tướng lạ của nhân vật; về hành trạng của cuộc đời là những chiến công hiển hách còn kết thúc cuộc đời là hoá thân và hiển linh.
Cũng giống như cốt truyện chung của truyền thuyết, trong Truyền thuyết về
Vân Mẫu và Thánh Tam Giang, năm anh em họ Trương được thành hình từ một
giấc mơ đi tắm ở sông Lục Đầu có thần long bao nhiễu của bà mẹ mang tên là Phùng Thị Từ Nhan. Đây là chi tiết xuất hiện khá phổ biến trong những câu
chuyện mà chúng tôi có được khi đi điền dã. Với số lượng 9/10 truyện, thì có đến 90% những chuyện chúng tôi tìm được nói về quá trình thụ thai thần kì của bà. Điều đó cho thấy Thánh Tam Giang là con của Thủy thần có nguồn gốc xuất thân kì lạ cao quý, đẹp đẽ, linh thiêng, chứ không phải đơn thuần là con của một dân thường. Xây dựng hình ảnh này, phải chăng nhân dân muốn ngầm thể hiện tình cảm yêu mến với nhân vật.
Không chỉ thụ thai kì lạ mà truyện còn có motif nói đến sự ra đời dị biệt, hiện tượng lạ lúc sinh và tướng mạo khác thường của nhân vật Thánh Tam Giang. Nói về lúc lọt lòng Truyền thuyết về Vân Mẫu và Thánh Tam Giang lại kể: “Mười
bốn tháng sau, vào ngày 5 tháng giêng năm Nhâm Ngọ lên chùa lễ phật, khi về đến cánh đồng Cửa Cữu, gần làng bà sinh ra một bọc có 5 con: 4 trai một gái”
và “Các con lớn lên đều khôi ngô, tuấn tú, chơi đùa với trẻ trong làng thường
bày ra nhiều trò ngộ nghĩnh như cướp cờ tập trận và có nhiều mưu trước lạ lùng, nhiều điều xuất sắc.” Hiện tượng sinh bọc là điều hiếm gặp trong cuộc sống. Thế
nhưng bằng đôi cánh của trí tưởng tượng thì đây là điều dễ gặp trong các câu chuyện truyền thuyết. Ở Truyền thuyết về Vân Mẫu và Thánh Tam Giang, có đến 6/10 câu chuyện nói về việc sinh bọc trứng rồi nở thành con của bà. Có lẽ là người Việt Nam chẳng ai còn xa lạ với truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, mẹ Âu Cơ kết hôn cùng với Lạc Long Quân sinh ra một bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm người con trai. Và điều đặc biệt những người con không cần bú mớm gì mà vẫn lớn nhanh như thổi. Các motif mang tính thần kì này tạo ra hiệu quả thẩm mĩ quan trọng. Chúng không chỉ đưa nhân vật anh hùng vào những không gian có sắc màu kì ảo tạo nên sức hấp dẫn với người nghe mà còn thể hiện thái độ ngợi ca, trân trọng, tôn vinh đối với những người anh hùng của dân tộc. Bằng chi tiết tưởng tượng kì ảo ấy tác giả dân gian đã ngầm dự báo cuộc đời và sự nghiệp nhiều biến động và nhiều kì tích lớn lao. Motif này một phần bắt nguồn từ những câu chuyện thần thoại phản ánh thái độ tình cảm trân trọng, tôn sùng của người dân. Với họ, người anh hùng sinh ra mang sứ mệnh cao cả vì cộng
đồng, vì đất nước ắt hẳn họ phải mang trong mình những đặc điểm khác với con người bình thường. Đấy là cái cớ để tác giả dân gian tiếp tục dệt lên những chiến công hiển hách phi thường mà người anh hùng đã lập nên với những biểu hiện khác thường, hơn người khi còn trẻ. Ở nhân vật Thánh Tam Giang lúc còn trẻ và khi mẹ mất “Một đêm, trời mưa bão, anh cả và anh hai ra tảo mộ mẹ. Khi đến
