7. Bố cục của luận văn
2.2.1. Khái niệm cảm hứng chủ đạo
Khái niệm cảm hứng chủ đạo được các nhà nghiên cứu mĩ học và văn học cổ điển quan tâm từ rất sớm. Trong hệ thống tư tưởng mỹ học của Hêgel, cảm hứng chủ đạo được xem như là “trung tâm điểm”, là “vương quốc thật sự” của nghệ thuật, nhân tố của mối tác động hữu cơ giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận nghệ thuật. Ông “xem nghệ nghệ thuật như sự miêu tả cảm tính các tư tưởng, một hình thức chân lý tuyệt đối”. Hêgel cho rằng cảm hứng chủ đạo là biểu hiện của tâm hồn người nghệ sĩ thâm nhập vào đối tượng. Với ông, cảm hứng chủ đạo là “Sản phẩm của một tinh thần phong phú và hoàn thiện, một cá tính mà trong đó tất cả những lực lượng bản thể phổ quát đều được thực hiện”
[dẫn theo 13, tr. 208].
Cảm hứng chủ đạo sau này được Bêlinxki cụ thể hóa hơn: “Trong những tác phẩm thi ca đích thực, tư tưởng không phải là một khái niệm trừu tượng được diễn tả một cách giáo điều, mà nó tạo thành linh hồn tỏa vào trong tác phẩm, giống như ánh sáng chiếu vào pha lê. Tư tưởng trong sáng tạo thi ca - đó chính là cảm hứng… Cảm hứng là sự thiết tha và nhiệt tình nồng cháy gợi nên bởi một tư tưởng nào đó” và “ cảm hứng biến sự nhận thức của trí tuệ về tư tưởng nào đó trở thành lòng say mê đối với tư tưởng đó, trở thành năng lượng và thành khát vọng nồng nhiệt [dẫn theo 13, tr. 208 - 209]. Như vậy, theo Bêlinxki cảm hứng chủ đạo chính là sự khung hướng cơ bản của tác phẩm, nó xuyên suốt toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Các nhà nghiên cứu trong nước cũng đã có những quan điểm khác nhau về cảm hứng chủ đạo. Nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đưa ra quan niệm của mình về cảm hứng chủ đạo: “Cảm hứng chủ đạo là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” [14, tr. 44 - 45].
Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương trong cuốn Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ nhấn mạnh vai trò quyết định của cảm hứng chủ đạo đối với tác phẩm văn học “Cảm hứng chủ đạo thấm nhuần vào toàn bộ cấu trúc tác phẩm, vào thế giới hình tượng, bao gồm không gian, thời gian, tính cách nhân vật vào xung đột và cốt truyện, vào ngôn từ và giọng điệu của một bài thơ, một truyện ngắn, một thiên tùy bút hay một cuốn tiểu thuyết” [13, tr. 210]. Từ quan điển trên có thể khẳng định “Việc tìm hiểu cảm hứng chủ đạo không phải chỉ căn cứ trên một bộ phận, một thành tố nào mà phải căn cứ trên toàn bộ lo gích nghệ thuật của tác phẩm” [13, tr. 210].
Như vậy, cảm hứng chủ đạo là yếu tố có vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác cũng như thưởng thức tác phẩm văn học nghệ thuật. Nó là yếu tố tạo nguồn và thúc đẩy quá trình sáng tác đồng thời thức tỉnh tình cảm của độc giả tạo tiền đề cho việc tiếp nhận sâu sắc tác phẩm hơn.