7. Bố cục của luận văn
3.2.2. Các kiểu không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Hữu Quý
3.2.2.1. Không gian làng quê
Trở về làng quê là trở về với cội nguồn, với dân tộc. Làng quê cũng là nơi mà các nhà thơ mới đã từng sống và gắn bó. Ruộng đồng, vườn ao dường như là một phần máu thịt trong họ cho nên làng quê trong tâm hồn các thi sĩ luôn hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng cũng như sự vất vả nhọc nhằn của nó. Sinh ở ra và lớn lên ở miền Trung, Nguyễn Hữu Quý đã đi qua nhiều vùng miền khác nhau của đất nước. Từ khi rời quân ngũ chuyển hẳn sang nghiệp văn chương, ông ra Hà Nội sống nhưng cái chất quê trong ông không hề mai một. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức, con người và đi vào thơ ông một cách tự nhiên đầy bản năng. Bản thân ông cũng tự nhận thơ của mình mang âm hưởng quê nhà.
Tôi ra phố ít lang thang
câu thơ viết cứ đa mang quê nhà
Thơ Nguyễn Hữu Quý là những sáng tác thấm đượm dư vị vùng miền. Điều này được thể hiện qua không gian làng quê mang vẻ đẹp của địa hình, nét đẹp văn hóa. Quê hương Quảng Bình nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên, là mảnh đất của những cồn cát trải dài. Do vậy hình ảnh ấy đi vào thơ ông như một mỗi niềm khắc khoải của một người con xa xứ nhớ về quê hương.
Chang chang dặm cát
mẹ múc sông lên vằng vặc câu hò soi tỏ rừng cay, biển mặn.
[Miền trung - Im lặng trên cao] Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Hữu Quý là một không gian mang đậm màu sắc của miền Trung với hình ảnh làng đảo.
Trập trùng sóng, trập trùng mây giữa bao la biển, ô hay, làng mình!
[Làng đảo]
Mảnh đất miền Trung khắc khoải trong tâm tưởng của nhà thơ không chi được gợi lên thông qua những địa danh cụ thể, mà còn được gợi đến bằng giọng nói của quê hương.
Tôi ra ở phố một mình
bấy năm vẫn giọng Quảng Bình ngang ngang có đêm thổn thức nhớ làng
chiêm bao thấy cát trắng tràn chân mây.
[Ở phố - Im lặng trên cao] Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Hữu Quý không ngoài vẻ đẹp của địa hình còn được nhà thơ khắc họa qua tình cảm con người.
Sang hèn là kiếp trời cho
Thuỷ chung là nết mẹ cha truyền mình Đã ăn một miếng trầu tình
Gập ghềnh cũng chịu, lênh đênh cũng đành!
Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Hữu Quý hiện lên với những đặc trưng không thể nào phai. Đó là không gian luôn phải gồng mình trước thiên tai bão lũ.
Lũ tràn qua mặt Bão giật ngang đầu
Miền Trung sống như không thể mất.
[Miền trung - Im lặng trên cao] Không gian ấy khiến cho những con người nơi đây cũng tự ý thức được những gian nan thử thách mà thiên nhiên sẽ mang đến.
Sinh ra kề mắt bão
Mẹ bọc tôi trong vạt phù sa
[Im lặng - Làng đảo]
Quê hương miền Trung gắn với gió lào cát trắng hàng năm phải oằn mình chống chọi với biết bao thách thức của thiên nhiên và biển cả. Trong đó, bão đã trở thành một phần của cuộc sống. Do vậy, không gian làng quê gắn với hình ảnh những cơn bão đã trở thành nét riêng trong thơ ông.
Áo mẹ mặc che hướng nào cũng bão Vẫn để cho con yên ả một góc đời
[Đi tìm đồng xu nhỏ bé - Mười nghìn khát vọng] Không chỉ đương đầu với bão mà ngay trong cuộc sống thường nhật, con người cũng phải đương đầu với bao thách thức từ thiên nhiên. Trong thơ ông, ta gặp không ít hình ảnh của những làng đảo giữa muôn trùng sóng gió.
Trập trùng sóng, trập trùng mây giữa bao la biển, ô hay, làng mình!
[Làng đảo]
Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Hữu Quý là một không gian mang đặc trưng của làng quê miền Trung với vẻ đẹp của địa hình, ấm áp nghĩa tình của con người đôn hậu, thủy chung; không những thể đó còn là không gian làng quê vật mình trong gian nan thử thách.