cánh đồng Bãi Cả thì gặp người cản đường. Trời tối như mực, bỗng có một ánh chớp lóe lên làm hiện rõ hai người, một áo đỏ, một áo trắng, họ tự xưng là Xích y quỷ bộ, em là Bạch y quỷ bộ, chúa cai quản vùng đất này. Đứng trước hai anh em họ Trương chúng quát: Các ngươi đến đây làm gì? Nói đoạn tên áo trắng xông vào đánh, liền bị Trương Hát đấm cho một quả ngã lăn xuống đất kêu như bò rống, liền lúc đó tên áo đỏ sấn vào bị ông anh Trương Hống quật ngã đè lên trên. Hai bên vật lộn nhau dưới trời mưa tầm tã. Dưới chân họ, đất cỏ khu Bãi Cả bật lên nhầy nhụa. Sau một hồi, hai tên quỷ bị anh em Hống, Hát đè lên bóp cổ. Chúng kêu van và vái lạy xin tha, bái phục hai ông là đấng anh tài, thế khả bạt san, sau này tất làm nên việc lớn.” Với số lượng 4/10 truyện kể lại chiến
công đánh quỷ nhân dân muốn thể hiện sức mạnh phi thường của Trương Hống, Trương Hát, mặt khác gửi vào trong đó thái độ trân trọng ngợi ca họ. Motif về hoàn cảnh xã hội: loạn lạc liên miên, giặc ngoại xâm rắp xâm lược hoặc đang thống trị hà khắc, triều đình mục nát, dân chúng lầm than được phản ánh trong truyền thuyết là “Năm các ông hai mươi tuổi, vua Lương Đại Đồng thứ 7 (545)
sai tướng Trần Bá Tiên và Dương Phiêu đem đại binh sang đánh nước ta, tàn nhiễu muôn dân, đau lòng trăm họ.”
Nếu motif về hoàn cảnh xã hội giúp cho nhân vật trở nên thật hơn thì motif xuất thân là con nhà nghèo có xu hướng muốn kéo người anh hùng về đời sống thực, cơ cực và giản dị của nhân dân lao động. Nhờ đó câu chuyện càng thật hơn. Mẹ của Thánh Tam Giang là con gái nhà nghèo mồ côi cha mẹ, ngay cả đến nuôi dưỡng các con bà cũng được dân làng cưu mang giúp đỡ. Như vậy vóc dáng của anh em họ Trương có công sức của cả cộng đồng, làng xóm.
Đoạn đời thứ hai là quá trình hoạt động của nhân vật chính. Phần này kể lại hành động, chiến công, kì tích của nhân vật chính với nhiều tình huống thăng trầm, gian nguy, thất bại rồi thành công. Được thể hiện qua chiến công hiển hách giúp Triện Quang Phục đánh quân Lương “Bấy giờ giặc Lương sang xâm lấn
nước Nam, Trương Hống, Trương Hát theo Triệu Quang Phục đánh giặc. Nhờ tài tinh thông võ nghệ, mưu lược thần diệu, lại có áo tàng hình, nhị nhân tướng tả xung hữu đột, đánh thắng nhiều trận, khiến kẻ địch phải mày run mật vỡ. Song hiềm vì nỗi giặc đông như kiến cỏ, nên đánh mãi mà vẫn không tiêu diệt được chúng… Một đêm tướng Trương Hống, Trương Hát nằm ngủ trong chùa Diềm, đang khi nửa tỉnh nửa mê, bỗng thấy có một người con gái đi vào và tự giới thiệu là người của Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thân để nói với nhị vị, muốn diệt trừ bọn sài lang, thì chỉ có cách là kéo quân về vùng đầm Dạ Trạch mà dùng mai phục kế. Theo lời thần báo mộng, hôm sau hai tướng lập tức kéo quân về Dạ Trạch rồi đó, quả nhiên giặc Lương bị đánh tan tành, phải rút chạy về nước.”
Đoạn đời thứ ba là sự kết thúc của nhân vật chính. Có nhiều motif về giai đoạn này như motif về sự hoá thân “Bấy giờ triều đình rối ren, lòng dân oán
thán, giặc ngoài ngấp nghé, Lý Phật Tử lại tức tốc cho người lên tận Đu Đuổm để vời hai ông về làm quan, mong chiêu an dân tâm. Hắn nói hai ông không làm quan chỉ còn một con đường là phải tự xử. Dẫu vậy Trương Hống, Trương Hát vẫn quyết không chịu về với kẻ phản bội. Biết chẳng còn cách nào khác, hai ông bèn cho đóng một chiếc thuyền độc mộc đục sẵn lỗ ở đáy, nhét giẻ vào, rồi xuôi theo sông Cầu để về hóa ở quê hương bản quán. Tới đoạn sông Như Nguyệt, nơi hợp lưu giữa sông Cầu và sông Cà Lồ, Trương Hống, Trương Hát cho rút giẻ ra, nước sông chảy vào, hai ông lần lượt hóa thần. Tương truyền khi mất hai ông đều biến thành rắn. Bởi thế địa phương mỗi làng ngài hóa đều có tên là xà: Xà Trên (Phương La Đoài), Xà Dưới (Phương La Đông).”
Một trong những motif thường gặp ở các câu chuyện truyền thuyết là vật thần trợ giúp. Motif vật thần trợ giúp có thể là ngựa sắt của Thánh Gióng, nỏ thần mà rùa vàng tặng cho An Dương Vương hay cũng có khi là bộ áo tàng hình mà Thánh Tam Giang có được từ cuộc giao đấu với Bạch y quỷ bộ và Xích y quỷ bộ. Nhờ có áo tàng hình mà Thánh Tam Giang có thêm sức mạnh đã đánh được hết lớp giặc này đến lớp giặc khác, mang lại thanh bình cho đất nước. Ngoài ra người anh hùng đôi khi còn nhận được sự trợ giúp của Quan Thế Âm Bồ Tát, những người ở cõi phật: “Một đêm tướng Trương Hống, Trương Hát nằm ngủ
trong chùa Diềm, đang khi nửa tỉnh nửa mê, bỗng thấy có một người con gái đi vào, Hống, Hát giật mình hỏi:
- Nàng ở đâu mà tới bản doanh ta giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Người con gái cúi mình đáp rằng:
- Ta là người được Quan Âm Bồ Tát giao giữ ngôi chùa này. Nay ta hiện thân để nói với nhị vị rằng, nếu hai vị muốn diệt trừ bọn sài lang, thì chỉ có cách là kéo quân về vùng đầm Dạ Trạch mà dùng mai phục kế.” Tại sao những người
anh hùng lại luôn nhận được sự giúp đỡ của người khác? Có lẽ họ là người được nhân dân ủy thác thực hiện công lí chính nghĩa. Hơn thế mọi hành xử của họ là vì dân, vì nước, vì lợi ích của cộng đồng. Nếu trong truyện cổ tích, vật thần thường xuất hiện để trợ giúp nhân vật lúc khốn khó để vượt qua khó khăn bế tắc và thay đổi cuộc đời cá nhân nhân vật thì trong truyền thuyết thần linh lại giúp cho nhân vật tăng thêm ý chí và sức mạnh để lập nên những chiến công phi thường mang lại lợi ích cho cộng đồng đất nước.
Motif về sự hiển linh, hiển thánh giúp con cháu làm ăn và đánh giặc cũng xuất hiện nhiều lần trong Truyền thuyết về Vân Mẫu và Thánh Tam Giang. Trong truyền thuyết này, người anh hùng Trương Hống, Trương Hát, không chỉ hiển linh âm phù một lần mà tần suất xuất hiện khá nhiều, ở nhiều giai đoạn và thời kì khác nhau. Vào thời kỳ nhà Ngô có 2/10 truyện kể, đời hậu Ngô, Nam Tấn Vương là Ngô Xương Văn (năm 951), khi đi dẹp giặc ở Côn Lôn đất Long Châu,
lúc đóng quân ở rừng Phù Lan, vua nằm mộng có hai vị thần một vị mắt xanh, mình khoác áo trắng đầu đội mũ rồng, chân đi hia rắn; vị kia mặt trắng râu dài áo đỏ, chân đi hia phượng đến vái lạy nhà vua và tự xưng là Trương Hống, Trương Hát đã từng giúp đức tiên chúa Ngô Vương Quyền phá tan giặc Nam Hán, nay xin được ra sức âm phù cho Nam Tấn Vương. Quả nhiên trong lúc quân sĩ đang gặp khó khăn thì đêm hôm ấy hai ông xuất hiện với hai đội thần binh xuất phát từ rừng Phù Lan. Quân ông anh tiến sang Vũ Bình giang vào Phú Lương giang bên Thái Nguyên chặn đầu ngọn sông. Quân ông em từ Lạng Bình giang lên đến Thượng Nguyên phía đầu hạ lưu rồi cùng đánh Côn Luân. Rồi đến thời tiền Lê, Vua Lê Đại Hành niên hiệu Thiên Phúc thứ hai (năm 981), nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang đánh nước ta, giặc đã đến cửa sông Đại Than, vua cùng võ tướng Phạm Cự Lượng đem quân đi đánh, đi đến làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc thì trời tối, bèn đóng quân tại đó, lấy đình làm đại bản doanh. Đình làng này thờ Thánh Tam Giang. Đêm đó, nhà vua truyền sửa lễ cầu thần âm phù cho đánh giặc. Đúng canh ba thấy có trận gió lạ lùng, rồi nghe thấy ở trong hậu cung có tiếng vọng ra:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhất trận phong vân tận tảo trừ.