3.2.2.2. Không gian chiến tranh hiện về trong hồi ức
Nguyễn Hữu Quý từng trải qua những năm tháng máu lửa của chiến tranh. Do vậy, dư âm của nó đọng lại trong thơ ông khá đậm nét. Trước hết đó là sự tái hiện về không gian chiến trường đau thương, anh hùng.
Tiếng chuông ngân vọng cõi người
Ngổn ngang mây trắng phủ trời Điện Biên.
[A1 - Im lặng trên cao] Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước đã sang trang mới. Màu xanh đã phủ lên những hố bom xưa và sự sống hồi sinh với những đổi thay mới của cuộc sống. Dòng Thạch Hãn đã trong xanh trở lại, song, những vần thơ về Thành cổ, về Ngã ba Long Hưng… trong thơ Nguyễn Hữu Quý vẫn gợi nên bao bùi ngùi, thương cảm về hàng nghìn người con ưu tú của Tổ quốc, tuổi mười tám đôi mươi đã ngã xuống, nằm lại trên các nẻo đường của mảnh đất Quảng Trị, Thành cổ. Từ đau thương mà hạnh phúc, hy vọng trỗi dậy nở hoa.
Đêm trộn ngày, ngày trộn vào đêm, máu hòa máu trộn vào từng nắm đất. Những dòng máu chảy qua vỡ nát - cỏ như mùa xuân như ngực dậy thì?
[Viết từ Thành cổ - Huệ trắng] Không gian chiến tranh hiện về trong hồi ức qua trang thơ Nguyễn Hữu Quý không chỉ có sự đau thương, anh hùng mà còn có với những khoảnh khắc thanh bình.
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi
Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...
[Khát vọng Trường Sơn - Mười nghìn khát vọng] Không gian chiến tranh không chỉ được gợi lại thông qua hình ảnh của người ra trận mà còn đọng lại thông qua những hình ảnh ở hậu phương.
Như chưa từng nức nở khi Mẹ con chết vì bom bi Mỹ
Như chưa từng ôm chặt các con vào lòng trong căn hầm chữ A rung Lên vì máy bay B52 rải thảm
[Cha ơi - Im lặng trên cao] Dường như tiếng bom đã trở thành điểm nhấn về không gian chiến tranh ở vùng hậu phương.
Cuộc đời ngắn ngủi làm sao Bom rơi, cát đỏ, máu trào, mẹ ơi!
[Thắp hương mộ mẹ ơi - Im lặng trên cao] Mặc dù chiến tranh dã lùi xa, trở lại cuộc sống thời bình nhưng không gian chiến trường vẫn là không gian chi phối trong thơ Nguyễn Hữu Quý. Không gian đó luôn hiện hữu trong tâm trí ông như kỷ niệm về những năm tháng không thể phai nhòa. Trong không gian chiến trường ấy vừa có không gian chung của đất nước, nhưng cũng có không gian riêng và nỗi niềm của tác giả. Những nhà thơ trưởng thành sau cuộc chiến tranh mà viết về Trường Sơn, về cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc mà có được sự thành công như ông hẳn không nhiều. Nguyễn Hữu Quý đang trong độ chín của sáng tác và ông sẽ tiếp tục có nhiều tác phẩm hay về Trường Sơn, về người lính và chiến tranh để dâng tặng đồng đội của mình - những con người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, nhưng họ mãi mãi sống cùng non sông, đất nước.
3.2.2.3. Không gian thành thị (Hà Nội)
Khi bước hẳn sang con đường văn nghiệp, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã chuyển ra Hà Nội sống. Trong những năm tháng sống ở đây, hình ảnh của một Hà Nội thời kì đổi mới đã được nhà thơ ghi lại sinh động bằng không gian thành thị trong thơ. Không gian ấy hiện lên là sự đan xen giữa không gian của một thủ đô hoa lệ, nhộn nhịp, ồn ào và một không gian bình dị thân quen.
Em đừng trách tôi sao chẳng nói gì về phố cổ, Hồ Tây và hoa sữa
lộng lẫy, kiêu sa mới là một nửa nét hao gầy, nửa Hà Nội của tôi
[Hà Nội của tôi - Im lặng trên cao] Trong thơ Nguyễn Hữu Quý, không gian thành thị hiện lên gắn với những địa danh cụ thể, những con đường, góc phố thân quen của Hà Nội:
Dẫu đã có nghìn năm Hà Nội vẫn tinh mơ / Như buổi sớm nay con tàu phương Nam đưa tôi về ga Hàng Cỏ / Thầm thì trong tôi cái tên gọi cổ / Thời ngựa xe lộc cộc chốn kinh thành.