Vua biết ngay rằng có thần ứng trợ, hôm sau hành quân lên đến Đông Lỗ lập trận đối diện với quân giặc. Nửa đêm hôm ấy, vua chiêm bao thấy hai vị thần đứng trên bờ sông vái chào giới thiệu là Tam Giang thần, thấy giặc Tống sang cướp nước ta, hà hiếp dân lành, làm cho muôn dân vô cùng khổ sở, cho nên lại đây để giúp vua đánh giặc cứu muôn nhà. Vua tỉnh dậy, lập tức gọi truyền văn võ rằng: ở đây có thần linh phù trợ, phải chỉnh biện lễ nghi rồi ra quân ngay. Đến canh ba đêm 23 tháng 10 tự nhiên nổi trận mưa bão ầm ầm, trời đất tối tăm mù mịt. Trong mưa gió nghe có tiếng reo hò như của thiên binh vạn mã, quân nhà
vua lại ào ạt tấn công, quân Tống rối loạn hồn xiêu phách lạc, xô chạy dọc ngang, bị quân ta bắt sống và tiêu diệt rất nhiều. Quân Tống đại bại phải rút về nước. Kể về Thánh Tam Giang hiển linh, giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống bảo vệ cuộc sống của nhân dân, chúng tôi thống kê được 4/10 truyện nói về sự việc này. Điều đó càng khẳng định tấm lòng trung quân ái quốc của anh em họ Trương.
Hiển linh âm phù dấu tích để lại nhiều nhất là sang đời Lý, Lý Nhân Tông niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (1075), Thánh Tam Giang lại hiển linh âm phù giúp tướng quân nhà Lý đánh tan giặc Tống. Kết quả điều tra thống kê của chúng tôi nói lên trong số 10 truyện kể về Thánh Tam Giang thì có đến 5 truyện kể về sự hiển linh âm phù của Thánh cho nhà Lý. Các câu chuyện ấy cùng có nội dung: nhà Tống sai bọn Quách Quỳ, Triệu Tiết hợp cùng quân Chiêm Thành, Chân Lạc sang đánh nước ta. Vua sai tổng binh Lý Thường Kiệt, tên là Ngô Tuấn, (1019- 1105) đem quân đi đánh. Lý Thường Kiệt lấy sông Như Nguyệt lập phòng tuyến. Bên bờ Bắc quân Tống chiếm đóng, bên bờ Nam quân ta trấn ải. Khi hành quân đến Phương La (đền Xà), đền thờ Trương đại vương, Lý Thường Kiệt cho hạ trại, đóng quân trước đền truyền sửa lễ cầu thần trợ chiến. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, bỗng nghe trên trời có tiếng hò reo người ngựa rầm rập, khí giới soang soảng, ai cùng phải ngửa mặt nhìn. Thấy có hai vị thần mặc tiên bào một đỏ một trắng, oai phong lẫm liệt ngự trong đám mây trắng, có quân sĩ đứng hai bên tả hữu. Hai vị từ từ hạ mây, bước vào đền. Rồi từ trong đền vẳng ra tiếng thơ ngâm:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tiếng thơ sang sảng như sét đánh, bên này sông Như Nguyệt quân ta nghe thấy thì phấn trấn tinh thần, ào ạt vượt sông đánh giặc. Bên kia Như Nguyệt quân Tống nghe thấy thì hồn siêu phách lạc, trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, quân giặc đã phải bỏ chạy tán loạn, bị bắt bị giết nhiều vô kể. Quách Quỳ,
Triệu Tiết thất bại nặng nề, đành phải thu nhặt tàn quân rút về Bắc quốc. Từ đấy hàng năm, cứ đúng ngày mồng mười tháng tư, nhân dân hai bên tả ngạn sông Vũ Bình và Nam Bình mở hội đua thuyền kỉ niệm công đức các ông như nhân dân