Đi trong tinh mơ Hà Nội nghìn năm / Gặp nước Hồ Gươm ánh lên màu huyền tích / Văng vẳng đâu đây nhịp chày thậm thịch / Canh gà xao xác bờ đê.
Bước trên những con đường vắng vẻ / Tôi nhận ra một Hà Nội tôi yêu / Trong những hàng cây còn ngái ngủ / Có gió và sương cất lên tự sông Hồng
[Hà Nội tinh mơ - Im lặng trên cao] Không gian thành thị trong thơ Nguyễn Hữu Quý không chỉ hiện lên với những con phố, sự vật, địa danh vô hồn mà nó còn gắn với những hoạt động thường nhật hằng ngày.
Hà Nội của tôi cơm bụi lề đường / Vại bia hơi uống gầm cầu ồn ã / Khi nắng tắt bên chiều phố xá / Tôi chạnh lòng thương bếp lửa nhà nông
Hà Nội của tôi cha con ông hát rong / Ngày ngày đi qua phố / Cây ghi ta thùng cũ / Đánh rơi tiếng nắng, tiếng mưa
Hà Nội của tôi có một người mù / Chống gậy đi bán chổi / Cái chuông lắc thay lời rao gọi / Chẳng bao giờ tôi thấy chổi ít đi
[Hà Nội của tôi - Im lặng trên cao] Bên cạnh sự ồn ào chốn thị thành, không gian Hà Nội trong thơ Nguyễn Hữu Quý hiện lên với những góc phố vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát và dễ chịu toát lên dáng vẻ của một Hà Nội thanh bình.
Góc hoa giấy rực hồng nở ong vàng kết tổ. Góc loa kèn ửng đỏ
những hồi thu muộn màng. Góc quỳnh lặng vầng trăng tìm lời khuya tĩnh mịch.
[Một góc tầng ba - Im lặng trên cao] Cùng với việc tái hiện một không gian thành thị - không gian Hà Nội trong thơ, Nguyễn Hữu Quý thể hiện sự quan sát tinh tường của nhà thơ đối với cuộc sống. Đó là một không gian vừa mang nét cổ kính đậm chất văn hóa của thủ đô ngàn năm văn hiến, nhưng hằn sâu trong nó là những vận động thường nhật với bao lo toan, vất vả của cuộc sống trong thời kỳ đổi mới. Không gian Hà Nội trong thơ ông có sự đan xen của cái đẹp, cái cao cả với những xô bồ của đời sống xã hội hằng ngày.
3.2.2.4. Không gian hư ảo
Ngoài những không gian hiện hữu của đời sống, trong thơ Nguyễn Hữu Quý còn có sự hiện diện của không gian hư ảo. Không gian này được nhà thơ gây dựng bằng hệ thống hình ảnh các nhân vật trong những câu chuyện cổ tích hay trong các tích truyện lưu truyền trong dân gian. Bằng việc sử dụng hình ảnh, hành động, trạng thái của các nhân vật trong những câu chuyện cổ tích, nhà thơ đã gợi ra một không gian mang màu kì ảo.
Có cô bé vừa đi vừa hát / Bên hàng cây so đũa dưới mâm trời / Mây trắng như xôi / Nắng vàng như mật / Mắt chấm vào đâu cũng thấy ngọt ngào / Bà ngoại đã đi xa, / Bác thợ săn già rồi / Khẩu súng hai nòng mơ màng trên vách.../ Đại lộ 21 / Thấp thoáng cô bé quàng khăn đỏ... [Cổ tích 21 - Im lặng trên cao]
Với những hình ảnh cô bé vừa đi vừa hát, bà ngoại đã đi xa, bác thợ săn, cô bé quàng khăn đỏ, Nguyễn Hữu Quý đã khắc họa được không gian của truyện cổ tích Cô bé quàng khăn đỏ.
Không gian hư ảo trong thơ Nguyễn Hữu Quý không chỉ được gợi ra từ những câu chuyện cổ tích nước ngoài mà nó còn được gợi ra từ những câu chuyện cổ tích Việt Nam.
Cô Tấm đã vào cung vua / Lều gianh mẹ ở nắng mưa một mình / Thân còn nặng nghiệp ăn xin / Miếng cơm nguội mấy đồng trinh bẽ bàng! Đời ơi, chiếc bị đa mang / Thị còn đọng lại chút hương hay là / Miếng trầu cánh phượng - giấc mơ / Cũng bay theo những tiếng gà tan canh / Đường mòn còn bóng thị xanh / Chẳng còn cô Tấm lều gianh nghĩa tình… [Cô Tấm đã vào cung vua - Mười nghìn khát vọng]
Với những hình ảnh lều gianh, miếng trầu cánh phượng… nhà thơ đã gợi lên một không gian hư ảo mang đậm màu sắc Việt Nam. Ngoài những hình ảnh trên, Nguyễn Hữu Quý còn sử dụng những hình ảnh khác để khắc họa không gian hư ảo.
Đất cổ tích, trời nguyên sơ / thương yêu đã lắm, đợi chờ cũng lâu / miếng trầu gởi gắm cho nhau / dễ chi đánh mất cái câu hẹn hò! / Sang hèn là kiếp trời cho / thuỷ chung là nết mẹ cha truyền mình / đã ăn một miếng trầu tình / gập ghềnh cũng chịu, lênh đênh cũng đành! [Trầu cau - Mười nghìn khát vọng].
Không gian hư ảo trong thơ Nguyễn Hữu Quý ngoài việc được khơi nguồn từ chuyện cổ tích, còn được khơi nguồn từ các nhân vật lịch sử của dân tộc.
Nước loạn
Ông là quân sư lừng danh soạn Binh thư bình giặc
sách lược nào cũng lấy nghĩa nhân làm gốc.
[Nguyễn Trãi - Im lặng trên cao] Bằng hình ảnh nước loạn, quân sư lừng danh, soạn Binh thư bình giặc
Nguyễn Hữu Quý đã gợi đến không gian lịch sử của thời Nguyễn Trãi.
Không gian hư ảo trong thơ Nguyễn Hữu Quý không chỉ được gợi lên qua các nhân vật, hành động, công việc… của các nhân vật lịch sử mà còn được gợi lên thông qua những tích truyện.
Lệ Chi Viên bạc nghiệt / Lệ Chi Viên! Lệ Chi Viên! Máu ngập…/ Sáu trăm năm, oan khuất chưa tan/ Nỗi gì / Còn đây, một Côn Sơn thông xanh ngằn ngặt?/ Vọng giữa lòng ta lời cây, lời núi:/ Lưỡi gươm vương quyền có thể phạt
đầu ba họ / Nhưng làm sao tru di được / Một Đại cáo bình Ngô / Một Quân
trung từ mệnh / Một Quốc âm thi tập…/ Lưỡi gươm chém Người Hiền treo giữa chốn vàng son / Câu thơ của Người Hiền cất trong lòng thiên hạ…
[Nguyễn Trãi - Im lặng trên cao] Với hình ảnh Lệ Chi Viên, máu ngập, nhà thơ đã gợi nhắc về không gian vụ án oan nổi tiếng thời Lê sơ. Đó là vụ án, quan Đại Thần Nguyễn Trãi và vợ bị triều đình kết tội giết vua nên 3 họ nhà Nguyễn Trãi bị chém đầu (vụ án Lệ Chi viên).
Trong thơ Nguyễn Hữu Quý, ngoài nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi thì còn khá nhiều nhân vật trong tác phẩm văn học mà ông nhắc đến: Kiều đẹp thế nào
/ Kiều khổ ra sao/đã rõ!/Ta đọc lại hoa / ta xem lại cỏ / những vầng trăng của Nguyễn chẳng khuất mờ… [ Đọc lại Kiều ]. Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều được nhà thơ nhắc đến góp phần tô đậm thêm không gian kì ảo trong thơ.
Không gian hư ảo được sử dụng trong thơ Nguyễn Hữu Quý không phải là ngẫu hứng nghệ thuật mà đó là một dụng ý nghệ thuật nhằm mang đến cho tác phẩm của mình một màu sắc mới. Nó góp phần xua đi những bộn bề, lo toan của cuộc sống, khiến người đọc cảm nhận cuộc sống dưới góc độ những giấc mơ ngọt ngào. Qua đó cũng thể hiện được một tâm hồn bay bổng và những mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhà thơ.
Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Hữu Quý có sự hòa hợp giữa không gian làng quê, không gian thị thành, không gian chiến trường và không gian kì ảo. Tất cả được kết nối bằng sợi dây liên tưởng của nhà thơ, làm tăng thêm nhựa sống cho thơ ông.